Siêu thị lớn cũng nhập nhèm tem nhãn sản phẩm

Google News

(Kiến Thức) - Một số khách hàng mua đồ điện tử tại các siêu thị lớn nhưng trên sản phẩm không có dán tem nhãn: nhà sản xuất, xuất xứ hàng hóa, nhà nhập khẩu...

Sợ "vỏ một nẻo, ruột một đường"

Chị Nguyễn Hiếu Châu ngụ tại phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TPHCM cho biết, vừa qua nhà chị tìm mua bếp gas âm của Electrolux tại siêu thị lớn trong thành phố (siêu thị Chợ Lớn và siêu thị điện máy Thiên Hòa, chi nhánh tại Thủ Đức, TPHCM). Chị Châu thắc mắc: "Bếp chỉ ghi các thông số về công suất, công dụng bếp nhưng tuyệt nhiên mặt trước, sau của sản phẩm và trên bảng giới thiệu sản phẩm của siêu thị cũng không thấy xuất xứ sản phẩm. Là người tiêu dùng chúng tôi muốn biết rõ nguồn gốc sản xuất sản phẩm, cho dù là hãng uy tín trên thị trường nhưng có thể sẽ được gia công, lắp ráp ở nhiều nước khác nhau và giá cả cũng khác nhau". 

Nhân viên bán hàng giới thiệu loại bếp này được sản xuất duy nhất tại Malaysia, giá bếp âm của hãng Electrolux có giá từ 4 - 6 triệu đồng/bếp. Đây chỉ là sự tư vấn của nhân viên nhằm bán được sản phẩm còn ở người tiêu dùng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng về thông tin chính thức. Chị Châu đồng ý mua hàng nhưng vẫn lo bị nhầm vì sợ "râu ông nọ cắm cằm bà kia" hoặc "vỏ một nẻo, ruột một đường". 

Bếp gas bày bán tại siêu thị được giới thiệu xuất xứ rất mù mờ. 

Ghi nhận thực tế tại siêu thị điện máy Thiên Hòa trên đường Quang Trung (Gò Vấp) cho thấy, mặt hàng bếp gas âm hiệu Electrolux loại 3 bếp giá từ 5 - 6 triệu đồng/bếp và hoàn toàn không có tem ghi xuất xứ trên sản phẩm. Nhân viên Triệu Minh, bán hàng điện máy tại siêu thị giới thiệu: "Thông tin sản phẩm có ghi trên thùng ở trong kho rồi. Thiên Hòa chỉ có loại bếp do Việt Nam lắp ráp, vì đây là hàng thương hiệu đã có logo của hãng, linh kiện của hãng, cùng mẫu mã chỉ khác là lắp ráp ở đâu nên không lo về chất lượng. Còn thông tin sản phẩm, mã vạch, xuất xứ in trên thùng đựng sản phẩm". 

Tại siêu thị điện máy Home one trên đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp) chúng tôi nhận được lời giới thiệu hoàn toàn khác về loại sản phẩm bếp gas âm này. Giá cũng từ 4,5 triệu đến hơn 6 triệu đồng/bếp, công nghệ Thụy Điển nhưng do Malaysia hoặc Indonesia lắp ráp chứ không phải hàng xuất xứ Trung Quốc và cũng không có của Việt Nam sản xuất. Nhân viên bán hàng Lê Thị Hoa cho rằng: "Đây là hàng có thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng nên không nhất thiết phải dán tem xuất xứ sản phẩm trên hàng bày bán! Mặt hàng này đa số chỉ có hàng lắp ráp tại các nước, còn hàng chính hãng sản xuất nhập về thì không bao giờ có".

Sản phẩm chỉ ghi thông tin xuất xứ trên vỏ hộp. 

Bắt buộc dán nhãn xuất xứ sản phẩm 

Chúng tôi đã liên hệ với trung tâm chăm sóc khách hàng Electrolux Việt Nam nhưng cũng nhận được câu trả lời không giống nhau của nhân viên ở đây. Nhân viên Trần Ngọc Cẩm Tú, phòng chăm sóc khách hàng và tư vấn thông tin về sản phẩm cho rằng: Electrolux hiện chỉ có hàng lắp ráp tại Malaysia hoặc Trung Quốc chứ không có sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam hay nước khác. Còn nhân viên Thủy Tiên cho rằng, sản phẩm của hãng sản xuất duy nhất ở Malaysia. Các thông tin về sản phẩm đều thể hiện rõ trên tem Electrolux dán dưới đáy bếp gas âm, có thông tin về model, số hiệu máy và những thông số quy định của công ty, xuất xứ sản phẩm. Khi mua hàng, nếu người tiêu dùng không thấy thông tin này trên tem thì phải hỏi đơn vị bán hàng sẽ tư vấn cho khách hàng.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ tịch Hội Chất lượng TPHCM, chỉ với mã vạch và model ghi trên nhãn sản phẩm không thể cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng. Hiện nay, hàng nhập khẩu của Việt Nam trong tình trạng "mờ ảo" về vấn đề này. Để đảm bảo uy tín của mình và quyền lợi người tiêu dùng, hãng sản xuất nên bắt buộc phải dán nhãn xuất xứ sản phẩm trên sản phẩm, chứ không thể căn cứ vào mã vạch, model hay xuất xứ chỉ ghi ngoài bao bì. 

Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa. Điều 11. Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hoá gồm: Tên hàng hoá, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá, xuất xứ hàng hoá. Hành vi vi phạm quy định về kích thước chữ, ngôn ngữ sử dụng, đơn vị đo lường, quảng cáo trên nhãn hàng hóa (Điều 24 Nghị định 54/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa) sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 4 triệu đồng tùy mức độ vi phạm... 
LS Nguyễn Thành Công (Văn phòng luật Đông Phương)

TIN BÀI LIÊN QUAN














BÀI ĐỌC NHIỀU



Quỳnh Hương

Bình luận(0)