Kỳ 4: “Truy tìm” tiêm kích thay thế MiG-21 Việt Nam
Tiếng tăm của Su-35 đã quá nổi tiếng trên khắp thế giới, báo chí thế giới đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để bình phẩm về tiêm kích tối tân này. Sự nổi tiếng của Su-35 không chỉ đến từ những thông số kỹ thuật “khủng” ghi trên giấy mà còn đến từ những chiêu PR độc đáo của tập đoàn Sukhoi nhằm quảng bá nó đối với thế giới.
Chương trình phát triển Su-35 được khởi xướng từ những năm 1980, ban đầu Tập đoàn Sukhoi đơn giản là chỉ tìm cách nâng cao hiệu suất của Su-27. Chương trình phát triển được gọi là Su-27M, nguyên mẫu của chương trình là T10-M cất cánh lần đầu tiên vào năm 1988.
|
Thiết kế cải tiến Su-27M - tiền thân của tiêm kích thế hệ 4++ Su-35. |
Su-27M được thiết kế với khả năng nhanh nhẹn hơn, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Thiết kế khí động học của máy bay có khác biệt đôi chút so với Su-27 bao gồm bổ sung cánh mũi, cải thiện luồng không khí tác động lên cánh máy bay, loại bỏ sự rung động cho phép máy bay duy trì góc tấn lớn hơn.
Cánh mũi của máy bay được kiểm soát bởi phần mềm điều khiển bay kỹ thuật số. Hệ thống điện tử dựa trên radar xung Doppler N011 với khả năng dẫn hướng cùng lúc 6 tên lửa. Su-27M được trình diễn cho Không quân Nga vào năm 1992. Mặc dù được đánh giá là rất hiện đại vào thời điểm đó nhưng Su-27M vẫn không thoát khỏi cái bóng của Su-27.
Trong triển lãm hàng không Dubai năm 1993, Sukhoi đã chỉ định Su-27M thành Su-35 để quảng bá nó như là một dòng máy bay mới hoàn toàn. Đến năm 2003, Su-35 tiếp tục trải qua một quá trình hiện đại hóa lần thứ 2, Sukhoi muốn khẳng định với thế giới rằng Su-35 là một phát triển mới hoàn toàn để thoát khỏi các bóng của Su-27.
|
Tiêm kích đa năng Su-35 hoàn chỉnh. |
Biến thể hiện đại hóa lần 2 được chỉ định là Su-35BM (bolshaya modernizatsiya) phiên âm tiếng Nga có nghĩa là hiện đại hóa lớn. Su-35BM bỏ đi cánh mũi, khung máy bay được gia cố vững chắc hơn, sử dụng nhiều hơn hợp kim titan và vật liệu composite để tăng độ bền và giảm trọng lượng.
Thân máy bay ngắn hơn, loại bỏ phanh không khí phía sau buồng lái, tăng lượng nhiên liệu nội bộ thêm 20%, trang bị khả năng tiếp nhiên liệu trên không. Sukhoi đã tiến hành đại tu toàn bộ hệ thống điện tử trên Su-35BM. Hệ thống điện tử được điều khiển bởi 2 máy tính kỹ thuật số với khả năng tương tác người - máy.
Buồng lái của Su-35BM được thiết kế theo kiểu “nhà kính” hiện đại với 3 màn hình LCD đa chức năng, màn hình hiển thị HUD có góc nhìn rất rộng tạo thuận lợi cho phi công trong việc kiểm soát mục tiêu.
Cảm biến chính của Su-35 là radar quét mạng pha điện tử bị động Irbis-E với phạm vi tìm kiếm mục tiêu lên đến 400km. Radar Irbis-E có khả năng theo dõi 30 mục tiêu và tham chiến với 8 mục tiêu cùng lúc.
|
Radar quét mạng pha điện tử bị động Irbis-E. |
Ngoài ra, Irbis-E còn có khả năng lập bản đồ mặt đất với chế độ khẩu độ tổng hợp. Hỗ trợ cho Irbis-E là hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu quang - hồng ngoại OLS-35.
Hệ thống OLS-35 gồm: 1 bộ cảm biến hồng ngoại; 1 máy đo xa laser và 1 bộ cảm biến quang truyền hình. OLS-35 có phạm vi tìm kiếm mục tiêu lên đến 90km ở bán cầu trước và 50 km ở bán cầu sau. Máy đo xa laser có phạm vi hoạt động 20km ở trên không và 30km với các mục tiêu mặt đất.
Ngoài những hệ thống điện tử tích hợp sẵn Su-35 còn có thể mang theo thiết bị tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu gắn ngoài UOMZ Sapsan. Su-35 được tích hợp khả năng chiến tranh điện tử toàn diện.
Su-35 có 12 điểm treo vũ khí dưới cánh và bụng máy bay với tải trọng vũ khí tối đa khoảng 8 tấn. Su-35 có thể sử dụng tất cả các loại vũ khí dành cho máy bay hiện nay của Nga.
Ngoài những vũ khí tiêu chuẩn dành cho tiêm kích thông dụng của Nga, Su-35 còn được trang bị vũ khí “hàng độc” gồm tên lửa hành trình chống tàu tầm xa P-800 Oniks hoặc Kalibr, tên lửa không đối không tầm siêu xa Novator K-100 với tầm bắn lên đến 400km.
|
Su-35 trang bị hệ thống vũ khí hiện đại, cực mạnh gồm nhiều "hàng độc". |
Su-35BM được trang bị 2 động phản lực AL-41F 117S với khả năng kiểm soát vector lực đẩy, động cơ này cung cấp lực đẩy thô 86,3kN, lên đến 142,2kN nếu sử dụng buồng đốt 2 lần. Động cơ kiểm soát vector lực đẩy mang lại cho Su-35 khả năng thao diễn siêu việt. Hệ thống động cơ này giúp Su-35 đạt tốc độ tối đa 2.390km/h, độ cao hành trình tối đa 18km.
Su-35 là tiêm kích thứ 2 sau F-22 của Mỹ có khả năng hành trình siêu tốc mà không cần sử dụng đến buồng đốt 2 lần khả năng này. Điều này mang lại lợi thế rất lớn trong việc tiết kiệm nhiên liệu cũng như bất ngờ tăng tốc với buồng đốt 2 lần.
Tổng lượng nhiên liệu nội bộ của Su-35 là 14.350 lít, 2 thùng nhiên liệu phụ bên ngoài có thể mang theo 4.000 lít. Bán kính chiến đấu với lượng nhiên liệu nội bộ là 1.580km, với 2 thùng nhiên liệu phụ phạm vi hoạt động lên đến 4.500km. Máy báy được trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không có thể thu vào được.
|
Su-35 có nhiều tính năng thường chỉ xuất hiện trên tiêm kích thế hệ 5. |
Các nhà phân tích quân sự trên thế giới đánh giá Su-35 là tiêm kích thế hệ 4++ tốt nhất thế giới hiện nay. Nó vượt qua các tiêm kích thế hệ 4+ khác của NATO như F/A-18 E/F Super Hornet, Rafale, EF-2000 Typhoon ở gần như tất cả các chỉ số.
Su-35 được đánh giá là một vũ khí mang tầm chiến lược có thể làm thay đổi cán cân quân sự tại nơi nó xuất hiện. Sắp tới, gần như Trung Quốc sẽ trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của Su-35 điều đó có thể khiến cho cán cân quân sự tại khu vực châu Á thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho các nước trong khu vực.
Ngoài ra, Nga dường như cũng sẵn sàng xuất khẩu Su-35 cho Việt Nam và Indonesia. Đây là điều thuận lợi nếu chúng ta thực sự muốn mua Su-35 tiếp tục chương trình hiện đại hóa không quân. Nhập khẩu Su-35 được đánh giá là rất khả thi cả về mặt chi phí và hiệu quả hoạt động cũng như sự tương thích với phần lớn cơ sở hạ tầng hiện có.