Những trận đánh độc đáo của bộ đội Tăng - Thiết giáp VN(3)

Google News

(Kiến Thức) Thấy xe tăng ta xuất hiện, lính Ngụy bảo nhau: “Con báo châu Á đã xuất hiện rồi, quân lực VNCH, 36 chước chuồn là thượng sách”.


Kỳ 3: Trận đấu tăng 1 chọi 10

Lần đầu lên cao nguyên

Năm 1972, Bộ Tổng tư lệnh quyết định đưa xe tăng lên chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Chấp hành mệnh lệnh, Binh chủng Tăng-Thiết giáp điều vào Tây Nguyên Tiểu đoàn xe tăng 297 gồm 37 chiếc xe tăng hạng trung và hạng nhẹ. Cuối tháng 2/1972, tiểu đoàn đã vượt Trường Sơn, vào tới khu vực ngã 3 biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia.

Thời gian này, quân ta đang lập kế hoạch đánh căn cứ Đắc Tô 2 và Tân Cảnh. Đây là cụm cứ điểm án ngữ phía Bắc tỉnh Kon Tum, nằm sát quốc lộ 14 và 18, mặt đường rộng từ 6-8m, được rải nhựa. 

Lực lượng địch phòng thủ Tân Cảnh là Trung đoàn Bộ binh 42, có sở chỉ huy tiền phương Sư đoàn 22, được tăng cường chi đoàn thiết giáp gồm 40 xe M113 và M41, một trận địa pháo có 41 khẩu 105 và 155mm. 
Xe tăng ta xuất kích trong chiến dịch Đắc Tô – Tân Cảnh 1972.


Còn lực lượng phòng thủ Đắc Tô 2 là Trung đoàn bộ binh 47 được tăng cường trận địa pháo có 10 khẩu 105 và 155mm và một chi đoàn thiết giáp M41 và M113. Với lực lượng và hỏa lực mạnh, địch coi cụm căn cứ này là vành đai thép để ngăn chặn quân ta hành quân từ Bắc vào. Bởi vậy, ta quyết phá tan vành đai này để khai thông hành lang đường Trường Sơn.

Tiểu đoàn 297 vào chiến trường thì kế hoạch chiến dịch đã hoàn thành và được Đảng ủy Bộ tư lệnh chiến trường Tây Nguyên duyệt. Tuy nhiên kế hoạch này được lập với đặc điểm binh lực của ta chỉ có bộ binh, nay xe tăng đã vào, kế hoạch chiến đấu cần phải thay đổi để phù hợp với lối đánh hiệp đồng binh chủng.

Trong hồi ức “Sông Pô Cô vẫn chảy xuôi”, Thiếu tướng Lê Xuân Kiện, khi đó là Tham mưu phó Binh chủng Tăng – Thiết giáp viết: “Nếu đặc công đánh trước vào Tân Cảnh sau đó pháo binh bắn chuẩn bị, chi viện cho bộ binh và xe tăng xung phong, thì số thương binh của đặc công nằm rải rác trên các hướng tấn công, cả pháo binh xe tăng rất khó bảo đảm an toàn cho thương binh… 

Ta tấn công Tân Cảnh vào ban đêm, trời tối làm sao phân biệt được lô cốt nào đặc công đã chiếm, với lô cốt còn có địch. Khi xe tăng tung hoả lực tiêu diệt lô cốt, ụ súng của địch, sẽ giải quyết ra sao để khỏi bắn nhầm nơi đặc công đã chiếm”.

Những băn khoăn của các cán bộ Tăng-Thiết giáp đưa ra đúng là nằm ngoài dự liệu của kế hoạch chiến dịch. Bởi vậy tướng Hoàng Minh Thảo - Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên đã đến gặp trực tiếp các cán bộ tăng - thiết giáp để lắng nghe. Sau một hồi cân nhắc, tư lệnh Hoàng Minh Thảo đã quyết định thay đổi kế hoạch sử dụng binh lực. 

Trung đoàn đặc công 198 vốn được giao nhiệm vụ đánh mở màn vào căn cứ Tân Cảnh, nay chuyển hướng sang đánh trận địa pháo binh ở phía nam Tân Cảnh. Ở phía bắc, Trung đoàn bộ binh 66 cùng 1 đại đội xe tăng và 1 trung đội pháo tự hành 57 mm dưới sự chi viện của pháo binh, pháo cao xạ chiến dịch sẽ tiến công tiêu diệt căn cứ Tân Cảnh. 

Trận đấu tăng 1 chọi 10

Ngày 8/4/1972, xe tăng từ ngã 3 biên giới tiến vào khu tập kết chiến dịch, cách căn cứ Tân Cảnh khoảng 20 km. Đêm 23/4, Đại đội xe tăng 7 và trung đội pháo cao xạ tự hành ZSU-57-2 từ khu tập kết chiến dịch đã bí mật hành quân, từng xe một tiến vào khu vực tập kết chiến đấu, cách căn cứ Tân Cảnh 5km.

24h ngày 23/4, Trung đoàn đặc công 198 nổ súng đánh địch ở trận địa pháo binh. Đúng 4h35 phút ngày 24/4 pháo ta bắn cấp tập vào căn cứ Tân Cảnh. Các xe thuộc Đại đội 7 dùng tốc độ cao vọt lên tuyến triển khai chiến đấu ở phía Đông và Đông Nam Tân Cảnh, pháo của xe tăng bắn sập các lô cốt địch và đè rào xung phong. 
Xe tăng M41 của địch bị tiêu diệt.


Tuy nhiên, đến gần căn cứ thì xe tăng gặp phải suối Đắc-ta-can, đoạn nhiều bùn, lầy lún, nước lại quá sâu không thể vượt qua được. Đơn vị được lệnh quay trở lại thị trấn Tân Cảnh, vận động theo quốc lộ 18, vượt cầu đánh thẳng vào cổng chính căn cứ Tân Cảnh. Có xe tăng xông vào húc đổ cổng và đè bẹp hỏa điểm của địch, bộ binh ta thừa thắng xông vào bên trong căn cứ. 

Thiếu tướng Lê Xuân Kiện kể lại trận chiến đấu ở Tân Cảnh: “ Trên các hướng xe tăng hiệp đồng cùng bộ binh tiêu diệt hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. Xe tăng số 352 đã dũng cảm tiến sát sở chỉ huy Sư đoàn 22 Ngụy, dùng pháo xe tăng bắn tung hầm cố thủ, rồi dùng xích sắt nghiến nát các ụ súng còn chống cự. Tên Đại tá Lê Văn Đạt – tư lệnh Sư đoàn 22 và một số số quan tham mưu bị diệt tại sở chỉ huy. 

Tiếp đó, các trung đội xe tăng tiến đánh tiếp khu vực sở chỉ huy Trung đoàn 42 quân Ngụy. Xe tăng ta đã bắn cháy 6 xe tăng M41 ở khu vực thiết giáp trong căn cứ.  Địch hoảng loạn khi thấy xe tăng của ta xuất hiện trên các hướng, sau này tôi được nghe một hàng binh, kể chuyện lúc đó chúng nói với nhau “Xe tăng của Việt Cộng, con báo châu Á đã xuất hiện, quân lực Việt Nam Cộng hoà, tam thập lục kế, chỉ có kế chuồn là thượng sách. . .”. Trận đánh đầu tiên của bộ đội xe tăng trên chiến trường Tây Nguyên đã thắng lợi ròn rã”.

10h ngày 24/4/1972, toàn bộ quân địch ở phía bắc Tân Cảnh bị tiêu diệt và bắt sống. Ở hướng đơn vị đặc công, giao tranh vẫn quyết liệt, tư lệnh tiền phương điều 1 trung đội xe tăng xuống trận địa pháo ở phía nam chi viện. Đến 11h30, lô cốt cuối cùng đã kéo cờ trắng xin đầu hàng. Thừa thắng, xe tăng lại được điều sang căn cứ Đắc Tô 2 để hỗ trợ trung đoàn 1, sư đoàn 2 đang đánh căn cứ này.

Chưa kịp nghỉ lấy sức và chuẩn bị cho xe, pháo sau trận đánh, Trung đội xe tăng 3 của Nguyễn Nhân Triển lại lên đường. Vừa hành tiến vừa quan sát đường vừa liên lạc với bộ binh, băng trong tầm hoả lực pháo binh và máy bay địch, xe tăng số hiễu 377 dẫn 2 xe 354 và 369 tăng tốc lao về cứ điểm địch. Vì nhiều chướng ngại trên đường, 2 xe tăng bạn tụt lại khá xa, một mình xe 377 xông lên đánh địch. 
Xe tăng T-54 số hiệu 377 anh hùng.


Thấy ta chỉ có 1 xe tăng, địch liền tung 10 chiếc M41 chia làm 2 mũi bao vây chiếc T-54 của ta. Cuộc đấu tăng 1 chọi 10 đã diễn ra vô cùng quyết liệt. Bình tĩnh, linh hoạt và chính xác đến tuyệt vời, Nguyễn Nhân Triển chỉ huy lái xe Cao Trần Vịnh quần thảo, tiến lui tránh tầm hoả lực địch cho pháo thủ Vũ Đức Lượng và Nguyễn Đức Toàn điểm hoả, diệt liên tiếp 7 xe tăng địch làm đội hình chúng rối loạn. 

Hai xe tăng 354 và 369 biết xe 377 lâm trận đã mở hết tốc lực xông lên ứng cứu, vừa đi vừa đánh địch mở đường, diệt một số xe tăng địch nấp sau ụ chiến đấu. Nhưng họ chưa kịp hội quân cùng đồng đội thì một chiếc M41 ở phía nam sân bay Đắc Tô 2 đã bắn trúng chiếc xe tăng 377, lửa khói trùm kín chiếc chiến xa quả cảm ấy, cả 4 dũng sĩ trên xe 377 hy sinh. Cùng lúc, xe tăng và bộ binh Trung đoàn 1 tràn lên tiêu diệt hoàn toàn căn cứ Đắc Tô 2.

Chiến dịch Đắc Tô – Tân Cảnh đã thắng lợi giòn giã, ta bắt sống 1.700 tù binh trong đó có 50 sĩ quan, vùng giải phóng được mở rộng và đặc biệt là khai thông ngã 3 biên giới để đại quân tiến vào. Trong trận này, bộ đội Tăng-Thiết giáp của ta đã ghi dấu ấn trong trận đầu tiên lên cao nguyên. 

Đặc biệt xe tăng T-54 số hiệu 377 đã dũng mãnh một mình chọi lại cả đơn vị xe tăng địch và bắn cháy gần hết xe địch. Chiếc xe này ngày nay trở thành tượng đài chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh ở chính nơi mấy chục năm trước nó đã chiến đấu anh dũng. 
Vũ Đức

Bình luận(0)