Hay nói cách khác, mỗi đứa trẻ được sinh ra ở giai đoạn này đã phải “cõng” hơn 1.000 USD nợ công.
Hôm thứ Ba vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trong phát biểu của Bộ trưởng, con số nợ công bằng 54,1% GDP tính đến cuối năm ngoái được bình luận là chưa vượt ngưỡng an toàn, bởi so với chỉ tiêu được Quốc hội cho phép ở mức 65% GDP thì còn khoảng cách khá lớn. Nhưng, tính toán mà Bộ Tài chính đưa ra rằng, để trả nợ thì giai đoạn tới phải tăng thu ngân sách 12-14%/năm, dành khoảng 20% tổng thu để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thực sự là quan ngại, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
|
Ảnh minh họa.
|
Những con số so sánh tương đối trên có thể diễn giải ra như sau: Nợ công hiện tương ứng mới dân số Việt Nam, tính cả người già và em nhỏ, mỗi người phải gánh khoảng 21,5 triệu đồng. Hay nói cách khác, mỗi đứa trẻ được sinh ra ở giai đoạn này đã phải “cõng” hơn 1.000 USD nợ công. Giả sử khoản trả nợ nếu tính theo 20% thu ngân sách Nhà nước sẽ tương đương với trên 156 nghìn tỷ đồng vào năm nay, gần gấp rưỡi thu từ dầu thô trong năm 2013 là 115 nghìn tỷ đồng. Tất cả các kết quả trên được tính từ số liệu công bố chính thức của Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính.
Nhưng, khi mà nhiều công trình cầu đường mới đưa vào sử dụng đã lún, nứt, hư hại; khi mà rất nhiều cơ sở hạ tầng xuống cấp hàng loạt cả ở thành thị và nông thôn; khi mà trường học và bệnh viện còn quá tải ở nhiều nơi thì xã hội đều cảm nhận một nguồn cầu đầu tư rất lớn vẫn còn đang… ở phía trước. Như vậy, việc nợ công đã ở mức cao như hiện nay đem đến nhiều cái khó hơn nữa cho đất nước: trách nhiệm trả nợ của thế hệ sau có thể lớn dần; nguồn lực đất nước bị chia sẻ để trả nợ sẽ xâm lấn vào khả năng đầu tư mới; thậm chí rủi ro tài khóa cũng có thể xảy ra mà các tính toán về trả nợ của Bộ Tài chính cho thấy nhiệm vụ này ngày càng nặng nề…
Do đầu tư vượt khả năng tiết kiệm của nền kinh tế suốt một thời gian dài, cho đến gần đây chúng ta bắt đầu phải vay nợ mới để trả nợ cũ. ODA vốn là những khoản tài chính lớn, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chiếm khoảng một nửa tổng nợ công, gắn với nó là lãi suất thấp và thời gian ân hạn kéo dài. Nhưng, nhiều lúc chúng ta vẫn buộc phải chứng kiến mất mát nguồn vốn quý giá này từ tham nhũng, từ chất lượng công trình chưa thật sự đảm bảo... Đã hơn một lần đối tác phát triển tuyên bố ngừng viện trợ chính thức cho Việt Nam, nhất là sau những vụ tham nhũng bị phát giác, hay khi Việt Nam được xếp vào nước thu nhập trung bình thì điều kiện vay đã khác cả về lượng lẫn các điều kiện lãi suất, ưu đãi đi kèm.
Nguồn vốn khác vay từ phát hành Trái phiếu Chính phủ trong nước mấy năm nay khá lớn. Đó là một nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, nhưng các khoản vay từ đây lại có kỳ hạn ngắn hơn vay ODA, lãi suất cũng cao hơn, khiến trách nhiệm trả nợ cũng lớn hơn nhiều và căng thẳng để tất toán. Và đáng buồn là khoản tiền từ trái phiếu đôi khi cũng chưa được sử dụng hợp lý, gắn phát hành với sử dụng. Một nguồn lực lớn Chính phủ đi vay lại được chuyển vào hệ thống ngân hàng, dù ngân hàng chính là người mua Trái phiếu Chính phủ nhiều nhất…
Trong khi đó, mấy năm nay các địa phương lại cũng mong muốn phát hành trái phiếu để phục vụ đầu tư, nhằm chủ động nguồn vốn ngoài sự hỗ trợ của Trung ương. DN cũng phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều DNNN. Trường hợp DNNN về đóng tàu nọ phải phát hành trái phiếu DN cho khoản nợ đến hạn không trả được, nhưng lại được Nhà nước bảo lãnh, cho thấy gánh nặng nợ công như vậy còn có thể bất ngờ phát sinh từ phía DNNN. Thậm chí, cả DN ngoài Nhà nước cũng đã có trường hợp được Nhà nước bảo lãnh vay nợ. Khối này hiện nợ cả trong và ngoài nước rất lớn, nhưng điều kiện kinh doanh hiện còn khó khăn và rủi ro không trả được nợ luôn treo trên đầu.
Cho nên, việc vin vào ngưỡng nợ chưa vượt giới hạn cho phép để tiếp tục nâng tỷ lệ nợ lên cao nữa nên được cân nhắc kỹ. Một chiến lược trả nợ cần được hoạch định lại tỉ mỉ vào lúc này, khi mà sức ép trả nợ đã rất lớn như các con số mà Bộ Tài chính nêu ở trên. Đầu tư thế nào, thu hồi vốn ra sao và tiến trình vay, trả nợ phải được đặt trong kỷ luật thép. Nhất là khi không ít quan chức, những người ra quyết định vay nợ và đầu tư, có thể chẳng phải bận lòng trả nợ trong tương lai. Nhưng, lỡ thế hệ điều hành kế tiếp gặp khó với dư địa chính sách tài khóa hạn hẹp vì nợ nần? Hay con cháu chúng ta không thể cất nhẹ gánh lo với khoản nợ quá lớn trên vai? Những âu lo đó nên được đặt ra trong chính thời điểm này, với những cân nhắc ngay trong điều hành.