Từ OLED đến “Chấm lượng tử“

Google News

(Kiến Thức) - Công nghệ Quantum Dots và OLED đều tạo ra những tấm nền tự phát sáng, với cấu trúc rất linh hoạt và có thể uốn cong.

Như chúng ta đã biết, thị trường TV Plasma gần đã chết sau khi LG tuyên bố sẽ không theo đuổi công nghệ già nua này nữa. Thêm vào đó, nhà sản xuất TV đến từ Hàn Quốc cũng đặt rất nhiều hy vọng vào công nghệ OLED. Tuy nhiên, thực tế cho thấy TV OLED vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho tất cả mọi người khi chi phí sản xuất của nó vẫn còn rất cao. Chính vì vậy mà rất nhiều hãng (bao gồm cả LG) đang đặt cược vào một công nghệ khác, có tên gọi là Quantum Dot (Chấm lượng tử), với chất lượng hình ảnh và khả năng ứng dụng linh hoạt không kém gì so với OLED.

Về lý thuyết, công nghệ Quantum Dot và công nghệ OLED có cùng 1 điểm chung quan trọng: cả hai đều tạo ra những tấm nền tự phát sáng, với cấu trúc rất linh hoạt và có thể uốn cong.

 Kích thước của chấm lượng tử quy định màu sắc phát ra.

Quantum Dot tạo ra các ánh sáng có bước sóng nằm trong quang phổ nhìn thấy bằng cách thay đổi kích thước của các chấm (dot). Công nghệ này cho phép tạo ra màn hình sáng hơn, có thể không (hoặc có) dùng tới đèn nền và tiêu thụ điện năng rất thấp. Quan trọng hơn cả, Quantum Dot cho phép các nhà sản xuất tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với OLED. Cụ thể, một màn hình chấm lượng tử 55-inch hiện nay có chi phí sản xuất chỉ bằng 1/5 so với một chiếc TV OLED có kích thước tương đương. Ví dụ như Sony với các dòng TV Trilumino (KD-65X9000A), hay Kindle Fire HDX đều sử dụng công nghệ chấm lượng tử.

Mặc dù đang rất kỳ vọng vào OLED, tuy nhiên LG gần đây cũng xác nhận việc theo đuổi công nghệ Chấm lượng tử nhằm tạo ra những chiếc TV tốt và rẻ hơn. Hãng đã hợp tác với Nanoco Group để xây dựng một nhà máy sản xuất tấm nền Quantum Dot, và sẽ bắt đầu cho ra những mẻ thành phẩm đầu tiên vào giữa năm 2015.

LG hiện đang "đơn thương độc mã" trong thị trường OLED. Việc đầu tư một lượng lớn tiền của vào công nghệ Chấm lượng tử dường như thể hiện rằng hãng đang rất thiếu tự tin vào công nghệ OLED. Trong khi đó, việc đối thủ Samsung rời bỏ công nghệ OLED giúp cho vị thế của LG trở nên cao hơn. Tuy nhiên, LG cũng rất cần Samsung để giảm giá và kích thích doanh số của TV OLED.
 Quantum Dot đang được nhiều hãng quant tâm.

Mặc dù không rầm rộ, nhưng công nghệ OLED và Chấm lượng tử đang âm thầm cạnh tranh nhau. Rất nhiều nhà sản xuất đã đặt cược vào công nghệ Chấm lượng tử với hy vọng tạo ra những chiếc TV có chất lượng hiển thị cực cao với giá cực thấp. Có vẻ như công nghệ này sẽ thay thế Plasma để chinh phục thị trường TV.

Dù sao đi nữa, giá của TV OLED vẫn đang giảm mạnh. Điều này chắc chắn khiến cho cuộc đua giữa 2 loại công nghệ này trở nên khốc liệt hơn trong tương lai.
Quốc Thiện (Theo HT)

Bình luận(0)