Việc sử dụng máy bơm nước chân không đặt ở đường cấp nước nguồn để tăng áp lực cho thiết bị trong gia đình... là không hợp lý.
- Hỏi: Nhà tôi không có bể nước, tôi định lắp máy bơm trực tiếp từ đường nước nguồn vào các thiết bị nhằm mục đích mỗi khi bật công tắc sẽ có nước mạnh. Xin hỏi cách này có tiết kiệm điện không? Thanh Thúy (Hà Nội).
Theo KS Nguyễn Văn Dũng, Công ty Kỹ thuật điện Bách khoa: Việc sử dụng máy bơm nước chân không đặt ở đường cấp nước nguồn để tăng áp lực cho thiết bị trong gia đình như vòi hoa sen, vòi rửa... là không hợp lý. Bởi cách sử dụng này sẽ xảy ra một số nguy cơ. Khi mất nước nhưng gia đình không biết nên mở vòi khiến máy bơm vẫn hoạt động liên tục. Nếu không có nước làm mát động cơ và phớt, máy sẽ bị cháy. Cũng trường hợp này, máy sẽ hút không khí trong đường ống khiến đồng hồ nước tiếp tục chạy.
Ngoài ra, do mở vòi nước sinh hoạt lên là máy bơm làm việc, đồng nghĩa với việc máy bơm phải khởi động nhiều lần, liên tục gây tốn điện, do công suất khởi động của động cơ lớn hơn máy chạy bình thường nhiều lần và làm giảm tuổi thọ động cơ điện. Dùng máy bơm nước trực tiếp từ đường ống sẽ làm ảnh hưởng đến việc cấp nước của các hộ liền kề, đồng thời tiếng máy làm việc sẽ kêu liên tục làm ảnh hưởng đến sinh hoạt trong gia đình. Vì thế, người dân nên chủ động làm bể chứa ngầm, sau đó dùng máy bơm đưa nước ra các thiết bị sử dụng. Hoặc sử dụng bể nước trên cao, dùng máy bơm lúc nước mạnh để đưa nước lên sau xả xuống các thiết bị. Tránh sử dụng máy bơm lắp trực tiếp vào thiết bị sử dụng như trên.
Hà Trang (ghi)