Cách đây ít ngày, trên đường Tôn Đức Thắng gần ngã tư Nguyễn Thái Học, Hà Nội một chủ nhà hàng đã dùng chiêu tiếp thị con cá mập gần 100 kg ngay trên vỉa hè trước cửa hàng, khiến không ít người dùng xe lại vì tò mò.
Con cá mập dài 1,5m, có trọng lượng gần 100 kg được mua của những ngư dân vùng biển Hải Hậu (Nam Định). Theo chủ nhà hàng, nó sẽ được “xẻ” thịt bán cho thực khách trong hai ngày cuối tuần. Mỗi suất dành cho 6 người ăn có giá hơn 1,3 triệu đồng.
|
Cá mập sắp bị mổ |
Trước Tết, trên đoạn đường Kim Giang (Thanh Xuân - Hà Nội) xuất hiện một nhóm người đem hàng chục con cá sấu đổ ra ven đường rồi tiến hành giết mổ, lột da… khiến hàng trăm người dân đi đường hiếu kỳ dừng lại xem.
“Đặc sản thịt cá sấu” lại thu hút nhiều người đàn ông, thanh niên tò mò đứng xem, rồi mua thịt làm tắc cả một đoạn đường. Sau khi giết mổ phần thịt cá sấu được nhóm người này chặt từng khúc bán cho người tiêu dùng với giá bán từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng/kg.
|
Cá sấu lên thớt |
Theo lời giới thiệu của Tiến, một thanh nhiên trong nhóm bán thịt cá sấu cho biết, nếu mua chừng 1kg thịt cá sấu rồi đem về xào xả ớt, thêm cần tây, tỏi tây rồi bỏ muối, đường, hạt tiêu, mật ong, bột ngọt, dầu ăn… thì trở thành một món ăn rất ngon, bổ dưỡng, vì thịt cá sấu rất nạc.
Trước đó không lâu, một con ngựa bạch nặng hơn 2 tạ, bị cắt đầu, xẻ thịt bầy bán trên hè phố Lê Duẩn. Nhiều người đi đường thấy đám đông túm năm, tụm ba đã dừng lại xem, sau khi biết là giết thịt ngựa bạch đã vào mua thịt mang về. Giá thịt bán tại chỗ là 200.000 đồng/kg. Đến trưa cùng ngày, phần thịt con ngựa đã bán gần hết, phần xương được gia đình người giết mổ mang về nấu cao.
|
Xẻ thịt ngựa |
Không chỉ Hà Nội mà ngay tại nhiều thành phố khác, hiện tượng bán đặc sản vỉa hè cũng xuất hiện, đáng chú ý những loại động vật này lại nằm trong danh sách động vật quý cần được bảo vệ.
Tại Quy Nhơn, nhiều người dân đi đường không khỏi ngạc nhiên khi thấy 2 người đàn ông trạc tuổi trên 40 đang bày bán “thịt heo rừng” ngay bên đường Hùng Vương, đoạn thuộc phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn.
Bày bán heo rừng giữa phố, người thanh niên dùng bình gas mini làm lông ngay tại vỉa hè để bán cho khách. Theo ghi nhận, thịt heo đã được xẻ ra từng miếng nhỏ vẫn còn nguyên bộ lông đen dài, được giao bán với giá 250.000/kg. Không ít người thấy lạ nên tấp vào bên đường xem, trong số đó có người thấy thịt heo tươi ngon, sau khi hỏi han người bán về nguồn gốc đã không ngần ngại rút tiền ra mua.
|
Làm thịt heo rừng |
Tại TP.HCM, tuyến đường Xuyên Á đoạn đi qua địa phận huyện Hóc Môn và Củ Chi xuất hiện nhiều người rao bán trăn rừng tươi sống lẫn trăn đã được xẻ thịt. Dọc dài tuyến đường này, người ta bày những lồng trăn lộ thiên mời gọi kẻ lại người qua bằng tấm bảng tô đậm dòng chữ “bán trăn”, “bán thịt trăn”…
Qua tìm hiểu được biết, những con trăn tươi sống lẫn trăn bị xẻ thịt được rao bán trên tuyến đường Xuyên Á có nguồn gốc từ các hộ nuôi trăn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt tại 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau.
Đây là những con trăn già yếu, bị mắc những chứng bệnh khó chữa mà thương lái từ chối mua hoặc nếu có mua thì trả giá vô cùng rẻ nên các đầu nậu đã nảy sinh sáng kiến mang lên thành phố lớp xẻ thịt, lớp nhốt lồng phô giữa phố xá, rồi đơm đặt những tính năng chữa bệnh, làm đẹp nhiệm mầu để bán với giá cao cho những vị khách đi đường cả tin.
Ngay cả những động vật vào danh sách cấm cũng được bán trên vỉa hè. Chiều ngày 4/9/2012, tại chợ Cột 5, phường Hồng Hà, TP.Hạ Long (Quảng Ninh), cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt quả tang vụ bán thịt khỉ một cách công khai.
Tại cơ quan công an, người bán khai nhận đã mua 1 con khỉ đã chết có trọng lượng khoảng 9kg của một người đàn ông không rõ danh tính mang lên TP.Hạ Long bán thì bị phát hiện, thu giữ. Bà Síu cũng khai nhận đã nhiều lần mang thịt khỉ lên Hạ Long bán.
Dịp trước tết tại Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), xuất hiện một số nhóm người công khai bày bán thịt động vật với lời quảng cáo là thịt heo rừng, thịt nai rừng… thu hút nhiều người ghé mua. Thịt heo rừng, thịt nai rừng; giá mỗi loại dao động từ 200.000 đồng - 220.000 đồng/kg.
Chưa biết các loại động vật “rừng” này là thật hay giả, nhưng có vẻ vẫn rất nhiều người ưa thích ăn “đặc sản” và dễ tin lời để rồi góp phần “phá hoại” thiên nhiên cũng như không khéo lại rước bệnh vào người với những chiêu lừa đảo làm giả thịt thú rừng trong thời gian gần đây.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU