Mối nguy khôn lường ít biết khi mua rau ngót lá xoăn

Google News

(Kiến Thức) - Các chuyên gia cảnh báo, các bà nội trợ phải thận trọng mỗi khi lựa chọn và mua rau ngót xoăn lá cho bữa ăn.

Rau ngót hợp sở thích của nhiều người khi chế biến thành những món canh ngon, bổ trong ngày hè oi bức. Tâm lý chị em nội trợ thường chọn mua rau ngót lá xoăn, già, vì cho rằng không bị phun thuốc. Các chuyên gia cảnh báo, thực tế không hoàn toàn đúng, bởi còn nhiều nguyên nhân khiến lá rau ngót bị xoăn, chị em phải thận trọng khi mua rau ăn.
Nước canh rau ngót đen ngòm 
Hơn 4 giờ chiều, hàng chục xe rau củ quả các loại nối đuôi nhau tập trung ở cổng chợ căn cứ 26 (quận Gò Vấp, TPHCM), những tấm nilon được trải sơ sài xuống nền đường để xếp rau, bắt đầu phiên chợ tối tấp nập người mua bán. Riêng hàng rau ngót quầy nào cũng bán loại lá xoăn, dầy, xanh đen. 
Chị Phạm Thị Hằng (quê Nam Định) chủ một hàng bán rau ngót, mời chào: “Rau ngót hàng em lá xoăn, già thế này không bị phun thuốc đâu! Em trồng nhà vườn ở quận 12, huyện Bình Chánh”. Phía trong chợ căn cứ 26 cũng bạt ngàn rau ngót lá vừa nhỏ vừa xoăn, hàng nào cũng giới thiệu rau vườn chính hiệu, 10.000 đồng chỉ được vài cọng rau. Bà Nguyễn Ngọc Thúy (ngụ tại chợ căn cứ 26) phàn nàn: “Hôm qua tôi nấu canh rau ngót lá xoăn, cũng giới thiệu là rau vườn nhà, khi nấu xong nước canh đen ngòm, cả nhà không ai dám ăn”.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Trưởng Bộ môn Nông hóa Thổ nhưỡng, trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho rằng, đừng tưởng rau ngót lá xoăn là không bị phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Rau ngót là loại thực vật dễ trồng, kháng bệnh tốt. Tuy nhiên, trong quá trình chăm bón một số bệnh tấn công gây khô vằn, rệp trắng. Nếu áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc theo hướng sinh học bền vững, không quá lạm dụng thuốc hóa học thì rau ngót là cây mang lại giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao. Khi lá rau đã xoăn do virus dù có phun thuốc diệt sạch rầy lá vẫn xoăn. 
Mặt khác, việc phun thuốc BVTV phòng bệnh quá liều cũng gây xoăn lá. Nước canh rau ngót màu đen có thể rau còn tồn dư thuốc BVTV, bón phân hóa học quá nhiều, nguồn đất trồng, nước tưới rau không đảm bảo vệ sinh, nước kênh mương bị ô nhiễm kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen, mangan... đều có thể nhiễm vào lá. 
Dung nham rau ngot la xoan la khong  bi phun thuoc
 Rau ngót lá xoăn bán đầy tại chợ căn cứ 26, quận Gò Vấp, TPHCM.
Không loại trừ rau bị phun thuốc quá liều 
Cũng theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, các tiêu chí xác định rau an toàn là không nhiễm dư lượng thuốc BVTV, nitrat (do bón nhiều lân đạm), kim loại nặng (do nguồn tưới, đất trồng) và không có dư lượng vi sinh bám trên rau. Tuy nhiên, rau chứa kim loại nặng, dư lượng thuốc BVTV bằng mắt thường không thể phát hiện. Dư lượng nitrat có thể nhận biết như lá rau dày, xanh đậm hơn bình thường. Loại rau này rất mẫn cảm với thuốc diệt cỏ, ở nồng độ cao cũng làm cho lá xoăn lại.
Bà Nguyễn Thị Hòa, phụ trách Trạm Dịch vụ bảo vệ thực vật quận Bình Thạnh cũng cho rằng, có những loại thuốc BVTV nồng độ mạnh dạng nhũ dầu, khi phun quá liều cũng khiến lá rau cứng và xoăn lại, nhìn như rau già, đánh lừa người dùng. Ngoài ra, cây rau thiếu một vi lượng nào đó cũng làm cho lá xoăn, nhưng là xoăn nhẹ hơn do bị bệnh.
Chỉ có một số thuốc BVTV sử dụng được cho rau xanh có quy định bằng vạch màu xanh lá hoặc xanh dương đậm dưới nhãn chai/gói, thời gian cách ly ngắn, phân hủy nhanh, ít độc hại, nhưng nồng độ thuốc nhẹ nên hiệu quả lại không cao. Loại thuốc có vạch vàng dưới nhãn chai không được sử dụng cho rau xanh vì nó quá độc, yêu cầu thời gian cách ly dài, lượng tồn dư thuốc trong rau quá lớn. Song thực tế người trồng rau thấy loại sử dụng hiệu quả nhanh, mạnh là dùng, mà không lường được hậu quả gây độc hại sức khoẻ. 
Người trồng lại có xu hướng tăng liều sử dụng, ví dụ như 1 gói thuốc yêu cầu pha 8 lít nước, nhưng chỉ pha 4 lít, pha tổng hợp nhiều loại thuốc BVTV với nhau phun cho rau, như vậy thuốc dễ triệt tiêu lẫn nhau và bị quá liều. Mặt khác, đa số nhà vườn bón phân hóa học thúc rau củ quả nhanh thu hoạch, làm dư thừa lượng nitrat trong rau. “Có lần chúng tôi thử nghiệm phát hiện nhiều loại rau có lượng nitrat gấp hàng trăm lần mức cho phép. Khi ăn nhiều rau có hàm lượng nitrat cao triệu chứng dễ thấy là gây khó thở”, bà Nguyễn Thị Hòa cho hay.
Trước đây, nhà vườn diệt rầy, rệp cho rau ngót bằng phương pháp thủ công như thắp đèn, dùng chậu nước xà bông đặt ở bãi rau vào ban đêm, bướm sâu sẽ bay vào chậu bị dính cánh chết. Hiện thuốc diệt rầy, rệp có hàng trăm loại như comdagolt, carbenzim, padan, fastac… Những loại thuốc trên thường phải cách ly nhiều tuần. Nhưng với thời gian cách ly dài, nhà vườn khó có thể thực hiện đúng quy trình. Người mua nên chọn loại rau ngót lá mỏng nhưng cứng, màu xanh lá mạ, không nên mua lá dầy mềm, xanh sẫm. Nấu canh màu nước phải xanh nhạt, trong. Nếu nước canh rau ngót có màu đen thì không nên ăn.  
Bà Trần Thị Tình (chủ vườn tại Đức Trọng, Lâm Đồng) 
Hương Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)