Nguy cơ nhiễm độc của các nhân viên văn phòng (kỳ 2)

Google News

(Kiến Thức) - Kết quả điều tra, phỏng vấn gần 200 nhân viên văn phòng cho thấy có những biểu hiện rõ ràng của bệnh nhà kín như đau mỏi lưng, khô mắt, chảy nước mũi, ngạt mũi, khó tập trung, mệt mỏi...

Theo các chuyên gia, người lao động cần được trang bị kiến thức về ô nhiễm không khí trong nhà, các triệu chứng bệnh nhà kín và phương pháp luyện tập nhằm làm giảm các triệu chứng này.

Gánh nặng lao động về thần kinh

Để đánh giá được mức độ ảnh hưởng và những triệu chứng thường gặp của người lao động về chất lượng môi trường trong các cao ốc, văn phòng, nhóm chuyên gia của Viện KHKT Bảo hộ Lao động đã tiến hành điều tra, phỏng vấn gần 200 nhân viên văn phòng với những triệu chứng bệnh lý: mắt, mũi, họng, hô hấp, da, thần kinh, cơ xương khớp. Kết quả cho thấy, các biểu hiện, triệu chứng bệnh nhà kín như đau mỏi lưng, khô mắt, ngứa mắt, khô mũi, chảy nước mũi, ngạt mũi, ngứa họng, khó tập trung, đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi... tương đối rõ ràng tại các công ty, tòa nhà được nghiên cứu. 

Bên cạnh đó, do tính chất công việc đặc thù nên những ảnh hưởng gánh nặng lao động về thần kinh cảm xúc, trí tuệ cũng là một nhân tố gây ra các căng thẳng cho nhân viên văn phòng. Hầu hết mọi người cho rằng các triệu chứng trên không còn nữa sau khi có một kì nghỉ dài. Tuy nhiên, vẫn có một số ít cho rằng các triệu chứng bệnh mà họ gặp lúc nào cũng theo họ kể cả sau một kì nghỉ dài ngày.

Máy tính, photocopy... phải kê nơi thoáng gió, thường xuyên lau sạch bụi. 

PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Hiện nay, nhiều người làm việc trong các tòa nhà, văn phòng có biểu hiện mắc các bệnh nhà kín như mệt mỏi, căng thẳng, nặng đầu, chóng mặt, buồn nôn... Tuy nhiên, trong thực tế không nhiều người biết đấy là hội chứng của bệnh nhà kín.

Vì thế, điều quan trọng là nâng cao nhận thức và huấn luyện cho nhân viên văn phòng về ô nhiễm không khí trong nhà, các triệu chứng bệnh nhà kín và phương pháp luyện tập nhằm làm giảm các triệu chứng này. 

Các chuyên  gia cho rằng, sau ngày lao động, các nhân viên văn phòng nên tăng cường vận động cơ thể để tránh hậu quả của sự giảm vận động trong khi làm việc. Nhân viên văn phòng cần quan tâm hơn đến sức khoẻ của mình, định kỳ khám sức khoẻ đầy đủ các chuyên khoa, phát hiện, điều trị kịp thời và phòng tái phát hiệu quả.

Ngoài ra, cần có những biện pháp nhằm làm giảm tối thiếu các chất gây ô nhiễm không khí như tăng cường thông gió, giảm nhiệt độ và độ ẩm trong phòng. Đối  với việc  sử dụng đồ gỗ, nếu là đồ mới mua cần để bên ngoài vài ngày và lau chùi để chất formaldehyde bay hết mới đưa vào phòng. Ngoài ra, các trang thiết bị như máy vi tính, photocopy, fax... cần được bố trí theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, kê nơi thoáng gió và thường xuyên được lau chùi và bảo dưỡng theo định kỳ.

Trong các cao ốc, văn phòng cũng nên hạn chế sử dụng chất tẩy rửa và diệt côn trùng ở mức thấp nhất để tránh tác động của hóa chất tác động đến không khí trong văn phòng. Nhân viên vệ sinh nên lau dọn khi văn phòng có ít người hoặc mọi người đã rời nơi làm việc. Cũng cần bố trí hệ thống thông gió hút tại khu vực dành riêng cho hút thuốc lá, nhà vệ sinh, bếp.


Thiếu chuẩn đánh giá chất lượng không khí 

ThS Ngô Quốc Khánh, Phòng Công nghệ môi trường, Trung tâm Khoa học Môi trường & Phát triển Bền vững, Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ Lao động cho biết: Điều đáng nói nhất là cho đến nay ở nước ta có quá ít nghiên cứu về chất lượng không khí trong các toà nhà cao ốc, văn phòng. 

Hiện nước ta cũng chưa có bất kỳ một tiêu chuẩn/hướng dẫn nào quy định và đánh giá chất lượng môi trường không khí trong nhà, đặc biệt là trong các cao ốc, văn phòng. Có chăng mới chỉ có tiêu chuẩn vệ sinh lao động 3733/2002/QĐ-BYT song, do đặc thù của các cao ốc, văn phòng nên không thể sử dụng tiêu chuẩn này làm căn cứ đánh giá kết quả đo đạc chất lượng môi trường.

Vì thế, khi thực hiện khảo sát và đánh  giá chất lượng không khí tại các toà nhà, văn phòng, nhóm chuyên gia phải tham khảo các tài liệu hướng dẫn, tiêu chuẩn của nước ngoài như: Bộ luật Liên bang năm 2000 của Cục Bảo vệ Môi trường & Cục Lao động Mỹ; hướng dẫn của Cục sức khoẻ Canada năm 1995; hướng dẫn về nồng độ các chất ô nhiễm trong nhà của Hồng Kông năm 2003... Tuy nhiên, do đặc điểm và đặc trưng pháp lý cũng như điều kiện khác nhau của các tổ chức, quốc gia mà các giá trị tiêu chuẩn hoặc khuyến cáo rất khác nhau và cũng rất khó áp dụng  cho nước ta.

Các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu và ban hành tiêu chuẩn/hướng dẫn quy định nồng độ chất ô nhiễm và đánh giá chất lượng không khí trong cao ốc, văn phòng. 

BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Thu Lan

Bình luận(0)