Xôn xao vì cúm A H7N9
Virus cúm A H7N9 được cho là chủng virus mới có nguồn gốc gen từ
virus cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng gây nhiễm cho người. Người bệnh lây cúm bị viêm phổi nặng và tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao.
|
Nhiều người sợ H7N9 nên không dám ăn thịt gà. |
Dù chưa phát hiện ở Việt Nam nhưng ngay sau khi được phát hiện loại chủng vi rút mới này lây lan nhanh chóng làm nhiều người mắc bệnh, nhiều đàn gia cầm chết ở Trung Quốc, người dân trong nước đã lo lắng trước nguy cơ lây lan dịch cúm A H7N9 dễ dàng từ Trung Quốc sang Việt Nam qua các loại gia cầm có nguồn gốc từ nước này.
Đặc biệt thông tin phát hiện hơn 100.000 con chim yến ở TP Phan Rang - Tháp Chàm chết không rõ nguyên nhân càng khiến nhiều người hoang mang hơn trước nguy cơ lây nhiễm cúm A H7N9.
Theo ghi nhận của Kiến Thức, trong tuần vừa qua, ở nhiều khu dân cư, khu tập thể, một số khu chợ trên địa bàn Hà Nội, người dân đều bàn tán xôn xao và rất lo lắng về nguy cơ lây lan virus H7N9 tới gia đình mình.
Cô Nguyễn Thị Hoa, ở Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội nói: "Hai ngày hôm nay xem, đọc thông tin về cúm A H7N9 bùng phát và lây lan nhanh ở Trung Quốc, tôi rất lo sợ. Các loại
gà, vịt gia cầm được bán ở Việt Nam không ít có nguồn gốc từ Trung Quốc, có nhiều gà còn được nhập lậu nguồn gốc không rõ ràng, tôi chỉ sợ chẳng mấy mà lây lan sang cả gà sạch Việt Nam ấy chứ".
Cô Hoa cho biết thêm: "Không chỉ nhà tôi, bây giờ ra chợ, đầu đường ngõ xóm ở đâu chẳng xôn xao lên vì H7N9. Thôi an toàn là trên hết, giờ nhịn ăn thịt gà thôi, ra chợ giờ vang thau lẫn lộn, gà Trung Quốc người ta quảng cáo là gà quê, ăn vào rồi mang bệnh lúc nào không biết. Tôi thấy bảo H7N9 còn nguy hiểm, nhanh chết hơn H5N1 cơ mà".
Chung lo lắng giống cô Hoa, chị Trần Minh Ngọc 28 tuổi ở Ngõ 275 Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: "Chẳng biết bao giờ mới hết lo, trước là H5N1, giờ lại H7N9 còn nguy hiểm hơn nữa. Hơn tuần nay, nhà tôi và cả mấy nhà xung quanh không dám ăn thịt gà ngoài chợ, chỉ sợ mua phải gà Trung Quốc chẳng may mang mầm bệnh thì chết. Nếu thèm quá thì đành chịu khó phi xe máy về quê mua gà quê hoặc bắt mấy con gà nhà làm sạch cho vào tủ lạnh ăn dần thôi".
Chú ý khi ăn uống để không nhiễm H7N9
- Chỉ ăn thịt, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm được nấu chín kỹ.
- Chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc và đã được kiểm dịch không bị bệnh.
- Không ăn tiết canh.
- Không làm thịt và ăn các loại gia cầm ốm, chết.
|
Còn theo chị Hoàng Thu Trang ở tập thể D6 Giảng Võ tâm sự: "Gia đình tôi rất thích ăn thịt gà, nhất là gà rán nên tôi vẫn tìm mua thịt gà về rán cho con ăn. Giờ thì vẫn mua ở mấy nhà quen nhưng quả thật cũng không yên tâm lắm. Vì mình mắt thường làm sao phân biệt được gà lành hay gà bệnh. Ăn thì ăn đấy, nhưng vừa ăn vừa sợ ăn xong lại đi viện thì khổ...Nhưng vì thích nên nhiều khi cứ phải liều".
Nhiều bà nội trợ khác cũng hoang mang lo lắng vì nguy cơ lây bệnh cho gia đình mình từ món ăn khoái khẩu hàng ngày là thịt gà. Tâm lý này khiến cho các hàng gà, vịt, gia cầm ở nhiều chợ rơi vào cảnh ế ẩm.
Gà, vịt ế ẩm vì bị tẩy chay
Theo khảo sát của Kiến Thức, tại chợ Thành Công, chợ Khương Trung và chợ Nghĩa Tân, khi được hỏi thì nhiều người dân đã lắc đầu không ăn, không mua thịt gà vì sợ dịch cúm A H7N9. Nhiều hàng bán gà công nghiệp, gà sống ế ẩm vì người mua sợ dịch.
Chị Bình ở Thanh Oai, Hà Nội - một chủ buôn gà ở chợ Khương Trung cho biết: "Khoảng một tuần nay, gà, vịt bán chậm lắm, thỉnh thoảng mới có người mua, người ta sợ dịch nên không dám ăn".
Cũng theo một số lái buôn gà trong khoảng 1 tuần vừa qua, giá gà cũng hạ nhiều so với trước nhưng vẫn bị ế ẩm.
Để giải tỏa tâm lý hoang mang cho người dân, bác sĩ thú y Nguyễn Qúy Thạch nói: "Hiện nay, ở Việt Nam chưa phát hiện loại virus H7N9 nên các loại thịt gà, gia cầm khác như vịt, ngan ngỗng vẫn còn khá an toàn và có thể sử dụng bình thường.
Tuy nhiên người dân vẫn có thể thực hiện một số biện pháp để tránh lây lan cúm hoặc mua phải gia cầm bệnh. Người tiêu dùng nên biết cách chọn
gia cầm khỏe, được nuôi tại Việt Nam, hoặc mua những loại gà, gia cầm mình biết rõ nguồn gốc.
Khi chọn gà ngoài chợ, nên đứng xa rồi mới lại gần. Vì nhìn từ xa, thấy gà mở mắt, mắt sáng thường là gà khỏe. Lại gần, người bán gà khua tay hoặc rung lồng thì gà sẽ mở mắt nên không thể phân biệt rõ được. Khi lại gần, sờ diều gà không quá no, quá đói, phân gà như con ốc, mào phải đỏ, dựng, ngực chắc, không có tiếng khò khè. Lông gà càng vàng, càng sáng thì da vàng và là gà ngon.
Thông thường, gà nhập lậu từ Trung Quốc thường là loại gà đã đẻ nhiều nên có thể nhìn vào một số dấu hiệu sau để tránh: Gà càng đẻ nhiều thì càng béo, nhiều thịt nạc, lông rụng, không mượt, cựa dài, hậu môn to. Đặc biệt mào ngả sang bên, chân khô, mốc. Vì gà đẻ hay mổ nhau nên người nuôi thường cắt bớt mỏ. Vì vậy, gà đẻ nhiều có mỏ ngắn, không nhọn, quặp. Gà cũng không nhanh nhẹn, lông thường xơ xác".
Trước nguy cơ dịch cúm A H7N9 lây lan trên diện rộng và đặc biệt có thể lây lan sang cả Việt Nam trong thời gian tới vì thế để ngăn chặn tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm ngăn chặn cúm H7N9 lây lan từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Trước mắt, để chặn virus cúm A/H7N9 từ phía biên giới Việt – Trung, Bộ NN – PTNN yêu cầu các tỉnh, thành nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới các tỉnh phía Bắc, bao gồm cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Các đơn vị liên quan cần giám sát chặt chẽ tại các thôn, bản, khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.
Người dân cần sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuyệt đối không vận chuyển, buôn bán, sử dụng động vật (lợn, gia cầm) ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc.
|
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU