“Thăng, trầm” súng, pháo đối không trên tiêm kích (P2)

Google News

(Kiến Thức) - Có thời gian ngắn súng, pháo bị “thất sủng” trước tên lửa nhưng nó nhanh chóng giành lại được vị thế một phần nhờ vào phi công Việt Nam tài ba.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, máy bay phản lực ra đời, lịch sử hàng không quân sự thế giới bước sang một trang mới. Thời kỳ đầu, súng – pháo đối không vẫn là vũ khí chủ lực trên tiêm kích đánh chặn. Chúng tiếp tục tung hoành suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Tung hoành trong chiến tranh Triều Tiên
Trong chiến tranh Triều Tiên, nổi bật trong số các tiêm kích tham chiến là 2 cái tên F-86 Sabre (Mỹ) và MiG-15 của Liên Xô. Cả hai loại máy bay này đều trang bị các loại súng – pháo đối không. Trong đó, tiêm kích đánh chặn F-86 Sabre mang theo đến 6 trọng liên 12,7mm thì MiG-15 có 2 pháo tự động 23mm (cơ số đạn 80 viên) và một pháo 37mm (cơ số đạn 40 viên).
Nhờ có hỏa lực mạnh hơn, cùng với tính năng kĩ chiến thuật, sự cơ động, khả năng leo cao … tốt hơn nên MiG-15 chiếm ưu thế trước F-86.
"Kỳ phùng địch thủ" F-86 và MiG-15.
Khó có thể tìm ra được những số liệu chính xác về cuộc đối đầu giữa F-86 và MiG-15, bởi hai phía tham chiến đều phóng đại chiến quả. Đặc biệt là Mĩ thổi phồng đến mức vô lí và không thể tin được. Họ tuyên bố rằng họ đã thắng với tỉ lệ 10:1. Nhưng có thể khẳng định rằng, dù là tiêm kích phản lực nhưng súng – pháo vẫn cực kỳ hữu dụng trong các tình huống không chiến.
Ngoài các cuộc đối đầu giữa MiG-15 và F-86, trong cuộc chiến này, “pháo đài bay” B-29 của Mỹ cũng bị những chiếc MiG-15 “thảm sát hàng loạt” với thiệt hại rất lớn, buộc nó về hưu non sau chiến tranh Triều Tiên, công lao này có được là nhờ sự đóng góp rất lớn của các pháo tự động trên máy bay.
Thất sủng trước tên lửa
Sau chiến tranh Triều Tiên, tên lửa không đối không có điều khiển bắt đầu xuất hiện một nhiều và được sử dụng rộng rãi. Điển hình với nước Mỹ là tên lửa không đối không tự dẫn hồng ngoại AIM-9 còn Liên Xô là Vympel K-13.
Thời kỳ này, tiêm kích phản lực siêu thanh được đưa vào sử dụng rộng rãi ở cả Liên Xô và Mỹ. về mặt trang bị vũ khí, biến thể đầu tiên của dòng tiêm kích thành công nhất nước Mỹ F-4 Phantom đã bỏ hoàn toàn khẩu pháo và thay thế bằng tên lửa đối không AIM-9.
Cùng thời với F-4 Phantom là những chiếc tiêm kích siêu thanh MiG-21PF/FL/PFM/R/S Liên Xô cũng gỡ bỏ hoàn toàn khẩu pháo 23-30mm trong thân.
Dường như, các nhà khoa học thời kỳ đó cho rằng tên lửa tầm ngắn có thể thay thế hoàn toàn khẩu pháo tự động, hình thức không chiến quần lượn để bắn pháo trên mặt phẳng ngang không thể thực hiện ở tốc độ siêu thanh.
Tuy nhiên, các nhà khoa học quân sự đó hoàn toàn sai lầm khi đánh giá thấp vai trò của khẩu pháo trên máy bay. Không hẳn pháo đối không không thể tiêu diệt được tiêm kích trang bị tên lửa, điều này chứng minh một cách rõ ràng trong Chiến tranh Việt Nam.
Hồi sinh nhờ phi công Việt Nam
Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế Quốc Mỹ, lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam khi đó chỉ có trong tay những tiêm kích cận âm MiG-17F do Liên Xô viện trợ. Trong khi đó, Không quân – Hải quân Mỹ đã có những tiêm kích phản lực siêu âm F-4, F-8, A-4…được trang bị tên lửa hiện đại.
So với tiêm kích Mỹ, MiG-17F của Việt Nam khi đó thua kém về mọi mặt khi chỉ đạt tốc độ cận âm, không có radar, không có tên lửa. Rõ ràng, nếu so với thông số kỹ thuật thì MiG-17 “không có cửa thắng” tiêm kích siêu âm Mỹ.
Tranh vẽ tiêm kích MiG-17 bắn hạ F-4.
Nhưng, các phi công tiêm kích của Trung đoàn 921 Sao Đỏ (Không quân Nhân dân Việt Nam) đã chứng minh được điều ngược lại. Ngày 3/4/1965, phi công trẻ Phạm Ngọc Lan đã bắn hạ thành công chiếc tiêm kích siêu âm F-8E của Không quân Hải quân Mỹ bay vào đánh phá Hàm Rồng, Thanh Hóa. Chiến thắng này là chiến thắng đầu của Không quân Nhân dân Việt Nam, đồng thời nó cũng gây cú sốc lớn đối với niềm kiêu hãnh Không quân Mỹ.
Với “con ma” F-4, ngày 20/9/1965 phi công tiêm kích MiG-17F Nguyễn Nhật Chiêu lần đầu hạ đo ván tiêm kích siêu thanh F-4 Phantom của Không quân Mỹ.
Đây là điều mà người Mỹ và chuyên gia quân sự thế giới không thể tưởng tượng nổi, tại sao chiếc MiG-17 cổ lỗ chỉ có một pháo 37mm và 2 pháo 23mm lại bắn hạ được những tiêm kích siêu thanh F-4, F-8.
Dù tính năng của MiG-17 rất hạn chế so với F-4, hỏa lực pháo cũng chỉ phát huy sức mạnh ở cự li 400m trở xuống. Nhưng các phi công Việt Nam đã thực hiện thành thạo lối đánh cận chiến áp sát, bám thắt lưng địch ở trên không. Chiến thuật này giúp phát huy tối đa sức mạnh của pháo tự động.
Hai chiến thuật được phi công Việt Nam sử dụng nhiều khi lái MiG-17 là bay vòng tròn cắt đường kính ở độ cao trung bình thấp và tiến công đối đầu ngoặt gấp. Đây là hai chiến thuật cổ điển hay được dùng trong Thế chiến thứ hai.
Trong đó, chiến thuật bay vòng tròn sử dụng để bảo vệ mục tiêu, các máy bay nối đuôi nhau thành vòng tròn chờ địch đến. MiG-17 có thể vòng bán kính rất hẹp, khi một MiG-17 bị truy đuổi, chiếc MiG-17 khác phía sau sẽ ở vào thế thuận lợi để bắn kẻ tiến công. Trong khi đó, các máy bay Mỹ có bán kính vòng lượn lớn. Chúng mang tên lửa chứ không có pháo, khi phải đánh quần với MiG-17 sẽ bị mất tốc độ rất nhiều do phải đổi hướng liên tục.
Chiến thuật tấn công đối đầu là các MiG-17 lao thẳng vào đội hình địch, bắn pháo phủ đầu và tránh tên lửa, sử dụng lợi thế ngoặt gấp tạo ưu thế các đợt nổ súng tiếp sau.
Một trong những nhược điểm của MiG-17 và MiG-19 là tốc độ, gia tốc thấp. Nếu MiG-17 bỏ trận đánh trước thì dễ dàng bị máy bay Mỹ đuổi theo bắn hạ. Đồng thời, các máy bay Mỹ đông áp đảo nên để thắng lợi, thời điểm giao chiến phải được tính toán kỹ càng. Đây chính là lúc tài trí Việt Nam phát huy sức mạnh, đánh cho máy bay Mĩ “kinh hồn bạt vía”.
Cuộc chiến tranh Việt Nam là lời khẳng định đanh thép về vị trí của pháo tự động trên máy bay chiến đấu. Chúng là một vũ khí bổ trợ mà bất cứ máy bay nào cũng phải có, nhằm đối phó với những tình huống không chiến ở tầm rất gần.
Pháo 23mm 2 nòng đặt dưới bụng tiêm kích MiG-21MF của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Thấy rõ được sự nguy hiểm của pháo đối không trong không chiến, người Mỹ sau đó buộc phải trang bị trở lại khẩu pháo 20mm M61 Vulcan (6 nòng cỡ 20mm, tốc độ bắn cực cao) trên các biến thể sau này của F-4 và nhiều loại tiêm kích thế hệ thứ 3,4 và kể cả trên siêu tiêm kích thế hệ 5 F-22.
Với người Nga, từ biến thể tiêm kích MiG-21M (từ năm 1968) trở đi thì khẩu pháo 23mm lại xuất hiện trở lên trong thân máy bay và tồn tại suốt từ đó cho tới các dòng tiêm kích thế hệ 4 như Su-27/30, Su-35, MiG-35 và cả thế hệ 5 Su T-50.
Các dòng tiêm kích khác trên thế giới khác cũng vậy, không một nước này khi chế tạo tiêm kích phản lực lại có thể bỏ qua những khẩu pháo tự động hữu dụng trong không chiến tầm gần.
Lương Minh

Bình luận(0)