Petrolimex liên tiếp dính “phốt“

Google News

(Kiến Thức) - Thời gian gần đây, có rất nhiều thông tin bất lợi về Petrolimex nhưng công ty này đều lên tiếng thanh minh.

Mới đây, trong buổi họp công bố báo cáo kiểm toán năm 2012 vào sáng 25/7, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho biết, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là một trong số các tập đoàn, tổng công ty nằm trong danh sách được kiểm toán năm 2012. Tuy nhiên trong quá trình kiểm tra, cơ quan này phát hiện Petrolimex đã áp dụng tỷ giá của Vietcombank để tính giá cơ sở, không sử dụng tỷ giá bình quân của các ngân hàng thương mại mà thương nhân đầu mối giao dịch theo quy định tại Nghị định 84.
Ông Lê Minh Khái nói, việc áp dụng tỷ giá của Vietcombank mang về cho Petrolimex một khoản chênh lệch, tuy không nhiều nhưng cũng là không đúng quy định của Nhà nước.
Một cửa hàng của Petrolimex. Ảnh: VnEconomy
Liên quan đến một số tồn tại của Petrolimex, Kiểm toán Nhà nước cho biết, mặc dù là đơn vị duy nhất trong số các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán trong năm 2012 hoàn thành cổ phần hoá, song tập đoàn này lại xác định giá trị vốn nhà nước chưa đúng quy định trong quá trình cổ phần hoá. Cụ thể, Petrolimex đã phản ánh chênh lệch do đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính vào chênh lệch đánh giá lại tài sản không đúng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, định giá lại khoản đầu tư tại Công ty Cổ phần Hoá dầu thiếu 84,9 tỷ đồng. Công ty mẹ Petrolimex cũng chậm nộp tiền thu từ cổ phần hoá là 18,23 tỷ đồng. Tập đoàn này cũng có tên trong nhóm các doanh nghiệp đầu tư vốn và sử dụng vốn nhưng không bảo toàn được vốn.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, qua rà soát tiền lương, cơ quan này phát hiện việc giao đơn giá tiền lương và phân phối quỹ tiền lương giữa các đơn vị trong tập đoàn, tổng công ty và giữa các bộ phận trong đơn vị còn chưa hợp lý, chưa tương xứng với hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Trong đó, tại Petrolimex, công ty mẹ và các công ty con 100% vốn xây dựng đơn giá tiền lương chung cho khối kinh doanh xăng dầu, sau đó tập đoàn giao đơn giá tiền lương cho các đơn vị trên cơ sở đơn giá tiền lương tổng hợp, không xây dựng, quyết toán đơn giá tiền lương riêng.
Trả lời báo chí hồi cuối năm 2012, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, cho biết mình đang được hưởng lương 40 triệu đồng/tháng, còn Chủ tịch HĐQT Petrolimex lương 58 triệu đồng/tháng, Ủy viên hội đồng thành viên là 42 triệu đồng/tháng, Trưởng ban kiểm soát 41 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước, năm 2011, Petrolimex đã kinh doanh thua lỗ 1.671 tỷ đồng.
Như vậy, mặc dù kinh doanh thua lỗ nhưng lãnh đạo tập đoàn vẫn hưởng mức lương cao. Nhưng theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Lý do chính là bởi Petrolimex tham gia bình ổn thị trường giá xăng dầu và mức lương trả cho các cấp lãnh đạo cũng đã được Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội phê duyệt.
Đây cũng là một trong những bất cập về cơ chế tiền lương, đặc biệt là cho các cấp lãnh đạo, các đơn vị, theo Kiểm toán Việt Nam.
 Trụ sở Petrolimex tại Hà Nội. Ảnh: Petrolimex
Đây không phải lần đầu trong thời gian gần đây Petrolimex bị "chỉ trích". Trước đó, Petrolimex cũng đã phải gửi thông tin phản hồi về một số nội dung liên quan tới tập đoàn được báo chí đăng tải.
Về thông tin "Dẫn đầu về lỗ vẫn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với 1.671 tỷ đồng" nêu trên vneconomy.vn ngày 21/5/2013, Petrolimex khẳng định hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2011 của Petrolimex lỗ 2.358.770 triệu đồng là do Petrolimex thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Các hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực khác được thực hiện theo cơ chế thị trường, Petrolimex đều có lãi (năm 2011, lãi 841.291 triệu đồng). Vì vậy, từ thực tế điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu của Chính phủ trong năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị với "Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét giải quyết số lỗ kinh doanh xăng dầu tồn đọng, bù đắp lại những chi phí hợp lý do Petrolimex tham gia bình ổn giá, bình ổn thị trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước".
Đối với thông tin "Petrolimex lộ sai phạm trong việc tính giá xăng dầu" và "Petrolimex ăn gian trong cách tính giá xăng", Petrolimex cho biết kể từ thời điểm Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của chính phủ về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chỉ thực sự được quyết định giá bán trong khoảng thời gian 3 tháng đầu năm 2010. Sau đó, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp theo xu hướng tăng, vì vậy để đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; giá bán xăng dầu trong nước đều do Liên Bộ Tài chính - Công thương quyết định.
Vì vậy không có chuyện Petrolimex "sai phạm" và "ăn gian" trong cách tính giá xăng như 2 bài báo đăng tải trên báo điện từ http://baodatviet.vn ngày 22/5 và 28/5/2013. Petrolimex khẳng định là từ năm 2011 cho tới nay giá bán xăng dầu trên thị trường do Liên Bộ Tài chính - Công thương tính toán và quyết định. Giá cơ sở theo Nghị định 84 do các doanh nghiệp tự tính toán chỉ mang ý nghĩa tham chiếu phục vụ cho quản trị nội bộ không liên quan gì tới việc tổ chức hạch toán cũng như giá bán xăng dầu trên thị trường.
Đối với khoản tiền 807 tỷ đồng về quyền sử dụng đất, Petrolimex cho biết, trong phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, Petrolimex đã báo cáo Bộ Công thương, Ban chỉ đạo cổ phần hóa Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (nay là Petrolimex) để trình Thủ tướng Chính phủ chuyển các vị trí đất hiện tại đang sử dụng làm trụ sở làm việc của Petrolimex và các đơn vị kinh doanh xăng dầu thành viên thuộc đối tượng cổ phần hóa từ hình thức thuê đát trả tiền hàng năm sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất (thu tiền 1 lần).
Sau khi phương án cổ phần hóa và cơ cấu lại Petrolimex được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đơn vị thành viên của Petrolimex đã tích cực làm việc với chính quyền đại phương để hoàn thiện thủ tục chuyển đổi từ hình thức thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất, song đến thời điểm hiện tại cũng mới chỉ chuyển đổi được một số vị trí đất của Công ty Xăng dầu Lào Cai, Trà Vinh, Tuyên Quang và các đơn vị này đã thực hiện nộp tiền ngay theo thông báo của cơ quan tài chính tỉnh/thành phố. Còn lại, đa số các diện tích đất văn phòng chưa được chuyển đổi theo phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa do UBND tỉnh/thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện phương án thuê đất hoặc UBND tỉnh/thành phố không/chưa trả lời. Trong thời gian chưa thực hiện được việc chuyển đổi, Petrolimex vẫn phải tiếp tục nộp tiền thuê đất hàng năm theo thông báo của cơ quan thuế địa phương.
Từ thực tế trên, trong hồ sơ quyết toán cổ phần hóa đã được Petrolimex báo cáo Ban chỉ đạo cổ phần hóa về những vướng mắc này, đồng thời kiến nghị trong trường hợp UBND tỉnh/thành phố không chấp thuận cho Petrolimex chuyển đổi từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang giao đất có thu tiền sử dụng đất (trả tiền một lần) như phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt thì Petrolimex đề nghị điều chỉnh lại phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa.
Như vậy, căn cứ tình hình thực hiện thực tế, Petrolimex khẳng định mình không nợ ngân sách Nhà nước số tiền 807 tỷ đồng về quyền sử dụng đất như báo chí đã đưa tin.
Hải Sơn (Tổng hợp)

Bình luận(0)