Con người có thể sống khỏe trên sao Hỏa

Google News

Theo các nhà khoa học, con người có thể sống trên sao Hỏa bởi nồng độ bức xạ trên đó tương đương với bức xạ trên quỹ đạo thấp của địa cầu.

- Các nhà khoa học cho biết, con người có thể sống trên sao Hỏa bởi nồng độ bức xạ trên đó tương đương với bức xạ trên quỹ đạo thấp của địa cầu.

Curiosity, một thiết bị thăm dò trên bề mặt sao Hỏa đã phân tích nồng độ bức xạ từ khi nó đáp xuống hành tinh đỏ hồi tháng 8/2012.

Kết quả từ những lần phân tích đầu tiên cho thấy nồng độ bức xạ trên sao Hỏa tương đương nồng độ bức xạ trên Trạm Không gian Quốc tế, một thiết bị đang di chuyển trên quỹ đạo thấp của địa cầu. 

Hình ảnh chụp lại bằng thiết bị thăm dò Curiousity.
Hình ảnh chụp lại bằng thiết bị thăm dò Curiousity.

Don Hassler, nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Southwest tại Mỹ khẳng định: "Chắc chắn các phi hành gia có thể sống trong môi trường của sao Hỏa".

Hassler là trưởng nhóm chuyên gia phân tích bức xạ trên sao Hỏa bằng thiết bị thăm dò mang tên Radiation Assessment Detector của Curiosity hay còn gọi là RAD.

Kể từ khi Curiosity hạ cánh trên sao Hỏa vào hồi tháng 8/2012, RAD đã đo nồng độ bức xạ.

Kết quả được phân tích cho thấy, nồng độ bức xạ trên bề mặt sao Hỏa chỉ bằng khoảng một nửa nồng độ bức xạ mà Curiosity đo được trong hành trình kéo dài 9 tháng bay trong không gian vũ trụ.

Phát hiện mới chỉ ra bầu khí quyển sao Hỏa, dù chỉ dày bằng 1% so với bầu khí quyển trái đất, nhưng vẫn có khả năng ngăn chặn nguy hiểm do những hạt mang năng lượng di chuyển rất nhanh quanh vũ trụ gây nên.

Ngoài ra, RAD còn cho thấy nồng độ bức xạ trên sao Hỏa tăng hoặc giảm từ 3 tới 5% mỗi ngày, tương ứng với sự tăng hoặc giảm độ dày mỏng của bầu khí quyển.

 

Sóng đo được bằng RAD.
Sơ đồ cho thấy sự thay đổi hàng ngày nồng độ phóng xạ trên sao Hỏa.

RAD chỉ là một trong 10 thiết bị khoa học của Curiosity, được sử dụng để xác định liệu hành tinh đỏ có thể là nơi tồn tại cho vi sinh vật hay không.

Các nhà nghiên cứu chỉ mới cung cấp một số kết quả sơ bộ ban đầu về sự thay đổi bầu khí quyển của sao Hỏa.

Các nhà khoa học còn chia sẻ: "Nếu tới đây chúng tôi có thể tìm hiểu thêm về thời tiết và khí hậu trên sao Hỏa, chắc chắn nó sẽ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về các quá trình thay đổi khí quyển của sao Hỏa. Từ đó, chúng tôi có thể dự đoán những điều kỳ diệu có thể xảy ra trên sao Hỏa".


 Nguyên Thảo (theo Foxnews)

 [links()]

Bình luận(0)