Chồng phải ra tòa chỉ vì bênh vợ và chuyện bi hài 9+6 = 14

Google News

Ngày 12/7, TAND TP. Tân An (tỉnh Long An) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Trần Minh Đức (xã Bình Tâm, TP. Tân An) tội “Cố ý gây thương tích”. 

Lùm xùm vì chuyện “con nít”
Ngày 12/7, TAND TP. Tân An (tỉnh Long An) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Trần Minh Đức (xã Bình Tâm, TP. Tân An) tội “Cố ý gây thương tích”. Ông Đức bị cơ quan điều tra khởi tố bắt tạm giam vì có hành vi dùng mũ bảo hiểm đánh ông Trần Thanh Phong (ngụ phường 1, TP. Tân An) gây thương tích 14%. Việc ông Đức vướng vào vòng lao lý xuất phát từ một chuyện… lãng xẹt.
Chong phai ra toa chi vi benh vo va chuyen bi hai 9+6 = 14
Bà Vân và bé Thu Ngân (ngồi trước phòng xử án) để xem tòa xét xử ông Đức tội “Cố ý gây thương tích”. 
Số là cháu Trần Nguyễn Thu Ngân (con ông Đức) được tập thể lớp 4/8 (Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, phường 1) bầu làm lớp phó học tập và được thầy chủ nhiệm giao nhiệm vụ truy bài bạn học trước khi vào giờ học chính tại lớp. Trong một lần truy bài thì bạn Trần Minh Thiện (con ông Phong) không thuộc bài, cộng thêm bạn này lại hay nói chuyện trong giờ học nên bị Ngân nhắc nhở trước cả lớp.
Bị “quê độ”, Thiện về nhà “méc” mẹ việc bị bạn Ngân “hạ nhục” trong lớp. Ngay ngày hôm sau, bà Huỳnh Thị Ngọc Xuyến (mẹ của Thiện) đưa con đi học rồi dùng những lời lẽ khó nghe mắng nhiếc cháu Ngân trước sự chứng kiến của bà Nguyễn Thị Thu Vân (mẹ cháu Ngân) cùng nhiều phụ huynh khác. Bà Vân lên tiếng cự cãi với bà Xuyến để bênh con. Được nhiều người can ngăn, 2 bà mẹ bỏ ra về.
Hôm sau, trong buổi họp phụ huynh học sinh của lớp 4/8, ông Phong bất ngờ đi vào phòng họp, dùng những lời lẽ thô tục chửi bới 1 phụ huynh của lớp, vì tưởng người này là bà Vân - mẹ của cháu Ngân. Chửi mắng một hồi thì ông Phong phát hiện mình… mắng nhầm người.
Đến khi xác định được đúng bà Vân, ông này đã chửi rủa thô tục hơn và có ý định hành hung bà Vân. Thấy tình hình căng thẳng, thầy chủ nhiệm lớp cùng một số phụ huynh khác can ngăn và đưa ông Phong ra ngoài. Dù vậy ông Phong vẫn dùng nhiều lời lẽ thô tục để chửi mắng bà Vân.
Bà Vân bật khóc nức nở và xin phép thầy chủ nhiệm lớp cho ra về trước vì quá xấu hổ. Lập tức ông Phong nhào tới, dùng nón bảo hiểm định đánh vào đầu bà Vân. Lúc này ông Đức, chồng bà Vân từ ngoài cổng trường đi vào, thấy vợ bị người đàn ông lạ xông vào định hành hung nên ông nhào tới dùng tay xô ngã ông Phong để giải vây cho vợ.
Ông Phong ngồi dậy, chạy tới căng tin của trường chộp lấy 2 vỏ chai nước ngọt để rượt đuổi, đánh ông Đức với bà Vân trước sự chứng kiến của nhiều phụ huynh dự họp tại trường. Chỉ đến khi Công an phường 1 xuất hiện, mời vợ chồng bà Vân - ông Đức về phường để lập biên bản thì ông Phong mới chịu lên xe gắn máy của 1 người chờ sẵn chở đi mất dạng.
Phép tính kỳ lạ của bác sĩ pháp y: 9+6=14!
Theo cáo trạng của Viện KSND TP. Tân An, do ông Đức thấy ông Phong cự cãi và dọa đánh vợ mình nên dùng mũ bảo hiểm đánh vào mặt ông Phong làm gãy xương mũi chính, thương tích 14%, ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên VKSND TP. Tân An quyết định truy tố Đức tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 104, Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên trong phần tranh luận công khai tại tòa giữa ông Nguyễn Thành Chiến (Phó Viện trưởng VKSND TP. Tân An) - đại diện VKS giữ quyền công tố, với các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Đức, nhiều điểm mấu chốt của vụ án đã bị phơi bày, có nhiều điều khuất tất, thậm chí có dấu hiệu “đạo diễn” của cơ quan chức năng.
Cáo trạng “buộc” bị cáo Đức “dùng nón bảo hiểm đánh người”, nhưng trong quyết định giải quyết khiếu nại của bà Vân thì VKSND TP. Tân An lại cho rằng ông Đức dùng tay đánh vào người.
Kỳ lạ là “vật chứng” ông Đức dùng để đánh ông Phong là chiếc nón bảo hiểm, nhưng khi đưa vụ án ra xét xử thì công tố viên cũng không trưng ra được. Lý giải điều này, vị đại diện VKS nói cứ như đùa: “Cái nón chứng cứ do bị cáo giấu mất rồi nên không có nón”, làm cả phòng xử án cười nghiêng ngả.
Tuy nhiên, tại tòa, vợ bị cáo khai hôm xảy ra vụ việc, vợ chồng bị cáo chỉ mang theo 2 nón bảo hiểm và người vợ mang theo 1 cái lúc xảy ra cự cãi với ông Phong. Nhân chứng cũng khai lúc bị cáo và ông Phong rượt đuổi đánh nhau, bị cáo không cầm nón bảo hiểm.
Một nhân chứng khác cũng khẳng định khi công an đến hiện trường lập biên bản giữ xe mô tô của bị cáo đưa về trụ sở, lúc này bị cáo mới xin mở cốp xe để lấy nón bảo hiểm ra. Nói cách khác, khi xảy ra vụ án, nón bảo hiểm của bị cáo còn nằm trong cốp xe! Vậy ông Đức đánh ông Phong bằng cái gì?
Chưa hết, vị công tố viên còn cho rằng: Cơ sở để kết tội bị cáo Đức là dựa vào lời khai của các nhân chứng và thực tế người bị hại bị thương tích 14%. Nhưng tại tòa, lời khai của các nhân chứng lại mâu thuẫn với lời khai tại cơ quan điều tra.
Theo các vị luật sư, những lời khai của các nhân chứng là không có giá trị, thậm chí là do bị “đạo diễn”. Điển hình như nhân chứng Hết thừa nhận tại tòa là bà này không biết bị cáo, bị hại là ai, nhưng theo bút lục của cơ quan điều tra thì bà Hết khai là bị cáo Đức hàng ngày đội nón bảo hiểm đi rước con tại trường.
Tại tòa, bà Hết khai là thấy cái nón bảo hiểm bị cáo Đức dùng để đánh Phong màu xám, nhưng trong các bản khai tại cơ quan điều tra thì lúc nói nón màu xanh, khi là màu xanh xám...
Trong phiên tòa, nhiều nhân chứng khai là bị điều tra viên đối xử như là tội phạm, thậm chí bắt khai tới khai lui 3-4 lần trong 3-4 tiếng đồng hồ để đúng ý đồ của điều tra viên.
Hoặc có những bút lục cho thấy điều tra viên lấy lời khai trong cùng một thời gian, trong 1 ngày với 2 người khác nhau.
Đáng lưu ý là kết quả giám định thương tích 14% của ông Phong cũng là một trò cười tại phòng xử án. Trong giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện Đa khoa Long An cấp cho ông Phong, ghi vết thương mũi là 1cm, nhưng trong Bản Kết luận giám định pháp y ghi vết thương là 1,5cm x 0,3cm, trong mục tỷ lệ thương tổn chỉ ghi gọn lỏn là 14%.
Khi luật sư hỏi bác sĩ chuyên khoa I Lý Văn Bảy (đại diện cho Trung tâm pháp y): “14% thương tổn bao gồm những gì?”, thì ông Bảy điềm nhiên giải thích: “9% là do gãy xương mũi, 6% là thương tích phần mềm”, làm cả phòng xử án cười ồ!
Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ án về cho VKS để điều tra bổ sung chứng cứ về lời khai của nhân chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, vật chứng gây án, kết quả giám định pháp y... Và khi chủ tọa phiên tòa tuyên bố trả hồ sơ vụ án, cả trăm người dự khán tại phòng xử đều vỗ tay hoan nghênh.
Trong khi đó, gia đình bà Vân cho biết, trong thời gian ông Đức bị tạm giam thì có người đến nhà tự xưng là người của phía ông Phong, ra giá 100 triệu đồng thì sẽ bỏ qua tất cả, tức ông Đức sẽ thoát án tù!
Mời quý độc giả xem video Tên trộm liều lĩnh (nguồn Youtube):
Theo TTĐS

Bình luận(0)