Hà Việt Dũng: “Mỗi lần đi event lại phải mượn quần áo”

Google News

Chàng siêu mẫu "bán nước mía" Hà Việt Dũng chẳng ngại ngần thừa nhận, bạn bè của anh chủ yếu là công nhân, nên mỗi lần đi event mượn quần áo cũng ... khó.

Cuộc đời gắn với những "nghề" tương đối thảm hại: Phụ việc lò vôi, quét rác, rửa đường, trông xe, phục vụ quán cà phê, bán nước mía,... Bỗng một ngày số phận cho chàng ăn kẹo, thứ kẹo ngọt ngào và nguy hiểm: Showbiz Việt với vai chính đầu tiên trong bộ phim điện ảnh đình đám "Mùa hè lạnh" cùng bạn diễn nóng bỏng Lý Nhã Kỳ. Nhưng Lọ Lem trở thành Hoàng Tử có phải cái kết có hậu, hay mọi thứ mới chỉ bắt đầu?
Có tên phải… mua sắm nhiều hơn
Sau khi "ăn kẹo”, cuộc sống của anh hẳn thay đổi nhiều?
Cũng chẳng nhiều nhặn gì. Có chút tiếng tăm, tiền kiếm khá hơn. Nhưng thuyền to sóng lớn. Có tên tuổi lại phải mua sắm đồ đạc cho phù hợp, chứ lẹt đẹt mãi cũng đâu có được.
Cuộc sống của Lọ Lem khác hẳn thế giới của Hoàng Tử. Anh đã làm gì để không bị lạc lõng trong "tân thế giới" của mình?
Tôi không muốn thay đổi bản chất con người mình, nhưng cũng không muốn mỗi lần đi event lại phải mượn quần áo. Nhưng không mượn thì người ta nói có bộ quần áo mặc hoài. Không thay đổi thì người ta chê mình cù lần. Mà mỗi lần xin xỏ, nhờ vả tôi ngượng lắm, trong khi bạn bè của tôi rất ít, chủ yếu là công nhân.
 Năm 2012, siêu mẫu "bán nước mía" Hà Việt Dũng có vai diễn điện ảnh đầu tiên trong Mùa hè lạnh, đóng chung với Lý Nhã Kỳ
Hỏi thật, anh có sợ cái thế giới mình vừa đặt chân vào?
Người ta nói vào trong hang mới biết hang có cọp. Tôi đã vào hang nhưng chưa thấy cọp. Cũng có thể "chưa thấy quan tài chưa rơi lệ" chăng? (cười).
Chưa thấy cọp, nhưng anh đủ hiểu biết để chuẩn bị tâm lí đối diện với cọp trong một ngày rất gần?
Tôi chưa chuẩn bị gì hết.
Vậy thì anh rất dễ bị cọp ăn thịt!
(Cười) Như thế nào là cọp hả chị?
Chỉ cần click chuột vào mấy trang giải trí báo mạng, anh sẽ biết thế nào là cọp!
Xem thời sự tôi thấy nhiều nước chạy đua vũ trang, kiểu "mày có bom hủy diệt, tao có vũ khí hạt nhân". Nhưng vẫn có những nước trung lập. Tôi cũng vậy, muốn là người trung lập. Tham gia show diễn, diễn hết mình. Xong việc về nhà, để đảm bảo mình không đụng chạm đến ai và cũng không ai đụng chạm đến mình.
Anh đừng quên showbiz không có chỗ cho sự trung lập, thậm chí còn chơi ngải (không tin, có thể đọc "Mặt nạ" của Tina Tình!). Anh bước vào thì người kia bước ra, anh bước lên thì người kia bước xuống. Ví như tham gia "Mùa hè lạnh" là anh đã lấy đi cơ hội của một diễn viên khác. Nên phải xác định, một là mình rất mạnh, hai là mình bị đá văng! Anh đã chuẩn bị gì?
Tôi có thể chuẩn bị được gì đây? Tôi chỉ có thể tính được sắp tới mình làm gì để trả tiền thuê nhà, tương lai làm gì để có thêm chút tiền. Nhưng vào showbiz tôi chưa biết làm gì. Vì chưa có kinh nghiệm, cũng chưa có ai chỉ bảo giúp tôi.
Cuộc đời như ván bài và tôi không thể là vua bịp bài
Quá trình từ Lọ Lem trở thành Hoàng Tử diễn ra quá nhanh, điều đó có khiến anh sợ hãi, rằng khi tỉnh dậy mọi thứ chỉ còn là giấc mơ, giống như cảm giác người đang hạnh phúc sợ hãi và luôn hỏi hạnh phúc của mình sẽ kéo dài được bao lâu?
Chị hiểu sai con người của tôi rồi. Tôi đi lên từ con số 0 và sẵn sàng về vạch xuất phát. Cuộc đời như một ván bài, và tôi không thể là vua bịp bài, giữ cho mình thắng mãi. Năm qua là bước ngoặt trọng đại trong đời, nhưng tôi không cho đó là hạnh phúc hay giấc mơ đẹp. Tôi chưa hạnh phúc đâu.
 Chàng trai cho biết, khi có tên tuổi, phải mất nhiều tiền đầu tư vào trang phục nhiều hơn
Tại sao anh nói mình chưa hạnh phúc?
Hạnh phúc bao gồm nhiều thứ. Đó là tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa, danh vọng, vật chất,... Tôi hạnh phúc vì có tình yêu của bố mẹ, nhưng lại khó khăn nhiều bề. Tiền bạc chưa kiếm được, nghề nghiệp chưa ổn định, tương lai chưa biết ra sao, tình cảm chưa đâu vào đâu. Người ta nói hạnh phúc là trân trọng những gì mình có. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là sự an ủi bản thân.
Ghi dấu ấn trên màn bạc vẫn chưa đủ để anh tự tin vào bản thân và hy vọng vào tương lai?
Đóng một bộ phim thu nhập được bao nhiêu, trong khi phải chi phí rất nhiều thứ. Chưa lo được cho bản thân, và chưa giúp đỡ được gì cho bố mẹ ngoài quê thì làm sao tôi có thể tự tin vào bản thân? Có tên tuổi thì vui, nhưng mình không thể hạnh phúc chỉ vì ra ngoài đường được nhiều người biết đến.
Đàn ông 26 tuổi vẫn chưa giúp được gì cho bố mẹ, điều đó có khiến anh suy nghĩ?
Tết tôi cũng dành dụm được ít tiền cho bố mẹ. Bố mẹ tôi nói “Cứ lo cho cuộc sống của con trước đi, đừng nghĩ tới bố mẹ, bố mẹ còn sức lao động. Tất cả mọi người chỉ muốn tốt cho con.” Mà chị biết rồi đấy, ở quê các cụ không chịu ngồi yên một chỗ. Vẫn nuôi heo, gà vịt, ngan ngỗng, trồng rau đi chợ. Thứ khiến tôi suy nghĩ là bố mẹ nói chưa được vào thăm con lần nào vì chưa có điều kiện. Chắc năm nay tôi sẽ đưa bố mẹ vào để biết cuộc sống của tôi như thế nào.
Nghèo mà giỏi tự hào, giỏi mà nghèo day dứt - khái niệm này có khiến người đàn ông trong anh tự ái?
Tôi không tự ái, vì có nhiều người bằng tuổi tôi vẫn còn đi học, hoặc vẫn ăn bám gia đình, thậm chí rượu chè, hút chích. Mình không làm điều tệ hại là được, còn tiền bạc thì từ từ kiếm.
Với tuổi 26 thì từ từ kiếm tiền cũng được, nhưng trả nghĩa thì không từ từ được, vì tuổi tác của bố mẹ không chờ đợi anh. Hay anh hồn nhiên nghĩ "bố mẹ không cần con giúp đỡ"?
Học lớp 9 tôi đã đi làm ở lò vôi, rồi xuống Hà Nội làm xưởng mộc, 3 tháng hè kiếm đủ tiền mua sách vở. Vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng, không quen biết ai, tôi làm công nhân, trông xe, rồi phụ bàn. Sự tiến bộ của tôi ngày hôm nay chính là sự trả nghĩa cho bố mẹ, chứ đâu cần vật chất. Vì chắc gì mang một đống tiền về là bố mẹ vui, khi họ không biết mình làm gì để có tiền. Bản thân mình tốt thì bố mẹ vui, thế thôi. Đến giờ tôi chưa có tiền, nhưng nếu biết phấn đấu, rồi cũng kiếm được.
Không phủ nhận nhiều người 26 tuổi vẫn ăn bám gia đình, nhưng cũng không thiếu người 26 tuổi đã làm nên chuyện lớn. Anh không lấy điều đó làm tức chí sao?
Những người tự thân vận động như tôi mà giàu có, tôi rất phục. Nhưng thử hỏi xã hội được bao nhiêu người như vậy? Những người bằng tuổi tôi mà giàu thường có điều kiện tốt hơn tôi. Còn tôi đã làm hết khả năng rồi, tự ti gì nữa! Muốn làm hơn cũng không được. Song tôi rất tin vào tương lai của mình. Ngày xưa vào đây, tôi chỉ nghĩ đi trông xe ở nhà hàng tiệc cưới, nhưng lại được phục vụ quán cà phê, được đeo nơ, và giờ được đóng phim. Nhưng làm việc gì tôi cũng làm nghiêm túc và hết mình. Trông xe thì không bỏ đi đánh cờ, vì sợ mất xe. Phục vụ quán cà phê thì đứng quan sát khách xem họ có cần gì không. Đi lính thì rèn luyện nghiêm túc, được bầu làm tiểu đội trưởng, chỉ huy mấy người... Những việc đó với nhiều người thì tầm thường, nhưng tôi tự hào lắm.
 Từng trải qua cuộc sống khó khăn nên nếu gặp thất bại Dũng cũng không nản chí.
Không có niềm vui trọn vẹn, trong khi sai lầm quá nhiều
Có hai thứ con người ta không được lựa chọn, đó là bố mẹ và nơi mình sinh ra. Nhưng khi nghèo, khi khổ, người ta vẫn hay than thân trách phận. Anh có vậy không?
Bố mẹ nghèo, nhưng tôi tự hào về họ. Tôi có người bố tâm lí và người mẹ rất hiền. Mẹ tôi hiền lắm, không chỉ với mình tôi. Hàng xóm láng giềng, người lạ người quen gặp bà đều cảm thấy điều đó. Mà bố mẹ tôi tội lắm. Còn nhớ, khi tôi thi siêu mẫu được giải, bố mẹ đã khóc rất nhiều. Từ Hòa Bình xuống Hà Nội cổ vũ cho con, đến khi con được giải, bố mẹ không dám lên chụp hình cùng, vì ăn mặc xấu, nên sợ xấu mặt con mình. Tôi động viên bố mẹ lên chụp hình với con, họ lên mà vẫn đi nép nép. Ngày vui của tôi cũng là ngày chị gái phải nhập viện. Bố mẹ cổ vũ cho tôi về, chưa kịp ăn miếng cơm thì chị ngất, phải đi cấp cứu. Nhưng vì thương tôi lo lắng, nên bố mẹ giấu. Mãi sau này tôi mới biết chị từ hơn 50kg xuống còn hơn 30kg, kiệt sức, đi không nổi. Đúng là cuộc sống không như mình mong muốn, không có niềm vui nào trọn vẹn, trong khi va vấp, sai lầm thì quá nhiều.
Sai lầm? Tôi quan tâm đến sai lầm của anh!
Ví như tôi nghĩ mình nghèo học cũng chả làm gì, ra đường cũng đi làm thuê, nên bỏ học sớm. Hay như ngày xưa bố mẹ vay mượn 10 triệu, lo lót để tôi vào công ty môi trường, được biên chế Nhà nước, nhưng tôi làm được một ngày thì bỏ việc. Lúc đó tôi được phân quét rác ở hồ Hoàn Kiếm. Quét ngày đầu tiên từ sáng đến chín giờ. Tối hôm sau ba giờ sáng phải dậy đi rửa đường. Thanh niên đang tuổi ngủ, phải dậy giờ đó, tôi chịu không nổi. Tôi nghĩ chẳng nhẽ đời mình chấm hết ở đây? Không phải ở công việc quét rác, rửa đường, mà ở việc phải dậy lúc ba giờ sáng! Nên làm đúng mộtngày thì tôi bỏ việc và vào Sài Gòn làm công việc giữ xe cho tiệc cưới. Bố mẹ rất buồn, không phải vì mất tiền lo lót, mà họ sợ tôi không có ý chí.
Còn điều gì để anh ân hận nữa không? Tình yêu chẳng hạn?
Tình yêu ư? Đây là câu chuyện dài và không vui vẻ. Nhưng cho tôi xin giữ lại câu chuyện này, cho đến khi tôi đủ tĩnh tâm. Còn bây giờ, với tôi, mọi thứ vẫn còn mới mẻ và quá khó khăn.
Theo V-Style

Bình luận(0)