Đặc công Việt Nam “xuất quỷ nhập thần” (kỳ 3)

Google News

(Kiến Thức) - Năm 1965, đặc công biệt động Sài Gòn thực hiện trận đánh "kinh thiên động địa" vào tòa Đại sứ Mỹ.

Lọt vào tầm ngắm

Theo sự can thiệp ngày càng sâu vào tình hình Việt Nam, tòa đại sứ Mỹ cũng được dựng lên bề thế giữa Sài Gòn để điều khiển toàn bộ cuộc chiến. Tòa nhà nằm ở giao lộ phố Hàm Nghi - Võ Di Nguy (nay là Hồ Tùng Mậu) gồm 5 tầng được bố trí bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt.

Chiếc cổng sắt trông ra đường Hàm Nghi luôn đóng kín, chỉ được mở tự động theo lệnh của cảnh sát dã chiến Mỹ đứng gác tại cổng. Mọi xe cộ đều bị cấm dừng, đậu bên hông tòa nhà. Xung quanh khu vực tòa đại sứ được bố trí rất nhiều cảnh sát chìm, mật vụ trà trộn giả dạng dân thường để bảo vệ từ vòng ngoài. Chưa yên tâm bọn chúng lại bố trí một khẩu đại liên trên nóc tòa nhà cao tầng đối diện với đại sứ quán để sẵn sàng ứng cứu khi hữu sự.

Năm 1965, quân Mỹ bắt đầu ồ ạt vào miền Nam. Để đánh đòn phủ đầu, Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam giao cho Quân khu Sài Gòn - Gia Định đánh vào tòa đại sứ quán Mỹ để gây tiếng vang cổ vũ chiến trường Nam Bộ và cả nước. Tổ biệt động F21 của Bảy Bê (người đã chỉ huy thành công các trận đánh cư xá Brink, khách sạn Caravelle trước đó) lại được Quân khu tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng này.

Sau nhiều lần lân la đến gần tòa đại sứ để nghiên cứu cộng với tin tức từ cơ sở mật trong lòng địch báo ra, F21 đã tìm được điểm yếu của địch. Cấu trúc của tòa nhà sứ quán Mỹ có mặt hông phía đường Võ Di Nguy dài hơn mặt tiền ở đường Hàm Nghi. Bên cạnh đó, các ô cửa kính nằm hết ở mặt này và trong các ô kính là phòng làm việc của quan chức và nhân viên. Ở đây cũng chỉ có hàng rào chắn bằng gỗ, xe chở thiết bị nổ có thể lao qua để áp sát vào tường nhà. 
Tòa đại sứ Mỹ trên đường Hàm Nghi trước khi bị tấn công.

Trinh sát mục tiêu đã khó nhưng chuyển vũ khí từ chiến khu vào nội thành còn khó hơn nhiều lần. Địch canh gác vòng trong vòng ngoài suốt trên các nẻo đường dẫn vào nội thành. Để qua mắt chúng, ta đặt thuốc nổ vào trong các bánh mủ cao su rồi chất lên xe tải với những vật dụng lỉnh kỉnh.

Về tới nội thành, số vũ khí này được phân tán trên các xe lam chở về các cơ sở cất giấu. Thuốc nổ được cho vào bọc ni lông mấy lớp buộc kỹ dìm xuống kênh rạch vùng Bà Chiểu và những nơi không ai ngờ. 

Bên cạnh súng, vũ khí dùng cho trận đánh cũng phải rất khó khăn mới đưa vào được. Sách Biệt động Sài Gòn – Những chuyện bây giờ mới kể viết về đường vận chuyển súng: “ Trên đường từ Củ Chi về Hóc Môn, tới ấp Đồn (trên quốc lộ 1 - nay là quốc lộ 22), Bảy Bê bị cảnh sát gọi lại kiểm tra. Sau khi xem giấy tờ (dấu giả) hợp pháp của hai người, chúng vẫn chưa tin. Một tên cho tay vào túi định lục lọi "kiếm ăn" bỗng thấy quần áo lót phụ nữ nên rụt tay lại, mặt sượng cứng; nói lí nhí: "Toàn khô mực, cá tra". Cả bọn hiểu ý, liền bỏ đi. Bảy Bê và Minh Nguyệt qua cơn "thót tim”, lên xe phóng như bay về thành phố.

Tổ chức cũng đã bỏ ra 270.000 đồng mua chiếc xe du lịch hiệu Frégate màu đen. Có xe rồi, Bảy Bê tìm cách thiết kế một thùng sắt để khít trong cốp xe để chứa thuốc nổ. Sau nhiều trục trặc, chiếc thùng sắt chứa 150 kg thuốc nổ đã đặt vừa khít vào cốp xe chỉ chờ ngày xung trận.

Trận cường tập bất thần

Ngày 30/3/1965, ngày N của kế hoạch, đội hình hành quân chuyển bánh. Đội trưởng Bảy Bê đi đầu vừa lái chiếc Frégate chứa 150kg thuốc nổ vừa chỉ huy đồng đội. Trên xe có Trần Văn Thế bảo vệ, Năm Bắc và Tư Việt chạy xe gắn máy yểm trợ phía sau. Sau cùng là Trần Thị Minh Nguyệt chạy xe gắn máy. Mọi người đều thủ súng ngắn và lựu đạn. Sau khi chạy qua các cung đường đã định sẵn, tổ chiến đấu đã tiếp cận được mục tiêu.

Thấy xe Bảy Bê lao tới, Tư Việt rút súng hạ gục hai tên cảnh sát. Xe thuốc nổ đã ép sát rào chắn bằng gỗ bên hông tòa nhà. Bảy Bê điều chỉnh kíp nổ còn 30 giây rồi giật nụ xòe, gây nổ trực tiếp. Cả Bảy Bê và Thế nhảy ra khỏi xe, chạy về giải vây cho Tư Việt đang bị số đông mật vụ và công an bao vây.
Cảnh tượng đổ nát tan hoang trong 1 căn phòng của tòa nhà được 1 tờ báo đăng sau vụ tấn công.

Liền sau đó, nhằm đánh lạc hướng địch, Bảy Bê lao nhanh ra đường Tôn Thất Đạm đón chiếc taxi đợi sẵn chạy về hướng chợ Bến Thành. Vừa lúc ấy, một tiếng nổ long trời làm rung chuyển phố xá. Cửa kính trên các nhà cao tầng vỡ tung.  Lúc đó là 9h55 phút. 

Khối thuốc nổ 150kg cấu trúc hình lõm hướng vào tòa nhà đã thổi rỗng từ tầng 1 đến tầng 3. Các cửa song sắt vặn đi biến dạng, mảnh kính cùng gạch đá, tài liệu tung tóe khắp nơi. Khi nghe tiếng súng bắn nhau dưới đường, các quan chức và nhân viên tranh nhau xuống tầng trệt là lúc khối nổ công phá nên thương vong rất lớn. Có tới 195 tên chết và bị thương trong tòa nhà. Phó đại sứ Mỹ A. Johonson được đồng bọn dìu ra từ đống gạch vụn, mặt bê bết máu. 

Bọn ngụy Sài Gòn hoang mang dao động, ra lệnh kiếm soát gắt gao thành phố, còn dân chúng không ngớt lời bàn tán thán phục tài “xuất quỷ nhập thần" của Biệt động Sài Gòn. 

Cuộc trao đổi tù binh không thành

Tuy nhiên trong trận đánh này, Tư Việt bị đám cảnh sát bu bám đã không rút lui được. Anh vừa bắn trả bọn địch vừa rút ra chợ Bến Thành rồi chạy ra đường Công Lý (Nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Đến đây anh bị một tên mật vụ đứng ở khu vực đó bắn trúng. Viên đạn xuyên qua bụng làm ruột đổ ra. Bọn địch đuổi theo cũng vừa tới, chúng nhào tới bắt Tư Việt.

Anh lấy tay nhét ruột vào, chỉ còn 2 viên đạn, anh bắn vào tên gần nhất rồi rút lựu đạn định cho nổ tung không cho địch bắt nhưng không may quả lựu đạn không nổ. Không chút hoảng sợ, Tư Việt nhảy vào vật lộn với bọn địch cho đến khi kiệt sức mới bị bắt và 8 ngày sau bị đưa ra tòa kết án tử hình. 

Tuy nhiên địch chưa dám thi hành án ngay vì phía Mặt trận giải phóng miền Nam tuyên bố nếu chính quyền Sài Gòn xử tử Lê Văn Việt thì phía Cách mạng sẽ xử bắn trung tá Mỹ Hertz, tình báo CIA, y là anh vợ Kennedy.

Tuy vậy, kế hoạch trao đổi tù binh không thành vì sau đó tên trung tá Hertz bị ốm chết, còn Tư Việt bị địch đày ra Côn Đảo. Tại đây, anh tổ chức vượt ngục hai lần đều bị địch bắt trở lại. Anh bị địch tra tấn, đày ải nơi chốn địa ngục trần gian. Sức con người có hạn, Tư Việt đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đồng đội ngày 4/10/1966.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Vũ Đức

Bình luận(0)