Tiềm lực hùng mạnh của chủ hãng bay thứ 8 của VN

Google News

(Kiến Thức) - Việc Công ty cổ phần du lịch Thiên Minh nhảy vào lĩnh vực hàng không cho thấy sự mạnh dạn cũng như tiềm lực lớn mạnh của công ty này.

Công ty cổ phần du lịch Thiên Minh (Thiên Minh) vừa tuyên bố chính thức hoàn thiện thương vụ mua lại 89% cổ phần của Hãng hàng không Hải Âu, đánh dấu sự ra đời của hãng hàng không thứ 8 và là hãng hàng không tư nhân thứ 6 ở Việt Nam.
Việc đầu tư vào lĩnh vực hàng không cho thấy sự mạnh dạn trong chiến lược kinh doanh của Thiên Minh. Tuy hàng không là một lĩnh vực béo bở và còn nhiều tiềm năng khai thác, nhưng không phải công ty nào cũng thành công ở lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, có nhiều hãng hàng không tư nhân do thiếu kinh nghiệm trong quản lý và hoạt động đã "chết yểu". Hiện tại chỉ có duy nhất một hãng hàng không tư nhân còn hoạt động đó là VietJet Air.
Hàng không Hải Âu sẽ có vốn pháp định khoảng 60 tỷ đồng. Hãng sẽ mua 2 máy bay thủy phi cơ và chính thức khai trương dịch vụ vào tháng 4/2014. Với thủy phi cơ, Thiên Minh sẽ cung cấp các dịch vụ như: bay ngắm cảnh trên Vịnh Hạ Long; bay dịch vụ (Air Taxi) và các dịch vụ bay chuyên biệt theo yêu cầu của khách hàng. Dự kiến giá vé cho 1 chuyến bay ngắm cảnh vào khoảng 2,5-3 triệu đồng/15-50 phút. Đối tượng khai thác chủ yếu của Hàng không Hải Âu chính là khách du lịch nước ngoài.
Một trong những khách sạn Victoria của Thiên Minh ở Sa Pa. Ảnh: Internet. 
Không chỉ đầu tư vào lĩnh vực hàng không, Thiên Minh còn đầu tư và rất thành công trong lĩnh vực du lịch và khách sạn.
Được thành lập vào năm 1994, đến nay Thiên Minh là một trong những công ty du lịch lớn nhất ở Việt Nam sở hữu nhiều thương hiệu du lịch có uy tín trong khu vực Đông Nam Á, mỗi năm phục vụ khoảng 70.000 du khách đến Việt Nam và 10.000 du khách đến Lào, Campuchia và Thái Lan.
Trong tầm nhìn hoạt động của công ty này, Thiên Minh đã từng tuyên bố sẽ không ngừng đổi mới và đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng việc mua bán và sáp nhập những dự án có tính chọn lọc và chiến lược lâu dài để trở thành một công ty du lịch quy mô và tầm cỡ nhất.
Năm 2004, Thiên Minh quyết định đa dạng hóa loại hình kinh doanh, bắt đầu tham gia vào các hoạt động kinh doanh khách sạn bằng việc mua lại cổ phần của Khách sạn Festival Huế. Năm 2005, Thiên Minh hợp tác với Intrepid Travel Pty Ltd - một công ty điều hành tour du lịch hàng đầu của Úc để thành lập Công ty TNHH Du Lịch Intrepid Indochina (nay là Intrepid Vietnam) nhằm mở rộng hơn nữa các hoạt động du lịch tại khu vực Đông Nam Á cũng như tại các thị trường du lịch khác ở châu Á.
Năm 2006, Thiên Minh xây dựng khách sạn Mai Chau Lodge ở một vùng núi phía Bắc Việt Nam. Năm 2007, Thiên Minh tiếp tục bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh mới: mua lại 40% cổ phần Công ty TNHH Lữ Hành Chợ Lớn (Cho Lon Tours) với đối tượng khách hàng trọng yếu là các du khách đến từ Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu Á khác.
Năm 2008, Thiên Minh đầu tư thành lập văn phòng Buffalo Tours Úc. Một năm sau đó, Thiên Minh hợp tác với Công ty Jetwing Sri Lanka thành lập Công ty tư vấn và quản lý khách sạn Jetwing Indochina cùng với việc đầu tư thành lập thêm một số văn phòng Buffalo Tours như: Buffalo Tours Lào, Buffalo Tours Thái Lan, Buffalo Tours Campuchia.
Năm 2010, Văn phòng Buffalo Tours Anh được thành lập với 70% vốn đầu tư của Thiên Minh. Cũng trong năm này, công ty tăng cổ phần Chợ Lớn Tours lên 80% (tăng thêm 40%) và thành lập thêm 3 công ty thành viên mới là: Công ty cổ phần Asia Outdoors Việt Nam, Công ty TNHH Vivu và Đại lý bán lẻ Buffalo Tours.
Dư luận vẫn còn nhớ thương vụ mua bán "khủng" của Công ty Thiên Minh khi chi hơn 45 triệu USD mua chuỗi khách sạn Victoria. Thiên Minh đã mua lại toàn bộ cổ phần của EEM Victoria (HK) Limited. CEO của Thiên Minh bắt đầu đàm phán với tập đoàn của Pháp là Electricite et Eaux de Madagascar, công ty mẹ của EEM Victoria (HK) Limited từ tháng 7/2009 khi biết tập đoàn này có ý định thoái vốn tại EEM Victoria (HK) Limited. Đến tháng 2/2011 thì thương vụ hoàn tất.
Với việc mua lại cổ phần này, Công ty Thiên Minh sở hữu 5 khách sạn Victoria tại Việt Nam, thương hiệu Victoria toàn cầu và Công ty Quản lý khách sạn Victoria Việt Nam. 5 khách sạn Victoria hiện tọa lạc tại những thành phố du lịch của Việt Nam gồm Sa Pa, Hội An, Phan Thiết, Cần Thơ và Châu Đốc.
Thiên Minh bắt đầu đầu tư vào mảng khách sạn từ năm 2004. Mới đây, Thiên Minh cũng tuyên bố khai trương 2 khách sạn mới thuộc chuỗi Victoria. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Thiên Minh sở hữu chuỗi 7 khách sạn Vitoria, trong đó có 6 khách sạn tại Việt Nam và 1 khách sạn tại Lào. Ngoài ra, Thiên Minh còn đảm nhận quản lý với thương hiệu Victoria cho một khách sạn tại Siemriep, Campuchia.
Hai khách sạn mới là Victoria Nui Sam Lodge tại Châu Đốc và Victoria Xiengthong Palace tại Luang Prabang, Lào, đều có vốn đầu tư dự kiến là 1 triệu USD/dự án. Trong đó, Victoria Nui Sam Lodge tại Châu Đốc có quy mô 44 phòng, tiêu chuẩn 4 sao, ngoài cung cấp dịch vụ nghi dưỡng, nơi đây sẽ trở thành trung tâm đào tạo nhân lực phục vụ toàn bộ hệ thống của Thiên Minh. Còn Dự án Victoria Xiengthong Palace tại Luang Prabang, Lào được xây dựng trên nền tảng là nơi cư ngụ cuối cùng của gia đình Hoàng gia Lào.
Như vậy, hiện tại Thiên Minh đang quản lý các thương hiệu đó là: Buffalo; PEAK Vietnam; Du lịch Chợ Lớn; Asia Outdoors (mảng du lịch); Victoria; hệ thống đặt phòng trực tuyến iViVu (mảng khách sạn).
Thiên Minh đang lớn mạnh khi có tới 11 văn phòng tại Đông Nam Á, Anh và Australia với hơn 2.000 nhân viên và tổng doanh thu 70 triệu USD vào năm 2012.
Diên Lệ (tổng hợp)

Bình luận(0)