Ép giá gỗ bóc, thương lái Trung Quốc mưu toan gì?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều hộ dân làm nghề bóc gỗ ở Yên Bái, Lào Cai lâm vào cảnh khốn đốn vì bị thương lái Trung Quốc đột ngột ép giá xuống thấp.

Ép giá đột ngột
Trước đây, nhiều người khi đến khu vực Yên Bái, Lào Cai... thường thấy cảnh những hàng gỗ bóc phơi la liệt ven đường chạy dài tít tắp theo những trục đường lớn nhỏ, những mô đất trống... Nhưng nay, cảnh tấp nập đó không còn nữa vì người dân không dám tiếp tục bóc gỗ vì sợ thua lỗ, hoặc làm cầm chừng để thanh lý các hợp đồng trước tháng 5/2014.
Theo phản ánh của các hộ dân bóc gỗ ở Yên Bái thì từ ngày 1/5 thương lái Trung Quốc bất ngờ thông báo giảm giá thu mua gỗ bóc đối với các chủng loại gỗ keo, bồ đề, bạch đàn. Cụ thể, gỗ keo giảm từ 1,1 triệu đồng xuống còn 1 triệu đồng hoặc 900.000đ/m3, bạch đàn giảm từ 1,2 triệu đồng xuống còn 1,1 triệu đồng/m3, bồ đề giảm từ 1,3 triệu đồng xuống còn 1,1 triệu đồng/m3. Việc giảm giá bất ngờ này gây thiệt hại nặng nề cho hàng ngàn hộ dân làm nghề bóc gỗ.
Chị Bùi Thị Dung, một chủ xưởng bóc gỗ ở xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái không giấu nổi sự giận giữ bảo: "Thương lái Trung Quốc giảm giá đột ngột mà không thông báo trước, trong khi đó, gần như toàn bộ các hộ dân làm nghề bóc gỗ tại địa phương đã đặt mua gỗ của các chủ rừng với giá cao (bạch đàn 1,3 triệu đồng, keo 1,1 triệu đồng, bồ đề 1,2 triệu đồng/m3) dẫn tới việc lỗ đậm. Trung bình mỗi mét khối gỗ các loại người dân lỗ trên 100.000đ. 
Không những thế, các chủ xưởng như chúng tôi phải chi tiền thuê 6 - 10 công nhân làm việc với tiền lương mỗi tháng 3 - 4 triệu đồng/tháng. Nếu đem con số này nhân với khối lượng gỗ phải bù lỗ thì mỗi hộ chúng tôi thua thiệt hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng một tháng".
Chỉ có lác đác vài hộ dân mở rộng thị trường xuất khẩu sang Ấn Độ hoặc có nguồn nguyên liệu giá rẻ đã mua trước đó còn hoạt động cầm chừng. 
Theo thống kê của chị Dung, chỉ tính trên địa bàn huyện Trấn Yên đã có tới hàng ngàn cơ sơ làm gỗ bóc. Cách đây gần hai tháng, những chủ xưởng này phải cạnh tranh nhau mua nguyên liệu gỗ từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Có người còn đặt tiền trước để mua hàng chục héc ta rừng keo, bạch đàn với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Số tiền tỷ đem rải vào rừng đó do họ đi vay ngân hàng mà có. 
Chính vì thế nên khi bị thương lái Trung Quốc ép giá, nhiều người đã rơi vào cảnh khóc dở mếu dở. Nếu tiếp tục bóc gỗ thì phải chịu lỗ đậm, nếu không hoạt động để đợi giá gỗ tăng trở lại hoặc tìm đối tác khác thì số tiền lãi phải trả ngân hàng cũng rất lớn, trong khi chưa biết đến bao giờ giá gỗ mới tăng lại như cũ. Thậm chí, giá mặt hàng này tiếp tục giảm thì chủ xưởng bóc gỗ có khi phải bán nhà trả nợ.
Nhiều xưởng bóc gỗ ở các tỉnh phía Bắc phải ngừng hoạt động vì thua lỗ. 
Nhiều cơ sở ngừng hoạt động
Trước việc bị thương lái ép giá, rất nhiều xưởng bóc gỗ đã phải "đắp chiếu" chờ giá lên mới tiếp tục hoạt động. Trên địa bàn huyện Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, tỉnh Yên Bái và Bảo Hà, tỉnh Lào Cai chỉ lác đác vài xưởng gỗ hoạt động cầm chừng.
Theo ông Nguyễn Vô Thường, chủ xưởng bóc gỗ ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái thì xưởng của ông tiếp tục hoạt động là do duy trì được mối xuất khẩu gỗ bồ đề, bạch đàn sang Ấn Độ. Cách đây gần 2 tháng, thị trường xuất khẩu gỗ của gia đình ông chủ yếu là Trung Quốc, còn Ấn Độ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Khi xảy ra khủng hoảng, thị trường Ấn Độ lại trở nên quan trọng và đảm bảo sự hoạt động. Mặc dù số lãi của thị trường này chỉ đủ bù đắp lại phần thua lỗ do thị trường Trung Quốc gây ra, nhưng trong thời điểm này hòa vốn đã là một thành công rồi. Những chủ xưởng bóc gỗ khác chỉ tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc khi xảy ra sự việc như hiện nay thì không kịp trở tay, dẫn đến thua lỗ, đóng cửa.
Cũng giống như ông Thường, để duy trì được hoạt động, gia đình chị Bùi Thị Dung đã tìm cách xuất khẩu gỗ bạch đàn, bồ đề sang Ấn Độ, mặc dù việc xuất khẩu sang thị trường này có nhiều khó khăn như phải vận chuyển sản phẩm xuống tận Hải Phòng rồi xuất theo đường thủy, chi phí vận chuyển cao hơn. Nhưng đổi lại đây là thị trường có uy tín, khi nâng - hạ giá sản phẩm họ thường thông báo trước để phía Việt Nam biết để có sự điều chỉnh giá cả phù hợp.
Gia đình chị Dung có tới 3 dây chuyền cưa, cắt, bóc gỗ, nhưng đến nay chỉ còn 1 dây chuyền hoạt động, còn lại phải "đắp chiếu" vì giá thu mua gỗ xuống thấp, nhiều chủ rừng không bán gỗ nên không có nguyên liệu sản xuất.
Các hộ dân làm nghề gỗ bóc lỗ đơn lỗ kép vì bị ép giá đột ngột. 
"Trên địa bàn xã Lương Thịnh có khoảng hàng chục xưởng bóc gỗ nhưng hiện chỉ còn duy nhất một mình xưởng của gia đình tôi còn hoạt động với một dây chuyền sản xuất, số còn lại phải đóng cửa vì sợ thua lỗ và một phần vì các chủ rừng không bán gỗ vì giá quá thấp", chị Dung cho biết.
Ông Thường tiết lộ: "Cách đây khoảng 1 năm, nhiều người dân thấy làm gỗ bóc lợi nhuận cao nên đã thi đua nhau mở các lò bóc gỗ, có nhà góp vốn lại với nhau mua hệ thống máy móc cắt, bóc gỗ trị giá 300 - 400 triệu đồng. Có hộ thế chấp cả nhà đất để mua dây chuyền bóc gỗ từ Trung Quốc, việc phát triển ồ ạt này đã dẫn đến hậu quả là phá vỡ thị trường gỗ bóc từ khâu cạnh tranh thu mua nguyên liệu bóc cho đến thị trường xuất khẩu. Nhiều gia đình thậm chí chưa hoàn được vốn thì nay lại lâm vào cảnh khốn đốn vì bị ép giá đến mức phải dừng hoạt động". 
"Hiện UBND tỉnh chưa nắm được thông tin về việc thương lái Trung Quốc đột ngột giảm giá thu mua gỗ bóc khiến người dân thua lỗ. Tỉnh sẽ tìm hiểu rõ sự việc và thông tin đến các cơ quan báo chí".
Ông Hoàng Xuân Nguyên (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái)
Quách Dương

Bình luận(0)