Giá thực phẩm đang nhảy lam-ba-đa

Google News

(Kiến Thức) - Chưa đầy tháng nữa tới Tết Nguyên Đán, các loại thực phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, trứng... đều tăng giá mạnh như "trêu ngươi" người tiêu dùng.

Ào ào tăng giá

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá thực phẩm đã bắt đầu tăng trở lại, trong đó thịt lợn hơi và gà ta, trứng gia cầm… tăng khoảng 15-20%. Tại miền Bắc, giá thịt lợn hơi xuất chuồng dao động từ 49.000-51.000 đồng/kg, giá gà ta tăng từ 110.000 đồng/kg lên 130.000 đồng/kg, thịt bò hơi có giá từ 65.000-70.000 đồng/kg, giá trứng gia cầm cũng tăng 5.000- 8.000 đồng/chục (trứng gà đỏ hiện ở mức 28.000- 30.000 đồng/chục, trứng vịt 30.000 - 33.000 đồng/chục, gà ta 35.000 - 36.000 đồng/chục).

 Giá thịt lợn sẽ tăng nhưng nguồn cung ổn định

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôm) Nguyễn Xuân Dương, so với tháng 12, hiện các loại thực phẩm thịt gia súc gia cầm và trứng đều tăng giá là do nhu cầu trong dịp Tết tăng hơn so với các tháng trước từ 10 đến 20%. 

Chủ nhiệm hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (Ứng Hòa) cho biết, từ nay đến Tết Nguyên Đán, giá thịt lợn cũng chỉ ở mức này, không tăng thêm nữa. Ông cũng cho biết, giá trứng tăng là do nhu cầu của các công ty sản xuất bánh kẹo trong nước mua về sản xuất hàng Tết. Từ nay đến Tết Nguyên Đán giá trứng cũng chỉ "đứng" ở mức hiện tại.

Trong các loại đồ uống thì bia có giá tăng mạnh nhất. Từ giữa tháng 1, giá bia đột ngột tăng. Giá bia 333 đã tăng từ 190.000 đồng một thùng lên 215.000 đồng mỗi thùng..

 Bia tăng giá đột ngột và một số loại khan hàng.

Bia của Sabeco tăng đã kéo các loại bia khác tăng theo như bia Tiger tăng khoảng 7%, bia Heineken mặc dù chưa tăng giá từ đầu nguồn nhưng tại các đại lý cũng đồng loạt nhích lên. Trung bình, giá bia các loại tăng thêm 10.000 – 15.000 đồng một thùng hoặc két. 

Hiện tại, một số siêu thị vắng bóng bia Heineken vì nhà cung cấp không giao hàng. Theo quản lý siêu thị Citimart Bình Thạnh (TP.HCM), rót hàng nhỏ giọt kiểu này, giá bia Heineken trên thị trường trước sau cũng sẽ tăng”.

Nhiều mặt hàng phục vụ Tết cũng đang nhích dần lên. Từ cuối tháng 12/2012, giá một số mặt hàng gia vị, dầu ăn… đã tăng 2% - 5%. 

 Giá mứt Tết cũng nhích dần lên.

Từ các chợ, các cửa hàng thực phẩm cũng như hệ thống siêu thị ở TPHCM, giá các loại thực phẩm khô và đặc sản dành cho tết cũng tăng giá từ 3 – 10% so với đầu tháng 12. Các loại hạt khô, mứt tết giá tăng thêm từ 5.000 - 30.000 đồng/kg. Cao giá nhất là hạt điều dao động từ 280.000 - 350.000 đồng/kg tùy loại lớn nhỏ, hạt sen sấy 340.000 đồng/kg, hạt dẻ: 300.000 đồng/kg. Ngay cả các loại hạt dưa, bí, hướng dương cũng tăng giá 5-10%, hiện ở mức 70.000 - 150.000 đồng/kg. Tương tự, các loại mứt dừa, bí, khoai, hạt sen... cũng tăng khoảng 10% so với năm trước, có giá từ 90.000 - 150.000 đồng/kg. 

Mặc dù Hà Nội đã qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhưng giá rau quả, thực phẩm ở các chợ vẫn tăng chóng mặt. Theo khảo sát, hầu hết rau xanh bán tại các chợ đều tăng giá khoảng 30% - 50% so với những ngày đầu tháng. 

 Rau củ quả tăng phi mã.

Cà chua tăng từ 20.000 lên 25.000đ/kg, khoai tây tăng 16.500 lên 18.000đ/kg, cải xanh tăng 25.000đ lên 27.000đ/kg, hành củ tươi từ 16.000đ lên 18.000đ/kg... Các loại rau ăn lá đã tăng thêm từ 3.000 – 5.000đ/kg. Ngay cả loại rau gia vị so với thời điểm tuần trước cũng tăng khoảng 20%. Theo một tiểu thương chợ Nam Đồng (quận Đống Đa), với đà này thì rau quả còn tiếp tục tăng do càng lúc càng khan hàng.

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sắp tới, dự báo tình hình thời tiết không quá khắc nghiệt, rau củ tại vườn sẽ phát triển trở lại nên giá có thể giảm.

Cơ quan chức năng vào cuộc bình ổn giá

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, từ nay đến Tết Nguyên Đán giá thực phẩm sẽ tăng nhưng nguồn cung khá dồi dào, đủ phục vụ cho nhu cầu người dân. 

Cục Chăn nuôi cho biết, về cơ bản nguồn cung thịt GSGC từ nay đến Tết đáp ứng đủ vì bình quân mỗi tháng cả nước vẫn sản xuất 250 - 260 nghìn tấn thịt các loại, trong đó thịt lợn là từ 220.000 đến 230.000 tấn/tháng, thịt gà từ 50.000 đến 60.000 tấn... Ngoài ra, các doanh nghiệp đã chủ động nguồn hàng để phục vụ thị trường.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện các bộ ngành đang nỗ lực triển khai các biện pháp kiềm chế, không để giá cả hàng hóa dịch vụ, nhất là các mặt hàng thiết yếu, tăng đột biến vào dịp Tết sắp tới. Bộ cũng chỉ đạo các địa phương phát triển đàn gia súc gia cầm, phòng chống dịch bệnh và ngăn chặn tình trạng nhập giống lậu ồ ạt... Các ngành chức năng cũng tăng cường các biện pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm thịt, trứng các loại, tránh tình trạng các thương lái lợi dụng thời điểm này thu mua sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Sở Tài chính TP.HCM cũng đưa ra quyết định từ ngày 23/1 sẽ giảm giá đường RE thêm 500 đồng mỗi kg, đường RS giảm trên 1.000 đồng. Theo kế hoạch, 7 ngày trước Tết, giá gà công nghiệp, gà thả vườn của các doanh nghiê%3ḅp bình ổn sẽ giảm 2.000 đồng một kg; 2 ngày cuối năm, thịt heo bình ổn sẽ giảm giá 5%... Dự kiến, giá trứng bình ổn cũng sẽ giảm trong ngày 28 và 29 tháng chạp. 
Hải Sơn (Tổng hợp)

Bình luận(0)