Vì sao Nga điều MiG-31 đến Bắc Cực?

Google News

Nga đã triển khai các đơn vị phòng không, bao gồm cả phòng không không quân hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết đến Bắc Cực.

Ban lãnh đạo quân sự-chính trị Nga gần đây đang tăng cường các biện pháp phòng thủ và bảo vệ bãi thử nghiệm nguyên tử trước đây của Liên Xô trên quần đảo Novaya Zemlya (Vùng Đất mới). Đáng chú ý mấy ngày gần đây quân đội Nga đã triển khai các đơn vị phòng không, bao gồm cả phòng không không quân hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Ngoài ra, một đơn vị tàu chiến của Hạm đội phương Bắc cũng sẽ được triển khai tới đây để phối kết hợp thực hiện công việc phòng thủ.

Cần phải nhấn mạnh rằng, động thái tăng cường đảm bảo an ninh cho khu vực này là bất thường. Ngoài các nhiệm vụ kinh tế, Nga sẽ triển khai công tác nghiên cứu khoa học có quy mô ở khu vực này nhằm đảm bảo công việc phòng thủ đất nước. Theo các nguồn tin của Báo Độc lập, Cơ quan năng lượng nguyên tử Nga Rosatom đã được thông báo về khả năng khôi phục các thí nghiệm dưới hạn về xác định độ tin cậy và an toàn của đầu đạn hạt nhân, mà thời hạn sử dụng trong lực lượng vũ trang đang sắp hết.

Các thí nghiệm nổ phi hạt nhân (dưới hạn) trước đây được Nga tiến hành thử nghiệm nhiều lần. Theo đó, những vụ thí nghiệm này được thực hiện nhằm nghiên cứu các thành phần bom nguyên tử (Plutonium hoặc Uranium). Nhưng những “vụ nổ” không dẫn đến phản ứng dây truyền và rò rỉ phóng xạ về lý thuyết. Những thí nghiệm này không vi phạm Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện mà Nga là một trong những nước đầu tiên đặt bút ký. Sau năm 1990, Nga không tiến hành bất kỳ một vụ thử nghiệm nổ hạt nhân nào. Tại Novaya Zemlya trong thời kỳ hậu Xô-Viết đã tiến hành nhiều vụ thí nghiệm dưới hạn nhằm xác định độ tin cậy của đầu đạn hạt nhân.

Hiện nay, nhiệm vụ này vẫn là chủ yếu đối với vùng đất này vì theo các số liệu chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, gần 70% số lượng đầu đạn hạt nhân là loại đã cũ. Để tiếp tục sử dụng chúng, đòi hỏi cần phải tiến hành các công việc nghiên cứu. Cần phải làm rõ hạn sử dụng của chúng còn được bao lâu nữa, độ tin cậy có còn hay không? Ngoài ra, thí nghiệm nổ phi hạt nhân rất quan trọng để kiểm tra tính chất các loại vũ khí nguyên tử mới mà ở Nga người ta sẽ tạo dựng và hoàn thiện.

Theo chuyên gia của Trung tâm an ninh quốc tế - Viện hàn lâm khoa học Nga, thiếu tướng về hưu Vladimir Belous, “nhờ các phương pháp thay thế có thể đảm bảo sự an toàn của vũ khí hạt nhân, tuy nhiên phát triển loại vũ khí mới mà thiếu thử nghiệm thực tế là hoàn toàn không thể”. Có lẽ không phải tình cờ khi thăm Novaya Zemlya vào năm 2006, Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó Sergey Ivanov – nay là Chánh văn phòng Tổng thống Nga, đã nói rằng, bãi thử nghiệm cần phải được duy trì trong trạng thái sẵn sàng thường trực và khôi phục các vụ thử hạt nhân có thể trong bất kỳ thời điểm nào. Sergey Ivanov lưu ý rằng, một số cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân không tuân thủ Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân và như vậy, xuất phát từ thực tế và lợi ích an ninh quốc gia của mình, Nga có thể bắt đầu các thử nghiệm hạt nhân khi cần thiết.

 


Hạm đội phương Bắc triển khai bảo vệ bãi thử nghiệm Novaya Zemlya
 

Tuy nhiên, cho đến lúc này Nga cũng như một số quốc gia khác tự kìm chế không thử nghiệm vũ khí nguyên tử quy mô lớn. Mặc dù vậy, những vụ thử nghiệm nổ phi hạt nhân vẫn không bị từ bỏ. Theo đó, căn cứ thử nghiệm vẫn là Novaya Zemlya và cần phải được bảo vệ một cách tin cậy. Giới truyền thông cũng lan truyền thông tin rằng, đến cuối năm 2013 Bộ Quốc phòng Nga có ý định triển khai một nhóm tiêm kích đánh chặn MiG-31 tại sân bay Rogachevo ở Novaya Zemlya.

Các máy bay chiến đấu MiG-31 sẽ bảo vệ biên giới Nga khỏi các vụ tấn công bằng đường không từ phương Bắc. Được biết, nhóm tác chiến không quân này sẽ gia nhập thành phần hệ thống phòng thủ tên lửa đang được Nga xây dựng. Trong trường hợp cần thiết MiG cần phải đánh chặn các máy bay của đối phương và tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân. Khu vực đánh chặn sẽ trải dài từ biển Barents đến biển Laptevy. Những nhiệm vụ như vậy đối với các phi đội đánh chặn MiG-31 không phải là mới mẻ.

Thời Liên Xô và hậu Xô-Viết (đến 1993) tại sân bay Rogachevo đã có căn cứ không quân tiêm kích thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bãi thử nghiệm hạt nhân từ trên không. Giờ đây những nhiệm vụ này lại được tiếp tục. Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2012 ở Bắc Cực sẽ khôi phục các hoạt động liên quan đến luyện tập chiến đấu của các quân binh chủng. Theo thông với báo chí, quân khu Tây đã thực hiện các hoạt động đổ bộ hải quân chiến thuật ở “các khu vực kinh tế quan trọng của Bắc Cực với nhiệm vụ giả định các hành động tấn công khủng bố các tổ hợp nghiên cứu khoa học và công nghiệp Nga.

Theo nguồn tin của Báo Độc lập, cuộc tập trận của quân khu Tây đã được thu hút hơn 7 ngàn nhân viên quân sự, hơn 20 tàu nổi và tàu ngầm, 30 máy bay và 150 xe quân sự.

Lịch sử bãi thử nghiệm Novaya Zemlya


Novaya Zemlya là phần mở rộng về phía bắc của dãy núi Ural. Quần đảo này bao gồm hai hòn đảo bị ngăn cách bởi eo biển Matochkin. Cả hai đảo chiều dài khoảng 900 km và diện tích 82.179 km2. Một số hòn đảo nhỏ có diện tích khoảng 1.000 km2. Cư dân của quần đảo chủ yếu là các nhà khoa học Rosatom, sĩ quan quân đội và công binh xây dựng, tổng cộng gần 2000 người. Bãi thử nghiệm này được quản lý bởi Tổng cục 12 của Bộ Quốc phòng Nga, chịu trách nhiệm cho việc lưu trữ và bảo trì vũ khí hạt nhân.

Bãi thử nghiệm được đưa vào sử dụng từ ngày 17/9/1954. Trung tâm chỉ huy nằm ở Belushya Bay. Gần đó là sân bay Rogachevo. Từ 21/9/1955 đến 24/10/1990 (ngày chính thức tuyên bố cấm thử hạt nhân) tại trang bãi thử nghiệm đã tiến hành 135 vụ nổ hạt nhân: 87 vụ nổ trong bầu khí quyển (trong đó có 84 từ trên không, 1 vụ trên mặt đất, 2 vụ trên mặt nước), 3 vụ thử dưới nước và 42 vụ nổ dưới lòng đất. Cũng tại bãi thử nghiệm này đã diễn ra vụ nổ hạt nhân mạnh nhất trong lịch sử loài người.

Khôi Nguyên (theo ng.ru)
 
[links()]

 

Bình luận(0)