Bài học xương máu vụ chìm ca nô khiến 17 người chết ở Quảng Nam

Google News

Nhấn mạnh vụ tai nạn là bài học xương máu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị công an điều tra, xử lý nghiêm tổ chức cá nhân nếu vi phạm.

"Vụ tai nạn là nỗi đau quá lớn, bài học sâu sắc trong công tác quản lý phương tiện trên biển. Chúng ta phải rút ra bài học xương máu từ mất mát này. Đề nghị công an điều tra làm rõ nguyên nhân, nếu có hành vi sai phạm phải xử lý nghiêm minh”, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói tại buổi họp báo chiều 1/3 thông tin về vụ lật ca nô chở khách tại biển Cửa Đại.
Ông Lê Trí Thanh cũng nói rằng, nhận tin khi đang trên đường từ Singapore về nước sau chuyến công tác, ông đã khóc rất nhiều trên đường. Sự việc quá thương tâm. “Vụ tai nạn là sự cố hết sức đau thương, thiệt hại quá lớn cho gia đình các nạn nhân. Chúng tôi rất lấy làm đau buồn khi sự việc xảy ra trên địa bàn tỉnh”, ông Thanh nói.
Bai hoc xuong mau vu chim ca no khien 17 nguoi chet o Quang Nam
Ông Lê Trí Thanh tại buổi họp báo. (Ảnh: Báo Quảng Nam) 
Những người văng ra thì vớt được ngay
Khoảng 9h45, ngày 26/2/2022, ca nô QNa 1152 thuộc sở hữu Công ty TNHH MTV Phương Đông, do ông Lê Sen (SN 1970, trú tại Cửa Đại/Hội An/Quảng Nam) làm thuyền trưởng, chở 38 người (35 hành khách và 03 lái ca nô) xuất phát từ Trạm KSBP Cửa Đại đi tham quan tại Cù Lao Chàm. Lúc 13h45 cùng ngày, ca nô trên chở 39 người (36 hành khách và 3 lái ca nô) xuất bến thuỷ nội địa Cù Lao Chàm vào bến Cửa Đại/Hội An/Quảng Nam, đến khoảng 14h15, khi vào đến khu vực biển Cửa Đại (cách bờ khoảng 1,5 hải lý về hướng Đông) thì bị chìm.
Nói về công tác cứu hộ cứu nạn, Đại tá Nguyễn Quang Nam, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, các lực lượng đã làm hết sức mình, để cứu hộ nhanh nhất.
“Chúng tôi tiếp cận hiện trường khoảng 7-10 phút sau khi vụ tai nạn xảy ra. Bình thường với vị trí đó thì phải mất 15-20 phút mới tới. Những người văng ra thì vớt được ngay. Những người mắc kẹt bên trong thì lực lượng chức năng phải lặn xuống, chui vào đưa từng người ra. Biên phòng đã huy động mọi nguồn lực từ phương án 4 tại chỗ, từ thô sơ đến hiện đại.Tai nạn xảy ra vô cùng thảm khốc. Chưa bao giờ lực lượng tìm kiếm cứu nạn phản ứng nhanh như vậy. Lúc ấy phương tiện đã chìm xuống rồi…đau thương lắm”, đại tá Nam nói.
Bai hoc xuong mau vu chim ca no khien 17 nguoi chet o Quang Nam-Hinh-2
 Lực lượng chức năng cứu hộ các nạn nhân.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, thời điểm chìm ca nô chỉ một số nạn nhân thoát ra ngoài, đa số bị kẹt lại bên trong. Du khách thoát được ra ngoài, trôi dạt trên biển thì đều được cứu hộ thành công, trong khi các nạn nhân mắc kẹt trong ca nô khi tiếp cận được thì đa số đều tử vong.
Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng, Hội An đã thực hiện đón khách ở Cù Lao Chàm đã 15 năm nay, chìm thuyền, lật canô vẫn có nhưng chưa xảy ra chết người.
Theo ông Sơn, loại tàu mới chuẩn SB, được thiết kế kín mui, khi tàu gặp nạn những người bị kẹt bên trong rất khó cứu sống. Mặc dù Cục Đăng kiểm đã có trả lời chính thức nhưng địa phương vẫn sẽ mời chuyên gia để kiểm tra, có kiến nghị cụ thể nếu như thực tế tàu chuẩn SB gây khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ.
Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, hiện TP Hội An đang phối hợp với UBND tỉnh để rà soát, giải quyết thấu đấu những vấn đề có liên quan đến vụ tai nạn này để từ đó rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp nhằm không để xảy ra những vụ tai nạn thương tâm như vừa qua, trong đó có những vấn đề thuộc về chủ quan và những vấn đề thuộc về khách quan.
Theo ông Sơn, liên quan đến việc lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm cho các phương tiện khi tham gia lưu thông đường thuỷ, thực tế hiện nay là địa phương dựa vào dự báo chung của Cơ quan khí tượng Trung ương. Tuy nhiên, có những thời điểm thời tiết bất thường, chúng ta không thể lường trước được.
“Sắp tới đây, chúng tôi kiến nghị Bộ GTVT có hệ thống cảnh báo sớm để chủ động ứng phó với gió mạnh, sóng lớn diễn ra bất thường”, ông Sơn nói.
Lật do do sóng to, gió lớn đập vào mạn thuyền
Thượng tá Võ Văn Minh, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho hay, sau khi sự việc xảy ra, chiều 26/2, lực lượng công an đã vào cuộc điều tra, tiếp cận hiện trường. Cơ quan công an đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, ca nô, làm việc với các cơ quan chức năng trong việc điều hành tổ chức cho ca nô xuất bến. Công an cũng đã kiểm tra và xác định các giấy tờ liên quan của ca nô bị nạn được các cơ quan chức năng cấp phép đầy đủ.
Cơ quan công an đã làm việc với 3 thuyền viên và thuyền trưởng và 12 hành khách.
“Tất cả thuyền viên và những người khác khai nhận do sóng to, gió lớn đập vào mạn thuyền bên trái gây lật, dẫn đến vụ tai nạn”, thượng tá Minh nói và cho biết, đang thu thập chứng cứ tất cả hệ thống thông tin liên lạc trên ca nô du lịch để giám định, làm việc với cơ quan chức năng liên quan nhằm làm rõ nguyên nhân chìm tàu.
Bai hoc xuong mau vu chim ca no khien 17 nguoi chet o Quang Nam-Hinh-3
Chiếc ca nô bị chìm. 
Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra vụ tai nạn
Đánh giá công tác cứu hộ cứu nạn vụ việc vừa qua đã rất khẩn trương, cứu sống được nhiều người, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh giao Công an, các đơn vị liên quan phối hợp khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn này.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa có nguyên nhân chính thức của vụ tai nạn thương tâm. Nguyên nhân cụ thể cả khách quan lẫn chủ quan sẽ sớm được cơ quan điều tra làm rõ, rút ra bài học không để lặp lại không chỉ với địa bàn Quảng Nam mà còn trên cả nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, qua vụ việc này là bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với chính quyền trong công tác quản lý an toàn giao thông đường thủy. Với vai trò người đứng đầu UBND tỉnh, ông Thanh cũng nhận thấy một phần trách nhiệm trong quản lý hoạt động tàu thuyền.
“Chúng ta phải rút ra bài học xương máu từ mất mát này. Tôi đề nghị cơ quan công an và các cơ quan liên quan điều tra làm rõ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Đồng thời phân tích, mổ xẻ rõ ràng những hành vi vi phạm nếu có phải được xử lý nghiêm minh, không loại trừ tổ chức, cá nhân nào”, ông Thanh nói.
Đề cập việc phương tiện theo chuẩn mới (chuẩn SB) so với trước đây có ưu, nhược điểm gì, phù hợp với đặc điểm của khu vực ra sao, ông Lê Trí Thanh cho biết, cơ quan chức năng đánh giá sẽ có ý kiến. Tôi cũng sẽ kiến nghị Bộ GTVT để có kinh nghiệm áp dụng cho các địa phương tùy điều kiện cụ thể
Về việc địa phương có tiếp tục cho tàu hoán cải từ chuẩn SI sang chuẩn SB, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nói rằng sẽ tiếp tục làm việc với Bộ GTVT, Cục Ðường thủy nội địa, Cục Ðăng kiểm để có thể đánh giá xem xét đối với loại tàu phù hợp thực tiễn địa phương. “Hiện các tàu này vẫn đạt tiêu chuẩn của Cục đăng kiểm. Các cơ quan chức năng sau điều tra sẽ có ý kiến đánh giá, đề xuất với cơ quan liên quan. Phía địa phương sẽ chấn chỉnh quản lý yêu cầu các chủ thuyền, phương tiện, người tham gia phải tuân thủ tất cả quy định, hạn chế tối đa tai nạn...”, ông Thanh cho biết.
>>> Mời độc giả xem video Vụ lật cano ở Hội An:

Nguồn: VTV24

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)