Canh cánh nỗi lo “đường từ dạ dày đến nghĩa địa ngắn thế”

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều ý kiến của các ĐBQH quan tâm đến vấn đề ATTP, cũng như nỗi lo lắng của người dân về thực trạng “chưa bao giờ đường từ dạ dày đến nghĩa địa ngắn thế”.

Những con số thống kê về tình hình ngộ độc thực phẩmcác bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 khiến nhiều ĐBQH canh cánh nỗi lo “đường từ dạ dày đến nghĩa địa ngắn thế”.
Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm khẳng định về cơ bản trong 5 năm qua, chúng ta đã có cố gắng tích cực trong công tác bảo đảm sản xuất lương thực, thực phẩm, theo đó, chúng ta đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phục vụ xuất khẩu, tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên... Hay như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi phát biểu giải trình trước Quốc hội cho rằng, hành lang pháp lý về quản lý an toàn thực phẩm khá đồng bộ. Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan Trung ương không chỉ có Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà cả Bộ Công an... cũng vào cuộc đồng bộ, tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là tổ chức thực thi ở cơ sở. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tiến cũng thừa nhận, một số quy định về quản lý an toàn thực phẩm còn bất cập, cần rà soát, điều chỉnh cả tầm luật và văn bản dưới luật...
Tuy nhiên con số trung bình có 167,8 vụ/năm với 5065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do NĐTP/năm. Giai đoạn 2011 – 2016, đã ghi nhận 07 bệnh truyền qua thực phẩm làm mắc 4.012.038 ca bệnh với 123 người chết, trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70 ngàn người chết và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn khiến nhiều người không khỏi lo lắng.
Canh canh noi lo “duong tu da day den nghia ngan the”
 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Ảnh quochoi.vn
Người dân chưa yên tâm khi sử dụng thực phẩm
Thảo luận tại hội trường, ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho rằng: “Đây không phải là vấn đề mới phát sinh. Thời gian qua tuy đã có những chuyển biến, song tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề rất lớn, gây bức xúc dư luận, theo kết quả điều tra dư luận xã hội về ATTP do VPQH tiến hành, chỉ có 10% yên tâm với thực phẩm sử dụng hàng ngày, trong khi có tới 59% chưa yên tâm và 27,5% hoàn toàn không yên tâm...”.
ĐB Nguyễn Hoàng Mai cho rằng: “Con số những ca ngộ độc hằng năm được báo cáo nêu chỉ là phần nổi của tảng băng ngộ độc thực phẩm.Thực tế xảy ra với mỗi cá nhân chúng ta, mỗi gia đình, tôi tin chắc rằng ít nhất hằng năm có hàng chục triệu ca tiêu chảy liên đến thực phẩm mà người dân tự xử lý không được các cơ sở y tế ghi nhận. Bên cạnh đó còn có hàng loạt bệnh tật nguy hiểm khác phát sinh từ việc tích tụ chất bẩn, chất độc hằng ngày thông qua sử dụng thực phẩm không an toàn".
ĐB Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân trong những tồn tại, hạn chế về quản lý an toàn thực phẩm và đề nghị cần có cơ quan chuyên trách về quản lý an toàn thực phẩm; đầu tư kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác này; đặc biệt cần tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các cấp trong quản lý an toàn thực phẩm... thiết lập đường dây nóng với những số dễ nhớ về an toàn thực phẩm; nghiêm túc xem xét tiêu chí an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong công nhận nông thôn mới; đưa tiêu chí an toàn thực phẩm vào hương ước để nhân dân tự giác thực hiện và giám sát lẫn nhau, qua đó loại bỏ tình trang "mỗi gia đình có 2 luống rau, 2 chuồng trại".
ĐB Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho rằng, tỉ lệ các cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chức nhận còn thấp. Thực tế, thực phẩm an toàn hay không an toàn đều được lưu thông, không kiểm soát được. Trong khi đó, vi phạm vẫn diễn ra hàng ngày, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền nhiễm, ung thư.. gia tăng.
“Hơn 680.000 cơ sở vi phạm, nhưng mới chỉ có hơn 20% cơ sở bị xử lý với mức xử phạt 200.000 đồng/vụ Nhận thức của người sản xuất chưa đầy đủ, phụ gia tràn lan, làm ăn mang tính chộp giật, không tính tới quyền lợi của người tiêu dung… nguyên nhân chính tính hiệu lực và hiệu quả, chưa nghiêm, chế tài chưa đủ răn đe”, ĐB Nguyễn Hữu Toàn dẫn giải.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) thì bày tỏ sự băn khoăn: “Liệu có quá khi nói rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình khi báo cáo của Đoàn giám sát cho rằng, mỗi năm có khoảng 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong có đó một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn”... Một số ngành hàng vẫn có sự đan xen và không phân định rõ trách nhiệm của Bộ nào. Đơn cử, quản lý chất lượng bún đang được cả 3 Bộ chịu trách nhiệm. Nguyên liệu bột gạo thuộc trách nhiệm Bộ NNPTNT, sản phẩm tinh bột thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương, sản phẩm bún bán trên thị trường nếu có chứa chất gây ngộ độc cho người tiêu dùng thì trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế”.
ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) thì cho rằng, việc ô nhiễm môi trường nước đã trở lên rất trầm trọng ở hai sông Đáy và sông Nhuệ. Đây cũng nguyên nhân gây ra nguồn thực phẩm bẩn hằng ngày, hàng giờ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và sức khỏe của người dân ở 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình.
“Số liệu thống kê của Cục Quản lý Tài nguyên Môi trường, năm 2016, trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy mỗi ngày tiếp nhận 3.811 triệu m3 nước thải, trong đó nước thải từ trồng trọt chăn nuôi chiếm 67%, nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 16%, nước thải công nghiệp hơn 16%, nước thải y tế chiếm khoảng 0,4%. Bên cạnh đó có khoảng 1982 nguồn nước thải ra khắp dọc bờ sông đang có xu hướng ô nhiễm ngày càng gia tăng”, ĐB Dương Minh Ánh dẫn chứng.
ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) thì bày tỏ lo lắng về vấn đề quản lý thực phẩm (đồ ăn vặt) bày bán trước cổng trường. “Thực phẩm bẩn đang "bủa vây" trường học với những tác hại không lường của thực phẩm bẩn đối với học sinh”, ĐB Thảo cho hay.
Hiến kế lấy lại niềm tin của thực phẩm
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho biết, nguyên nhân chính của những hạn chế yếu kém là do quản lý nhà nước còn hạn chế, pháp luật còn bất cập, đại biểu đề nghị phải đề ra những mục tiêu định lượng cụ thể về an toàn thực phẩm để nhân dân giám sát. Ví dụ, cần quy định mỗi năm giảm bao nhiêu phần trăm số vụ ngộ độc thực phẩm so với năm trước; phấn đấu đến năm 2020 có 100% các tỉnh, thành phố thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung; 100% bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Theo ĐB Toàn, cần khẩn trương tổng kết mô hình quản lý về an toàn thực phẩm, hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thực phẩm; xây dựng chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh thực phẩm bẩn, cũng như xử lý các cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất nhập khẩu tiểu ngạch;...
Canh canh noi lo “duong tu da day den nghia ngan the”-Hinh-2
 ĐB Trương Thị Yến Linh (tỉnh Cà Mau). Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Âu Thị Mai cũng kiến nghị cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội trong quản lý an toàn thực phẩm; rà soát, điều chỉnh những quy định bất cập; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe; kiên quyết xử lý những vi phạm đã đến mức hình sự; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn...
“Người dân kiên quyết tẩy chay thực phẩm không an toàn như một giải pháp quyết liệt nhất để loại bỏ thực phẩm bẩn”, ĐB Mai nói.
ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) kiến nghị một số vấn đề để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm như: Tổng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, để sửa đổi những quy định còn bất cập, bảo đảm thực thi thống nhất, hiệu quả; kiện toàn bộ máy quản lý về an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực kiểm tra, phân tích, kiểm nghiệm thực phẩm; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm...
ĐB Trương Phi Hùng (Long An) đề nghị cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quá trình thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì kiểm tra an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần có giải pháp tối ưu hóa quá trình kiểm tra các lô hàng thực phẩm để bảo đảm hiệu quả cao nhất để nâng cao hiệu quả kiểm tra, tránh những hậu quả không đáng có. Cùng với đó, cần có giải pháp liên thông giữa các tỉnh thành để quản lý các cơ sở sản xuất bữa ăn cho công nhân các khu công nghiệp, nhất là trên những địa bàn giáp ranh nhiều tỉnh thành, địa phương...
ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: "Chúng ta quá nhấn mạnh biện pháp hành chính, hình sự", vấn đề là cần xây dựng một xã hội với những người tiêu dùng thông thái; đại biểu cũng đề nghị hết sức cân nhắc quy định việc để lại 100% tiền xử phạt vi phạm hành chính cho địa phương (để tránh tình trạng địa phương nào quản lý tốt thì tiền xử phạt ít, còn địa phương nào quản lý chưa tốt, xử phạt nhiều thì tiền nhiều...); nghiên cứu hết sức việc nghiên cứu mã ngành đào tạo nhân lực an toàn thực phẩm...”
ĐB Trương Thị Yến Linh (tỉnh Cà Mau) đề nghị Chính phủ bổ sung, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm nghiệm thực phẩm đầy đủ hơn. Đồng thời, Quốc hội cần sớm ban hành Luật kiểm soát tác hại, lạm dụng rượu, bia cũng như các loại nước có ga.
“Trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ rõ khâu tổ chức quản lý còn yếu, chưa kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm. Theo Báo cáo của Hiệp hội rượu bia và nước giải khát Việt Nam, sản lượng rượu do các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu dân tự nấu, tự pha chế lên đến 200 triệu lít, gấp gần 3 lần so với rượu công nghiệp. Gần đây, liên tiếp nhiều vụ ngộ độc rượu xảy ra ở nhiều nơi với quy mô lớn làm cho nhiều người chết. Điều này cho thấy khâu quản lý, sản xuất, kinh doanh quá lỏng lẻo, quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm nghiệm các thực phẩm chưa đủ”, ĐB Yến cho biết.
Gần trăm ý kiến các ĐBQH đã chỉ ra những thực tế còn tồn tại trong vấn đề ATTP và cũng kiến nghị những giải pháp với hi vọng không còn tình trạng... thực phẩm dùng để nuôi sống con người nhưng như ĐBQH khóa XIII Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã nói rằng “chưa bao giờ đường từ dạ dày đến nghĩa ngắn thế”.
Hải Ninh

Bình luận(0)