|
Trung Quốc là nước duy nhất có tới 16 điểm nóng ô nhiễm tồi tệ nhất thế giới. |
Trung Quốc là nước có tới 16 điểm nóng ô nhiễm tồi tệ nhất thế giới, gây ra nhiều tác hại tiêu cực, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Dân thành thị Trung Quốc ngày càng “nghẹt thở” vì tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề ở các thành phố lớn như Bắc Kinh. Trên thực tế, ô nhiễm không khí đã gây ra 1,2 triệu ca tử vong ở Trung Quốc trong năm 2010. Điều này cũng buộc các bậc cha mẹ phải đau đầu lựa chọn một giải pháp để bảo vệ con cái trước hiểm họa chết người.
Ô nhiễm môi trường đã làm tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn ở Trung Quốc gia tăng đáng kể trong 20 năm qua. Theo ước tính, 5 năm qua, tỷ lệ mắc hen suyễn ở Trung Quốc đã tăng 40% và đang tiếp tục leo cao.
|
Trong vòng 5 năm qua, tỷ lệ mắc hen suyễn ở Trung Quốc đã tăng 40% và đang tiếp tục leo cao. |
Hen suyễn hiện là căn bệnh chết người, đang thịnh hành trong bệnh viện ở khắp các tình thành Trung Quốc với tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em rất cao. Theo Tiến sĩ Qian Qian Sun, một bác sĩ nhi khoa làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Binzhou của tỉnh Sơn Đông, những gia đình có người mắc bệnh hen suyễn vì ô nhiễm không khí thường cố gắng để chuyển nhà tới những khu vực cách xa các nhà máy.
Thậm chí, các gia đình khác còn chọn những biện pháp cực đoan hơn như chuyển nhà ra nước ngoài sinh sống. Trong đó, trường hợp đang làm nóng các cuộc thảo luận trên truyền thông Trung Quốc là câu chuyện về một bà mẹ trẻ có cậu con trai nhỏ mắc chứng hen suyễn do ô nhiễm không khí phải chuyển nhà tới 3 thành phố khác nhau nhưng tình trạng bệnh của bé vẫn không thuyên giảm. Cuối cùng, người mẹ buộc phải đưa con rời Trung Quốc để tới London vì cho rằng đây là biện pháp duy nhất để chữa bệnh hen suyễn cho con mình. Thông qua câu chuyện trên, nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc Nan Xiaoqi bày tỏ nỗi bức xúc về tình trạng ô nhiễm không khí bằng cách đăng thông điệp trên trang Sina Weibo: “Hãy đưa con ra nước ngoài nếu các bạn yêu thương chúng”.
Tuy nhiên, việc đưa con ra nước ngoài sống không phải là lựa chọn mà gia đình nào cũng có khả năng đáp ứng. Trung Quốc gần đây đã phê duyệt 10 biện pháp chống ô nhiễm môi trường để làm dịu cơn phẫn nộ từ dư luận và hạn chế sự hủy hoại môi trường. Song trên thực tế, cho dù được áp dụng và thực hiện nghiêm túc, các biện pháp trên vẫn khó để đạt hiệu quả tức thì. Do đó, trong những năm tới, dân thành thị Trung Quốc chắc chắn vẫn phải đối mặt với các nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe. Đồng thời, hàng triệu gia đình có con cái hoặc người thân mắc bệnh hen suyễn vì ô nhiễm không khí ở các thành phố bị ô nhiễm nặng nhất Trung Quốc vẫn đang phải chiến đấu để sống sót hàng ngày.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU