Cầu Thia có đảm bảo an toàn trước khi bị lũ quật gãy?

Google News

(Kiến Thức) - Lãnh đạo sở ngành, địa phương đều khẳng định, trước khi cầu Thia bị lũ dữ quật gãy, cây cầu này không có dấu hiệu bất thường đe dọa sự an toàn…

Thông tin mới nhất liên quan vụ việc, cầu Ngòi Thia (còn gọi là cầu Thia, ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) bị gãy sập vào trưa 11/10 khiến 4 người bị rơi xuống suối mất tích, tử vong trong đó có nhà báo Đinh Hữu Dư – PV Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Yên Bái, nhiều ý kiến đã đặt câu hỏi về chất lượng cây cầu này trước khi bị lũ dữ làm gãy mố, nhịp cầu.
Trao đổi với PV chiều ngày 16/10, PGĐ Sở GTVT tỉnh Yên Bái, ông Bùi Danh Tú khẳng định, trước thời điểm cầu Thia bị gãy do mưa lũ, không có dấu hiệu bất thường đe dọa sự an toàn của cây cầu này.
PGĐ Sở GTVT tỉnh Yên Bái cho biết: “Ngay sau khi cầu Ngòi Thia bị gãy sập, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã lên kiểm tra tình hình. Phó Thủ tướng giao cho bộ GTVT phải cử đoàn chuyên ngành lên đánh giá tổng thể, điều tra làm rõ nguyên nhân cầu sập”.
Cau Thia co dam bao an toan truoc khi bi lu quat gay?
 Cầu Thia bị gãy do mưa lũ.
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, cầu Thia được khởi công xây dựng từ năm 1985, năm 1990 cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng với chiều dài hơn 100m, rộng 10,5m, gồm 4 nhịp. Năm 2005, do cầu gặp sự cố nên đã phải sửa chữa gia cố thêm. Từ đó đến nay, người dân đi lại bình thường trên cầu này, chưa ghi nhận có dấu hiệu bất thường.
Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) - ông Hà Văn Nam cho biết, người dân địa phương vẫn lưu thông qua cây cầu này trước khi cầu bị gãy do lũ.
“Chính quyền địa phương cũng không nhận được bất kỹ cảnh báo nào về nguy cơ mất an toàn của cây cầu. Không có dấu hiệu bị xuống cấp đe dọa mất an toàn. Có thể do trưa 11/10, trận lũ lớn quá nên mới làm cầu bị gãy sập" - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ thông tin.
Báo cáo nhanh của Tổng cục Đường bộ cập nhật thông tin về tình hình thiệt hại và công tác xử lý, khắc phục hậu quả thiệt hại, bảo đảm giao thông bước 1. Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, hệ thống đường bộ các tỉnh hiện nay đang bị thiệt hại nặng nề là Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và địa bàn quản lý của Cục Quản lý đường bộ I, II. Tại tỉnh Yên Bái, cơ quan này tạm tính kinh phí xử lý nhanh hệ thống cầu đường đang bị hư hỏng nặng là khoảng 26 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của PV Kiến Thức, sau khi cầu Thia bị gãy do mưa lũ, người dân địa phương lưu thông qua một cây cầu mới (cách cầu Thia khoảng 100m). Bởi vậy, dù cầu Thia bị gãy không ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân và hoạt động kinh tế của địa phương.
Thành lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát đánh giá các công trình cơ sở hạ tầng thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất:
UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành quyết định số 1882/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát đánh giá các công trình cơ sở hạ tầng thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra tại các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và Thị xã Nghĩa Lộ.
Trong đó Tổ 1 kiểm tra, rà soát đánh giá các công trình thủy lợi, kè do đồng chí Vũ Xuân Sáng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là tổ trưởng; đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là tổ phó.
Tổ 2 kiểm tra, rà soát đánh giá các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng khác do đồng chí Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở Giao thông vận tải là tổ trưởng; đồng chí Đỗ Nhân Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải là tổ phó.
Nhiệm vụ của 2 tổ công tác là kiểm tra, rà soát các công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra; đề xuất giải pháp khắc phục khẩn cấp và lâu dài nhằm bảo vệ, khôi phục các công trình cơ sở hạ tầng, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
Nhiệm vụ cụ thể của các tổ viên do Tổ trưởng phân công. Các thành viên tổ công tác làm việc theo cơ chế kiêm nhiệm. Tổ công tác tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16/10/2017.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)