Lộ toàn bộ kế hoạch hiện đại hóa Quân đội Malaysia (1)

Google News

(Kiến Thức) - Hải quân Malaysia nỗ lực hiện đại hóa trang bị với việc mua sắm tàu chiến mới, nâng cấp tàu cũ để tăng cường sức mạnh trên biển đối phó với thách thức mới.

Tạp chí Asian Military Review bình luận, để đối phó với sự nổi dậy của hồi giáo Sulu, vấn đề tranh chấp lãnh thổ, Malaysia cần phải đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa trang thiết bị quân sự. Trong đó tập trung vào việc xây dựng trang thiết bị của Lục, Hải, Không quân Malaysia và tăng cường hợp tác quân sự quốc tế.
Tuy ngân sách quốc phòng trọng tâm năm 2014 của Malaysia tăng 6%, đạt 5,1 tỷ USD, nhưng trong chỉ có 868 triệu USD được dùng để mua vũ khí trang bị mới.
 Tàu chiến đấu ven biển kiểu mới lớp Gowind sẽ đóng cho Malaysia.
Hải quân
Dự án mua sắm lớn nhất của Hải quân Malaysia (RMN) gồm 6 tàu chiến đấu ven biển thế hệ 2 do nhà máy Boustead tại Perak chịu trách nhiệm đóng (dự kiến bàn giao từ năm 2018). Những tàu này được thiết kế trên nền tảng tàu hộ vệ hạng nhẹ Gowind của Pháp.
Vũ khí trang bị cho tàu chiến này dự kiến gồm: tên lửa đối không phóng thẳng đứng VL Mica của tập đoàn MBDA; tên lửa hành trình chống hạm Excocet MM40 Block III; 2 ống phóng ngư lôi, pháo hạm 57mm Bofors Mk3 của công ty hệ thống BAE và 2 pháo phòng không 30mm MSI. Tàu này còn sẽ trang bị radar có khả năng phát hiện máy bay tàng hình Smart-S Mk2, hệ thống sonar CAPTAS-2 của công ty Thales.
Malaysia rất cần những tàu chiến như vậy, vì hải quân nước này đang đối mặt với mức độ tác chiến tương đối cao, trong khi số lượng tàu hạn chế không chỉ ảnh hưởng sỹ khí mà còn làm cho hải quân rất khó để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
 Tàu huấn luyện Samudera đang được hạ thủy.
Hải quân Malaysia cũng đã đóng 2 tàu huấn luyện Samudera dài 76m. Các tàu này được nhà máy ở Malaysia chế tạo dưới sự hỗ trợ từ công ty công trình đóng tàu Daewoo Hàn Quốc.
Vào năm 2011, Hải quân Malaysia đã ký hợp đồng trị giá 96,1 triệu USD với Daewoo. Căn cứ vào hợp đồng, tàu huấn luyện thứ 2 đã được hạ thủy hồi tháng 2/2013 và chính thức gia nhập vào hàng ngũ Hải quân Malaysia vào giữa năm 2014.
Ngoài ra, dự án đóng tàu tuần tra thế hệ mới lớp Kedah – dựa trên nền tảng công nghệ tàu MEKO 100 của hãng Blohm & Voss (Đức) đã bàn giao tổng cộng 6 chiếc cho Hải quân Malaysia.
 Tàu tuần tra ven biển lớp Kedah.
Bên cạnh dự án mua mới, Malaysia tích cực thực hiện dự án cải tiến lớp tàu cũ đang phục vụ. Theo đó, nước này đang thực hiện kế hoạch kéo dài tuổi thọ phục vụ 2 tàu hộ vệ lớp Kasturi. Kế hoạch này sẽ bảo đảm tuổi thọ phục vụ của 2 tàu hộ vệ này được kéo dài 15 năm trở lên.
Tháng 1/2014, tàu hộ vệ Kasturi đã tái gia nhập vào Hải quân Malaysia, chiếc còn lại dự kiến sẽ được thử nghiệm vào cuối năm 2014. Dự án kéo dài tuổi thọ phục vụ bao gồm: sửa chữa động cơ, thay thế hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa (HVAC), lắp đặt sonar DSQS-24C. Tàu hộ vệ này còn được trang bị khác như 2 thiết bị phóng ngư lôi 324mm AS244, 1 pháo hạm 57mm, 2 pháo phòng không 30mm và hệ thống quản lý tác chiến TACTICOS.
Trong bước tiếp theo của dự án cải tạo, 4 tàu hộ vệ lớp Laksamana sẽ được chuyển đổi thành tàu pháo với việc gỡ bỏ tên lửa chống tàu, ngư lôi và chỉ giữ lại pháo 76,2mm và 40mm.
 Tàu hộ vệ Kasturi được hoán cải thành tàu pháo.
Từ khi Malaysia tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình và cứu trợ nhân đạo năm 2008 đến nay, luôn có nhu cầu về lượng lớn tàu hỗ trợ đổ bộ đa năng. Sau khi một tàu tác chiến đổ bộ KD Sri Inderapura của Hải quân Malaysia bị nhấn chìm trong biển lửa năm 2009, thì nhu cầu này càng trở lên cấp bách. Dự án tàu hỗ trợ đổ bộ đa năng đã bị trì hoãn từ lâu có thể sẽ được thực hiện trong kế hoạch 11 giai đoạn 2016-2020 của Malaysia.
Về trang bị Không quân Hải quân, Malaysia đã mua sắm và nhận bàn giao 6 trực thăng kiểu mới Super Lynx 300 và 6 chiếc AS555 Fennec. Tuy nhiên, hải quân nước này còn hy vọng tiếp tục mua thêm ít nhất 6 trực thăng hải quân, nhiều khả năng sẽ được mua trong kế hoạch 11 của Malaysia.
 Trực thăng hải quân Malaysia.
Phó Tổng giám đốc bán hàng châu Á của công ty Sikorsky Christophe Nurit khi trao đổi với Tạp chí Asian Military Review cho biết, Malaysia đã bày tỏ yêu cầu đối với trực thăng tác chiến chống ngầm.
Bên cạnh đó, việc giám sát trên biển đối với an ninh quốc gia là rất quan trọng, cho nên Hải quân Malaysia hy vọng có được máy bay tuần tra trên biển tầm xa. Mặc dù Malaysia đang có 4 chiếc máy bay tuần thám biển B200T, tuy nhiên chúng lại thuộc biên chế của Không quân thay vì Hải quân. Ngoài ra, B200T chỉ có thể mang các khí tài trinh sát mặt nước, không có khả năng tác chiến chống ngầm và mang vũ khí.
Hiện Malaysia đã có 8 trạm radar giám sát bờ biển được Mỹ giúp đỡ xây dựng tại bờ biển Sabah. Các trạm này có thể giám sát, theo dõi tàu thuyền trong phạm vi 38 hải lý và tương lai có thể được mở rộng hơn nữa.
Bằng Hữu

Bình luận(0)