Kho báu khổng lồ ở Campuchia?

Google News

(Kiến Thức) - Thành phố 1.200 tuổi Mahendraparvata vừa được phát hiện tại Campuchia rất có thể ẩn chứa kho báu khổng lồ dưới những gò đất.

Tiến sĩ Damian Evans, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học tại Campuchia của Đại học Sydney, Australia cho biết, các nhà khảo cổ học phát hiện ra thành phố này vào tuần trước khi các dữ liệu có được nhờ công nghệ Lidar (công nghệ laser kết hợp định vị vệ tinh và ảnh số) đột ngột xuất hiện trên màn hình máy tính.

Các nhà khoa học đã tìm thấy hai ngôi đền không có đá chạm khắc nằm rải rác gần đó. Đây là một phần của nền văn minh phát triển khá rực rỡ đã tồn tại 1200 năm trước... Những công trình này còn khá nguyên vẹn, có lẽ bởi những kẻ trộm cắp, đào mộ chưa hề phát hiện ra chúng.

Tiến sĩ Damian Evans và đồng nghiệp cũng thấy một hang động với những hình khắc có ý nghĩa lịch sử. Nhiều ý kiến cho rằng một ẩn sĩ có ảnh hưởng tới xã hội trong thời kỳ Angkor đã sống ở đây.

Tuy nhiên, các chuyên gia chưa dám khẳng định chính xác diện tích của thành phố cổ hoặc họ đã tìm ra toàn bộ Mahendraparvata hay chỉ một phần.

Một bức điêu khắc phủ đầy rêu xanh của thành phố bị che lấp. Ảnh: SMH.

Công nghệ LIDAR còn cho thấy hàng trăm gò bí ẩn, cao vài mét dọc theo phần lớn thành phố bị vùi lấp. Có giả thuyết cho rằng chúng là nơi chôn cất người chết nhưng cũng có thể tồn tại kho báu lớn phía dưới những gò đất này. ''Chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm hiểu chúng là gì'', Evans cho biết.

Vài giờ sau đó, các nhà khảo cổ còn khám phá những tàn tích của năm ngôi đền khác chưa từng được biết tới cùng với bằng chứng về các con kênh cổ đại, đê điều, đường giao thông.

Những phát hiện này phù hợp với nhiều năm nghiên cứu khảo cổ trên mặt đất để tìm kiếm Mahendraparvata, một thành phố thời trung cổ đã biến mất, nằm trên một ngọn núi sương mù bao phủ có tên là Phnom Kulen, tồn tại từ  350 năm trước khi xây dựng đền Angkor Wat nổi tiếng ở Tây Bắc Campuchia.

Ông Evans cho hay họ không biết Mahendraparvata rộng lớn thế nào vì công nghệ LIDAR chỉ bao phủ một khu vực hạn chế. ''Có lẽ những gì chúng ta thấy không phải là trung tâm của thành phố. Nếu thế, sẽ có rất nhiều công việc phải làm để thấy được quy mô của nền văn minh này.''

Trong nhiều thế kỷ, Phnom Kulen vẫn là một nơi linh thiêng. Mỗi năm, có hàng chục ngàn người hành hương đến đây để tắm và thực hiện những nghi lễ tâm linh. Phnom Kulen được bao phủ bởi rừng rậm trong nhiều thế kỷ cho đến khi những người khai thác gỗ tới khu vực này trong những năm 1990 sau chiến tranh.

Được biết, người dẫn đường cho các nhà khảo cổ tiến hành nghiên cứu là Heng Heap, một người dân thuộc làng Anlong Thom. Đây là ngôi làng nằm giữa thành phố cổ nhưng điều đáng nói là không ai trong số 1.200 dân làng biết điều đó.

Ông David Sandilands, người Úc, làm việc cho Quỹ phát triển và khảo cổ học ở London, cho biết hơn một nửa dân làng bị suy dinh dưỡng. ''Thật khó để người Khmer suy nghĩ về lịch sử khi dạ dày của họ trống rỗng''.

Sandilands đang dạy dân làng cách trồng nấm để bán ra thị trường. Ông hy vọng người dân sẽ được hưởng lợi từ việc tăng cường nghiên cứu khảo cổ trên núi bởi nó sẽ cung cấp việc làm và thu nhập.

Được biết, ngoài thành phố Mahendraparvata, các nhà khảo cổ học còn xác định được vị trí của 24 ngôi đền.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Mai Thuỷ (theo SMH)

Bình luận(0)