Cũng theo tờ báo này, hạn mức tín dụng 100 triệu USD có thể sẽ được cung cấp vào cuối năm nay. Và khoản tín dụng này sẽ được sử dụng để mua 4 tàu tuần tra.
Trong những năm qua, Việt Nam và Ấn Độ đã có mối quan hệ chiến lược, bao gồm hợp tác trong hạt nhân dân sự, đào tạo sĩ quan quân đội và thường xuyên tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau.
Nhưng đây là một dịp hiếm hoi, Ấn Độ cung cấp một hạn mức tín dụng liên quan đến quốc phòng cho Việt Nam. Thông thường, các nước láng giềng, nằm trong vùng ảnh hưởng của Ấn Độ mới được cấp tín dụng. Ví dụ, quốc đảo Mauritius, với lực lượng không quân và hải quân trang bị bằng vũ khí Ấn Độ, đã được cấp hạn mức tín dụng để mua tàu tuần tra của Ấn Độ và máy bay trực thăng Dhruv.
Ấn Độ muốn mở rộng quan hệ quốc phòng với Việt Nam trong mua bán các trang thiết bị quân sự, mà trọng tâm là tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh BrahMos do liên doanh Ấn Độ - Nga hợp tác phát triển.
|
Ấn Độ mong muốn xuất khẩu tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos tới Việt Nam.
|
Các nguồn tin trong chính phủ Ấn Độ cho biết thêm, hạn mức tín dụng này là sự cụ thể hóa của mối quan hệ thân thiết giữa Việt Nam và Ấn Độ. Hiện đã có một hạn mức tín dụng 45 triệu USD cho một dự án nhà máy điện công suất 200MW, được xây dựng bởi BHEL, hay việc xuất khẩu siêu máy tính Param. Điều này mở đường cho sự thâm nhập sâu hơn của các doanh nghiệp Ấn Độ vào thị trường Việt Nam.
Các nguồn tin này cũng chỉ ra rằng Ấn Độ đang nỗ lực tăng cường mối quan hệ an ninh với tất cả các nước ở sườn phía đông. Đây là một trong những thành phần quan trọng của chính sách hướng Đông của Ấn Độ.
Hải quân Ấn Độ và lực lượng hải quân của một số nước Đông Nam Á đã liên tục tiến hành các cuộc tập trận. Không những thế, Hải quân Ấn Độ cũng tiến hành các cuộc tuần tra chung với Thái Lan và tổ chức tập trận chung với Singapore và Nhật Bản.
Vừa qua, thì biên đội tàu chiến đấu của Hải quân Ấn Độ đã có chuyến viếng thăm tới Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác. Đặc biệt, đội tàu của Ấn Độ đã có cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển với Việt Nam.