Gặp ông chủ quán liều lĩnh “thịt” cá thần làm món nhậu

Google News

(Kiến Thức) - Khi định đưa cá thần về làm món nhậu ở nhà hàng, nhiều người thân can ngăn, nhân viên quán nghỉ việc vì sợ nhưng anh Việt vẫn quyết làm tới cùng.

Ông chủ thích của lạ, đồ độc
Thời gian gần đây, giới sành ăn ở Hà Nội xôn xao về một nhà hàng bán món nhậu là thịt “cá thần”, giống hệt cá ở suối “cá thần” Cẩm Lương (Thanh Hóa). Những tưởng lại là một câu chuyện thêu dệt nhưng đến khi tận mắt nhìn bể lúc nhúc “cá thần” ở nhà hàng Làng Vạn Chài (khu đô thị Văn Quán, Hà Đông) tôi mới tin là thật.
Anh Đỗ Hoàng Việt, chủ nhà hàng Làng Vạn Chài cho hay, anh đã “thịt” cá thần cả năm nay và hiện, nhà hàng anh ngày càng đắt khách cũng nhờ món nhậu lạ đời này.
Anh Việt cho biết, khi quyết định kinh doanh nhà hàng, anh mất khá nhiều thời gian suy nghĩ làm sao để nhà hàng mình phải khác lạ hơn các nơi khác. “Thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, muốn thành công không dễ, tôi nghĩ để thu hút khách, mình phải có gì đó thật độc, lạ, thật khác biệt mới được. Sau khi mày mò nghiên cứu, cuối cùng tôi quyết định đưa về 2 loại cá tiến vua là cá chiên và cá dầm xanh (cá thần), 2 loại gà tiến vua là Đông Tảo và chín cựa”, anh Việt nói.
 Ông chủ nhà hàng Đỗ Hoàng Việt và món cá thần gây xôn xao dư luận.
Ảnh: N.Đan.
Ban đầu, khi lựa cá dầm xanh anh cũng khá đắn đo bởi đây chính là giống cá thần ở suối cá thần tại Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Có khá nhiều những câu chuyện tâm linh kỳ lạ xung quanh loài cá này khiến người ta lo sợ, không dám ăn thịt, thậm chí người dân tại Cẩm Lương xem đây là loài cá thiêng, lập đền thờ cúng. Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu hơn, anh được biết cá dầm xanh hay cá thần, nhiều nơi còn gọi là cá bỗng thực tế không có độc tố gì. Đây là loài cá sống ở nguồn nước trong sạch, chậm lớn, thức ăn chủ yếu của chúng là rong rêu, lá cây nên thịt của loài cá này dai, thơm, ngọt thịt và đặc biệt không có vị tanh như những loại cá khác. Ở vùng Tây Bắc, cá thần còn là đặc sản, người dân nơi đây chỉ mổ thịt cá khi có sự kiện trọng đại như cưới con, giỗ chạp.
Sau khi tìm hiểu kỹ những thông tin về cá thần, anh Việt lập tức lên Tây Bắc để tìm nguồn cá nhập về Hà Nội. “Biết ý định của tôi, người thân trong nhà đều can ngăn, cả mẹ và vợ đều lo sợ yếu tố tâm linh nên cản tôi bằng được nhưng tôi chẳng sợ gì, nhà hàng mở ra không có khách tôi mới sợ nên tôi vẫn quyết đi tìm”, anh Việt cười nói.
Tìm được nguồn cá tại Hà Giang, đợt đầu tiên, anh nhập 20 con. Khi mới đưa cá thần về, một số nhân viên đang làm tại nhà hàng còn xin nghỉ việc vì sợ, khách cũng e ngại, không dám ăn nên chỉ có 20 con cá mà bán lay lắt cả tháng không hết. Sau đó nhờ ông chủ quán đích thân giới thiệu nguồn gốc cá, khách ăn thử, thấy ngon nên truyền tai nhau rồi lượng khách ăn cá thần cứ mỗi ngày một đông hơn. Đến thời điểm hiện tại cung không đủ cầu do khách đông mà việc mua bán cá từ trên Tây Bắc về rất khó khăn, nhiều khách hàng muốn ăn “cá thần” phải liên hệ đặt lịch trước với nhà hàng mới có thể thưởng thức món ăn kỳ lạ này.
Hiện mỗi đợt nhập cá thần, anh Việt nhập về cả tạ và mỗi lần đi lấy cá, ông chủ quán cũng phải đích thân đi mới được. “Loài cá này vốn sống ở vùng nước chảy, chỉ cần quên sục một thời gian ngắn là chết hết. Tính tôi vốn cẩn thận nên không dám giao cho nhân viên đi lấy hàng mà mỗi lần nhập lấy cá tôi đều đích thân đi tận Tây Bắc. Ngay cả việc nấu nướng tại nhà hàng, dù khách đông nhưng tôi vẫn giữ thói quen khách tới mới bắt đầu nấu món để món ăn được tươi, đảm bảo. Vì cách làm này mất thời gian nên nhiều người không hiểu, thấy phải chờ lâu, bỏ đi mất nhưng cũng nhờ cách làm này mà tôi vẫn giữ được lượng khách quen, trung thành dù quán ở vị trí khuất”, anh Việt cho hay.
 Anh Việt trong một lần đi "săn" cá thần ở Tây Bắc. Ảnh: NVCC.
Từng sống dở chết dở vì đất
Không chỉ đến khi mở nhà hàng, anh Việt mới dám liều khi cả gan làm thịt cá thần mà quãng thời gian trước đó anh cũng khiến nhiều người sốc khi từ bỏ vị trí cao ở một doanh nghiệp nhà nước để đặt cược với nghiệp buôn bán.
Xuất thân từ một kiến trúc sư, ban đầu, anh Việt vào làm tại một doanh nghiệp nhà nước có tiếng. Vài năm công tác tại đây, anh được bổ nhiệm một vị trí khá cao trong công ty rồi anh từng làm Hiệu trưởng một trường dạy nghề của  Công ty Traenco thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Sau 7 năm gắn bó với nhà nước, năm 2008, anh bỗng quyết định bỏ nghề dù thời điểm đó, vị trí của anh có không ít người thèm muốn. Bạn bè, người thân lại ra sức can ngăn nhưng không cản được cái máu “liều”. Anh Việt bắt đầu kinh doanh bất động sản và thắng lớn do buôn bán đất đúng thời điểm sốt.
“Khi đó, chỉ 1 ngày mà tôi kiếm được tới 3 tỷ đồng và cứ tưởng mình đang mơ bởi chưa bao giờ tôi dám nghĩ mình kiếm ra nhiều tiền như thế. Có thời điểm, trong tay tôi cầm hàng trăm cuốn sổ đỏ”, anh Việt nhớ lại.
Thành “đại gia” nhờ đất nhưng sau đó anh Việt cũng trắng tay vì đất. Khoảng thời gian từ 2012 đến 2013, khi thị trường bất động sản đóng băng, anh gần như mất tất cả và quyết định đổi hướng sang kinh doanh nhà hàng. Cũng nhờ máu liều, dám nghĩ, dám làm mà anh lại nhanh chóng thành công như hiện nay. Hiện anh Việt đang chuẩn bị mở thêm chi nhánh thứ 2 của nhà hàng Làng Vạn Chài.
Chia sẻ về bí quyết để thành công, anh Việt nói: “Theo tôi thì làm bất cứ nghề gì cũng phải kiên trì, tập trung toàn bộ trí, sức lực, bại không được nản. Và quan trọng nhất là làm gì cũng phải có đạo đức nghề nghiệp”.
Nguyên Đan

Bình luận(0)