“Đường bay Việt Nam kỳ dị nhất thế giới!“

Google News

(Kiến Thức) - Tiến sĩ Trần Đình Bá - người rất tâm huyết với ngành hàng không Việt Nam - bày tỏ quan điểm về đường bay vàng đang gây xôn xao dư luận.

Kiến Thức xin trích đăng những ý kiến này của TS Trần Đình Bá. (Tiêu đề do Kiến Thức đặt):
- Thưa ông, Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa có văn bản trình Chính phủ đề nghị cho bay kiểm tra “Đường bay vàng” từng bị bác bỏ năm 2012. Ông suy nghĩ gì về điều này?
- Rất hay! Đây là chỉ đạo rất quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng để đổi mới hàng không Việt Nam (HKVN). Quyết tâm của Bộ trưởng là tuyệt vời vì ông phải đột phá vào một ngành vận tải công nghệ cao mà Việt Nam có thế mạnh cả về trí tuệ, nhân lực, hạ tầng, khí hậu thời tiết... nhưng lại có một nền hàng không chưa tương xứng với tầm vóc và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
- Động cơ nào giúp ông “theo đuổi” đường bay vàng trong một thời gian dài khi luôn bị phản đối, có lúc nào ông cảm thấy muốn dừng lại?
- Tôi xót xa vì hàng không liên tục thua lỗ do lãng phí. Quy luật kinh tế hàng không thế giới là: “Hàng không hầu hết là đường bay thẳng nối hai điểm vận tải”. Tôi nhận thức được từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước khi thực tế tại Học Viện Hàng không Riga – Liên Xô (sau này nâng cấp thành Đại học Hàng không), nơi đào tạo hàng trăm chuyên gia, tiến sĩ hàng không cho Việt Nam. Vậy mà chuyên gia hàng không hiện nay tại cục HKVN, Vietnam Airlines lại đưa ra luận thuyết ngược đời “bay vòng kinh tế hơn bay thẳng”. Hầu hết 90% các đường bay nội địa Việt Nam đều đang là đường vòng hình “quả chuối”. Tuyến đường bay chủ lực quan trọng nhất lại là đường bay “hình con rắn” - kỳ dị nhất trong tất cả các đường bay trên thế giới.
Tôi nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho hàng không, tăng thị phần vận tải, giảm thiểu quá tải và TNGT trên đường bộ.
Bị phản đối nhưng làm theo lương tâm của một nhà khoa học, tôi không bó tay đứng nhìn sự thất bại. Tôi nghiên cứu khoa học nghiêm túc, có trách nhiệm, chịu trách nhiệm. Hãy tin vào khoa học có chân lý, có quy luật! Nạn quá tải và thảm họa giao thông trên đường bộ có nguyên nhân từ thất bại của hàng không.
- Việt Nam sẽ được lợi gì từ việc chuyển đường bay “quả chuối” thành đường bay thẳng “nối 2 điểm vận tải” theo quy luật hàng không thế giới mà ông đã nói?
- Lợi ích mang lại cho các nước là rất lớn, phù hợp với Hiệp định Bầu trời mở rộng ASEAN để các nước bắt tay khai thác tài nguyên không gian, phát triển kinh tế hàng không. Các nước thu được lệ phí nhiều triệu USD mỗi năm, giảm được khí thải, cùng nhau khai thác không gian và bảo vệ chủ quyền không gian trên phần lãnh thổ của mình.
- Đường bay thẳng qua không phận Lào và Campuchia sẽ giúp được gì cho các hãng hàng không và hành khách nước ta về giá cả, thời gian, chi phí....?
- Có chứ, rất lớn và bền vững. Tôi kết luận nguyên nhân thua lỗ của hàng không nước ta là lãng phí đường bay trên 25%, do không theo đúng quy luật kinh tế hàng không thế giới. Nếu được bay thẳng theo đúng quy luật thì Hàng không nước ta tiết kiệm được lãng phí do bay vòng, giảm giờ bay tăng vòng tăng chuyến để giảm thiểu chậm chuyến hủy chuyến, nhân dân tiết kiệm thời gian bay để tăng giờ làm việc bổ ích, được giảm giá vé.
- Thưa ông, những gì là khó khăn và vướng mắc nhất khi triển khai đường bay mới này?
- Vật cản lớn nhất chỉ là tư duy bảo thủ, trì trệ ngay chính trong cục Hàng không. Không có gì ngăn cản nữa vì bộ trưởng đã đi nước ngoài đàm phán, dọn đường bay thẳng. Cấp dưới là cục Hàng không cứ thế mà thi hành triệt để thôi.
Theo tôi, bay thử nghiệm là sáng suốt và cần thiết. Tôi đề nghị Bộ trưởng nên giao công việc này cho các tiến sĩ Cục HK, Vụ Vận tải, Vụ KHCN GTVT phải vạch được sơ đồ bay, phương pháp tính, công thức tính, cơ sở phương pháp luận để có hiệu quả kinh tế bằng định lượng, có cơ sở cho việc đánh giá tính khả thi của dự án. Làm ăn kinh tế là phải chính xác, đặc biệt là công nghệ hàng không, cũng như vũ trụ, năng lượng hạt nhân, dầu khí phải tính toán chính xác bằng “định lượng” để tránh việc bị thua lỗ do ngộ nhận và loại trừ tranh công đổ lỗi cho nhau. Đó là trách nhiệm chính của các tiến sĩ Vụ Vận tải – KHCN và các cục viện của Bộ GTVT.
- Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi này!
PV (thực hiện)

Bình luận(0)