Nhân viên FPT và những “điếu văn” dị thường, gây sốc

Google News

(Kiến Thức) - Vui vẻ, hài hước, hóm hỉnh, thân thiết... là những tính từ để nói về văn hóa doanh nghiệp kỳ cục và độc đáo ở Tập đoàn FPT.

Viết "cáo phó" tiễn sếp... lên chức
Mới đây, một đoạn clip dài hơn 9 phút đăng tải trên YouTube và được chia sẻ trên nhiều mạng xã hội với nội dung nói về việc bổ nhiệm ông Dương Dũng Triều - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) làm Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT phụ trách toàn cầu hóa. Đoạn clip nhanh chóng thu hút rất nhiều sự quan tâm của các thành viên mạng.
Điều đặc biệt, ngôn từ trong clip được xây dựng theo đúng mô típ cáo phó nhưng ẩn chứa sự hài hước, hóm hỉnh, khiến người xem không thể không bật cười. Hơn nữa, cách diễn tả cảm xúc qua khuôn mặt của người đóng vai "biên tập viên" cũng khiến người xem cảm thấy thú vị.
Clip có 3 nội dung chính gồm: thông cáo, tiểu sử ông Dương Dũng Triều và phỏng vấn một số nhân viên Công ty FPT IS. Phần đầu của clip có đoạn: "Vô cùng buồn bã báo tin anh Dương Dũng Triều, bí danh Triều Cái, nguyên ủy viên Hội đồng thành viên Công ty Hệ thống thông tin FPT, nguyên Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT, Đoàn viên Công đoàn FPT từ khóa 1 đến nay, do tuổi trẻ, tài cao, lại gặp phải thời luân chuyển lãnh đạo. Mặc dù đã được tập thể lãnh đạo cán bộ nhân viên tình nguyện khuyên bảo, níu giữ, anh đã phải điều chuyển làm Phó tổng giám đốc FPT phụ trách toàn cầu hóa vào hồi 11h11 ngày 28/4/2014, tức ngày 29/3 năm Giáp Ngọ khi vừa tròn 41 tuổi. Phòng làm việc của anh được đặt tại tầng 13 tòa nhà FPT, phố Duy Tân, Hà Nội. Đây là một tổn thất lớn đối với toàn thể cán bộ, nhân viên Công ty Hệ thống thông tin FPT. Để tỏ lòng tri ân đối với anh Dương Dũng Triều, Hội đồng thành viên Công ty Hệ thống thông tin FPT, Ban Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT, Ban chấp hành Công đoàn Công ty Hệ thống thông tin FPT quyết định tổ chức tiệc chia tay anh Dương Dũng Triều với nghi thức đại lễ...".
Sau khi hết thông cáo là phần giới thiệu tiểu sử của ông Dương Dũng Triều. Trong phần này cũng có những đoạn hài hước như: "Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, đất nước được hòa bình thống nhất, cuộc sống người dân dần được cải thiện. Ngay từ khi 2 tuổi, anh đã trót đi học tại trường mẫu giáo mầm non 20-11. Sau 4 năm học, nhờ tư chất thông minh, anh đã tốt nghiệp xuất sắc ngôi trường danh tiếng này với hàng trăm phiếu bé ngoan"... "Tháng 1/2000, khi cả thế giới hân hoan bước vào thiên niên kỷ mới, anh lạnh lùng cưới vợ. Trong 10 năm tiếp theo, vợ chồng anh đã sinh liên tục được 3 người con, vượt 150% kế hoạch và xuất sắc đạt tỷ lệ 100% nữ giới".
Trong phần phỏng vấn nhân viên, nhiều người cũng gửi lời chúc cho vị sếp của yêu quý mình: "Chúc anh Dương Dũng Triều đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp toàn cầu hóa FPT"...
Tổ chức đám cưới như "lễ truy điệu" cho sếp
Đến bây giờ, người ta vẫn truyền tụng về một đám cưới độc nhất vô nhị Việt Nam ở Tập đoàn FPT giữa bà Chu Thị Thanh Hà lúc đó là Phó tổng giám đốc FPT và ông Lê Thế Hùng (biệt danh Hùng râu) - một trong những người sáng lập FPT.
Đám cưới được chính FPT tổ chức theo phong cách của thời bao cấp, mọi người đi dự đều phải góp một món quà tinh thần nào đó. Người thì hát hò, người thì nhảy múa, tấu hài, chúc tụng... rất vui nhộn. Đặc biệt, bài hát "Hùng râu (tức ông Lê Thế Hùng) yêu ai" luôn được các nhân viên FPT cất lên, thậm chí cho đến giờ ông Hùng vẫn thuộc bài hát này.
 Bà Chu Thị Thanh Hà.
Đám cưới được tổ chức vào tháng 10/1995 trên một chiếc thuyền rồng trên Hồ Tây. Khoảng 40 - 50 quan khách chen chúc trên chiếc thuyền bồng bềnh giữa hồ. Vì thuyền rồng không đủ chỗ nên nhiều người FPT phải thuê thuyền chèo bám xung quanh để dự thính, trông cứ như một lễ hội trên sông nước.
Đám cưới của ông Hùng và bà Hà được dân FPT ví von là "Lễ truy điệu Hùng râu khỏi cõi trai tơ" và chú rể còn được FPT trao tặng "huân chương cao cả" vì sự nghiệp "duy trì giống nòi", bởi lâu nay Hùng râu có tiếng "trơ như sắt đá" trước chị em phụ nữ dù đã ngoài tuổi băm.
Mở đầu lễ cưới là nhạc quốc ca và công ty ca, đồng thời tàu rồng kéo còi "ai oán". Sau đó là lần lượt các màn "nghi lễ tiễn đưa" Hùng râu khỏi cõi trai tơ do dân FPT đạo diễn bao gồm: đọc cáo phó, thuật lại cuộc đời thân thế sự nghiệp của Hùng râu, điếu văn và văn tế...
Trong điếu văn nói về Hùng râu có nhiều đoạn khiến người nghe phải cười nghiêng ngả: "Tiếc lắm thay, trong hơn 7 năm tung hoành cõi trai tơ, coi sếp như trẻ thơ, chị em như cục gỗ...". Sau bài điếu văn, toàn bộ nhân viên FPT hướng về phía cô dâu Thanh Hà và hô to khẩu hiệu "Đã là vợ phải là vợ Hùng râu!".
Được biết, Chủ tịch của FPT ông Trương Gia Bình cũng tham dự lễ cưới độc đáo này với những món quà rất máu lửa dành tặng cô dâu chú rể.
Nhân viên hùa nhau đòi sếp tiền thưởng Tết
Một đoạn clip hài hước của nhân viên FPT về việc thưởng Tết cũng từng làm điên đảo cộng đồng mạng. Tuy xuất hiện cách đây vài năm, nhưng clip "Thưởng tết em đâu sếp" vẫn được cư dân mạng khai quật và chia sẻ với tốc độ chóng mặt vào dịp Tết 2014.
Clip có ca từ hài hước dựa trên nền nhạc của bài hát Obladi Oblada của ban nhạc nổi tiếng The Beatles, do "giáo sư" Cù Trọng Xoay (Đinh Tiến Dũng) và nhóm nhân viên FPT thực hiện. Clip được Đinh Tiến Dũng cùng đồng nghiệp thể hiện trong chương trình Người đương thời Xuân năm 2011 và sau đó không lâu những ngôn từ này lại được thể hiện qua clip vui nhộn.
Clip đề cập đến chuyện thưởng Tết với ngôn từ và hình ảnh khá hóm hỉnh: "Năm qua em luôn chăm ngoan và nhiệt tình cống hiến, dẫu sức ép lớn mấy cũng không thấy phiền. Em nghe đâu công ty năm qua làm ăn có lãi, cớ sao bây giờ chúng em mong chờ vẫn chưa thấy tiền. Một năm qua làm như trâu thưởng em đâu sếp, sắp Tết rồi vẫn chưa thấy tiền...".
Đặc biệt, ngoài "giáo sư" Cù Trọng Xoay thì Chủ tịch của tập đoàn FPT Trương Gia Bình cũng xuất hiện trong clip vui nhộn này.
Diên Lệ (tổng hợp)

Bình luận(0)