Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão
Tại cuộc họp ứng phó bão Wipha do thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, sáng 31/7, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 3 năm 2019) và có tên quốc tế là Wipha.
Cụ thể, hồi 7h ngày 31/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 3 (bão Wipha) di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 01/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, ngay trên bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
|
Đường đi và vị trí cơn bão số 3. |
Do ảnh hưởng của bão Wipha, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 3,0-5,5m; biển động rất mạnh.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109,5 độ Kinh Đông. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 7h ngày 02/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
|
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. |
Sẵn sàng các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất
Tại cuộc họp, Đại tá Trần Văn Đình, Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6h ngày 31/7/2019, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 65.738 phương tiện/273.457 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Trong đó, đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa: 13.888 tàu/75.773 người. Neo đậu tại các bến: 51.850 tàu/190.474 người.
Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai ông Trần Quang Hoài cho biết, ngày 30/7/2019, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT có Công điện số 07/CĐ-TW gửi BCH PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định về việc ứng phó với ATNĐ trên biển Đông.
|
Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo TW về PCTT, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài. |
Theo đó công điện đề nghị các tỉnh, thành phố thường xuyên thông báo về tình hình mưa và đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc sẵn sàng các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Văn phòng BCH PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của ATNĐ.
>>> Xem thêm video: Hải Phòng gồng mình chống bão số 2