“Hô biến” xăng A83 thành A92 bằng... bột màu

Google News

(Kiến Thức) - Nguyễn Văn Hòa khai nhận đã nhiều lần dùng chất bột màu nâu pha vào bồn chứa xăng A83 để "hô biến" từ màu đỏ (màu của xăng A83) trở thành màu xanh giống màu của xăng RON 92. 

Ngày 2/1/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) cho biết đã thực hiện lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Văn Hòa (lái xe, 35 tuổi, quê Tây Ninh) và Đỗ Thị Kim Dung (38 tuổi, quê Bình Dương) để điều tra về hành vi "trộm cắp tài sản"; đồng thời mở rộng điều tra hành vi sản xuất hàng giả.

Làm giả để... trục lợi 

Nguyễn Văn Hòa khai nhận đã nhiều lần dùng chất bột màu nâu pha vào bồn chứa xăng A83 với liều lượng 1 muỗng cà phê/2.000 lít xăng để "hô biến" từ màu đỏ (màu của xăng A83) trở thành màu xanh giống màu của xăng RON 92. 

Theo kết quả giám định của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Trung tâm 3), chất bột màu nâu được Hòa dùng pha chế vào xăng là "chất bột màu hữu cơ công nghiệp, hòa tan trong xăng". 

Trao đổi với Kiến Thức, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Liên hiệp Các  hội KH&KT TPHCM nhận định, theo như Trung tâm 3, chất pha vào xăng là bột màu hữu cơ dùng trong công nghiệp và không cho biết công thức hoá học nên rất khó biết đó là chất gì. Vì "chất bột có màu nâu" có thể có nhiều loại. Hành động pha bột màu nâu để biến xăng A83 đổi màu từ đỏ sang xanh trước mắt chỉ có thể nói đó là hành vi tạo xăng A92 giả để trục lợi. 

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh phân tích thêm, trước đây, người ta đã biết, chất Các-bo-nyl Rerro [Fe(CO)5] đã được thử nghiệm dùng làm chất nâng cao chỉ số Octan của xăng. Nó chỉ kém Tetraetyl Chì [Pb(C2H5)4 ] có 1 bậc. Có điều chất này không được dùng vì có chất sắt (Fe) bất lợi cho sự mài mòn động cơ, nên người ta không dùng.  

Chất bột màu nâu được Hòa sử dụng để pha vào xăng A83.
Ảnh: Đỗ Trường

Màu xăng chính là tác nhân

Theo ông Lại Huy Doanh, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học & Công nghệ), chất lượng xăng A92 và A83 hoàn toàn chênh lệch nhau. Ngoài chỉ số RON cao hơn thì xăng A92 còn giảm được độ ô nhiễm môi trường, độ bốc cháy của động cơ... 

Hiện nay, tại một số cửa hàng tư nhân thuộc vùng sâu vùng xa vẫn có hiện tượng gian lận xăng A83 với xăng A92. Nguyên nhân do xăng A83 rẻ hơn xăng A92, còn người dân không phân biệt được màu xăng. Nguồn xăng tại các đầu mối đều đúng theo quy định nhưng trong các khâu trung gian, thậm chí tại các cửa hàng mới xảy ra sự gian lận. Cũng tại các khu vực này, địa bàn khó khăn nên sự quản lý cũng hạn chế. Khi phát hiện ra, các cửa hàng này thường đưa ra các lý do như bể chứa chưa vệ sinh sạch nên lẫn... Tất cả các trường hợp này đều đã được cơ quan chức năng xử lý. 

Ở góc độ khác, PGS.TS Đỗ Quang Huy, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, phân biệt xăng thông qua màu sắc có thể phần nào dễ quản lý, nhận biết. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện để kẻ gian có cơ hội làm giả. Bởi thực tế cho thấy, có nhiều chất màu có thể pha vào xăng và tạo ra màu khác nhau được bán trên thị trường. Trong khi đó, chất màu do Nhà nước quy định được nghiên cứu cụ thể thì các chất này chỉ được kẻ gian thực hiện thông qua cảm quan. Vì thế, việc tạo màu giả này ảnh hưởng đến chất lượng xăng rất khó lường. 

Xăng có màu nhằm giúp quản lý tốt hơn mặt hàng chiến lược này. Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đã có quy định bắt buộc các doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu phải pha màu cho các sản phẩm đang kinh doanh trên thị trường với quy định cụ thể như sau: Xăng không chì thông dụng RON 83 màu nâu đỏ; xăng không chì thông dụng RON 90 màu đỏ; xăng không chì thông dụng RON 92 màu xanh; xăng không chì chất lượng cao RON 95 không màu, dầu hỏa có màu tím.
Hương Đài

Bình luận(0)