Ngoài các loại vũ khí tự tạo (điển hình là bom), lực lượng khủng bố trên thế giới còn sử dụng phổ biến một số loại vũ khí thông thường (súng, tên lửa) để tấn công các người dân, lực lượng an ninh, quân đội ở những nước tồn tại tổ chức đó.
Các loại vũ khí này chủ yếu là nguồn hàng từ thị trường “chợ đen”, và trớ trêu thay thường là vũ khí do Liên Xô (cũ) sản xuất. Chúng được sản xuất nhằm mục đích cao cả là bảo vệ tổ quốc, đất nước nhưng bị những kẻ tư lợi cá nhân tuồn ra cho bọn khủng bố.
Súng trường tiến công AK-47
AK-47 là súng trường tiến công thông dụng của thế kỷ 20 do Liên Xô thiết kế sản xuất từ cuối những năm 1950. Kể từ khi ra đời, cho tới ngày nay, khoảng 100 triệu khẩu AK-47 (cùng các biến thể) đã được sản xuất trang bị cho hơn 50 quốc gia trên thế giới và nhiều tổ chức vũ trang, tổ chức khủng bố.
Súng trường tiến công AK-47 nặng 4,3 kg (không có đạn), cỡ nòng 415mm. Súng thiết kế với cơ cấu hoạt động trích khí ngang, khóa nòng lùi, thoi móc đạn xoay.
Súng có băng đạn 30 viên cỡ 7,62mm , tốc độ bắn 600 phát/phút, sơ tốc đầu nòng (tốc độ viên đạn rời nòng) 710m/s, tầm bắn xa nhất 1.000m. Tuy nhiên, thực tế thì tầm bắn hiệu quả chỉ vào khoảng 300-400m.
|
Lực lượng khủng bố trên thế giới dùng rất nhiều súng trường AK-47 cùng các biến thể của dòng này. Ảnh minh họa |
Tuy được coi là có hỏa lực mạnh, độ tin cậy cao nhưng AK-47 vẫn có nhược điểm là độ chính xác thấp khi bắn liên thanh, độ chụm của hỏa lực tản mát lớn.
Ngoài nhược điểm này ra, đây là loại súng được đánh giá là có thiết kế đơn giản, dễ bảo trì, độ tin cậy cao, hỏa lực mạnh. Súng có thể chịu được bùn, nước, cát bụi… phù hợp với điều kiện chiến trường khắc nghiệt.
Mặc dù việc mua bán mặt hàng này ngoài quân đội không được luật pháp cho phép, tuy nhiên rất nhiều khẩu AK-47 bằng nhiều cách được tuồn ra ra thị trường chợ đen. Từ đó nó được bán cho các tổ chức khủng bố, tội phạm, phiến quân ở nhiều nơi trên thế giới.
Hiện nay, AK-47 được dùng rất phổ biến ở những tổ chức khủng bố “nguy hiểm nhất” thế giới (như al-Qaeda).
Súng chống tăng RPG-7
Bên cạnh khẩu AK-47, súng chống tăng nổi tiếng RPG-7 cũng được các tổ chức khủng bố sử dụng nhiều. Đây là vũ khí cực mạnh được Liên Xô sản xuất từ những năm 1950 chuyên dùng để chống xe tăng, xe bọc thép và công sự phòng ngự.
RPG-7 có cấu tạo khá đơn giản, với hính dáng là chiếc ống thông hai đầu, dài 0,95m, nặng 7kg. Giữa thân súng phình to buồng đốt, chứa liều phóng. Ở đuôi có cấu tạo hình loa là nơi thoát luồng phản lực của quả đạn. Trên thân súng kết cấu với 2 tay cầm, cò súng và nơi gá kính ngắm quang học.
|
Súng chống tăng RPG-7. Ảnh minh họa |
Súng chống tăng RPG-7 bắn đạn nổ lõm PG-7V nặng 2,2kg, đường kính 85mm, xuyên giáp dày 260mm. Sau này, người ta còn cải tiến trang bị đạn chống tăng 2 đầu nổ PG-7VR chuyên trị chống giáp phản ứng nổ (ERA) trên các xe tăng hiện đại, đạn chống bộ binh, đạn nhiệt áp.
Tầm bắn tối đa RPG-7 có thể đạt tới gần 1.000m, tuy nhiên tầm bắn hiệu quả chỉ khoảng 200m.
Cũng giống như AK-47, RPG-7 được đánh giá là đơn giản, dễ bảo trì, thay thế, giá thành thấp nhưng hiệu quả rất cao trong tác chiến chống mục tiêu bọc thép. Trong cuộc chiến tranh tại Iraq, RPG-7 tuy ra đời khoảng nửa thế kỷ nhưng vẫn có khả năng tiêu diệt xe tăng hiện đại M1/M1A1 Abrams của Quân đội Mỹ.
Tất nhiên, loại vũ khí này bằng nhiều cách cũng được tuồn ra ngoài thị trường chợ đen để nhanh chóng rơi vào tay các tổ chức khủng bố.
Tên lửa vác vai SA-7
SA-7 là tên định danh của Mỹ và phương Tây dành cho tên lửa đất đối không vác vai 9K32 Strela 2 do Liên Xô sản xuất từ cuối những năm 1960. Loại vũ khí này được thiết kế để đối phó với mục tiêu bay trên không bay thấp.
Tên lửa SA-7 thiết kế với ống phóng dài 1,47m, cỡ nòng phòng 72mm, trọng lượng 4,71kg.
Đạn tên lửa nặng 9,8kg, dài 1,44m có thể đạt tầm bắn 3.700m, độ cao diệt mục tiêu 50-1.500m. Tên lửa lắp đầu tự dẫn hồng ngoại bị động (theo tín hiệu nhiệt động cơ phản lực máy bay tấn công).
|
Một chiến binh Mujahideen (Afghanistan) vác trên vai tên lửa SA-7. |
Nhìn chung, loại tên lửa này ngày nay được đánh giá đã khá lỗi thời, đầu tự dẫn hồng ngoại của nó dễ bị đối phương vô hiệu hóa bằng mỗi bẫy nhiệt. Nhưng nó vẫn khá nguy hiểm đối trực thăng, máy bay vận tải bay thấp hay kể cả máy bay dân dụng.
Cũng giống như trường hợp AK-47, RPG-7, tên lửa SA-7 được dùng phổ biến trên thế giới ở hàng chục quốc gia. Tất nhiên, không ít trong số đó đã được tuồn ra ngoài cho lực lượng khủng bố. Chúng dùng nó cho mục đích tấn công máy bay quân sự và kể cả dân sự.
Năm 2002, tại Kenya, quân khủng bố đã bắn 2 tên lửa SA-7 nhắm vào chiếc máy bay Boeing 757 của hãng hàng không Arkia Airlines (Israel) đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay quốc tế Moi. Rất may, những quả đạn này đã đi không trúng đích, nếu không hậu quả chắc chắn sẽ rất thảm khốc.
Ngoài ra, rất nhiều trường hợp nhóm quân khủng bố ở Iraq và Afghanistan đã dùng SA-7 bắn hạ máy bay của lực lượng an ninh quốc tế.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: