Nhớ tiếng loa gọi nghe điện thoại ký túc xá

Google News

Cái chất giọng the thé, chua chua ấy cứ hàng ngày cất lên. Có lẽ, cô là người mang lại nhiều cảm xúc nhất cho đám sinh viên KTX chúng tôi.

- Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in tiếng loa của cô “tổng đài viên” ký túc xá. Cái chất giọng the thé, chua chua ấy cứ hàng ngày cất lên. Có lẽ, cô là người mang lại nhiều cảm xúc nhất cho đám sinh viên KTX chúng tôi.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
Từ cái phòng bé xíu đầu hồi ký túc xá bước ra, mỗi người mang theo một tâm trạng khác nhau. Khi đang giận dỗi nhau, đôi khi tiếng loa của cô chính là dấu hiệu khởi đầu của một lời xin lỗi để làm lành. Có khi tiếng loa ấy lại là một tin buồn từ quê báo lên, để rồi sau đó người nghe lê từng bước chân nặng chịch về phòng, nằm vật ra giường chẳng nói năng gì.

Tiếng loa văng vẳng, công khai cho toàn bộ các dãy nhà trong ký túc xá. Chính vì thế, nếu ai chịu khó lắng nghe thì sẽ biết được độ “hot” của một số nữ sinh viên. Cô nào mà cứ tối tối được nêu tên liên tục thì cũng có nghĩa là fan hâm mộ của “nàng” xếp hàng từ ngã tư cầu Giấy đến cổng trường Tuyên giáo (Tên gọi cũ của Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày nay).
 
Còn nhớ, mùa đông năm 1998, ký túc xá đóng băng trong những ngày cận Tết. Đám sinh viên báo chí chúng tôi co ro cuộn mình trong chăn. Bỗng tiếng loa ký túc xá vang lên: “Mời sinh viên Nguyễn Hồng Anh, phòng X nhà A3 ra nghe điện thoại ngay, điện thoại chờ…”. Nhổm dậy, Hồng Anh nói với các bạn cùng phòng: “Ai còn tiền cho mình xin một nghìn. Cuộc điện thoại thứ 8 trong ngày hôm nay rồi…”.
 
Hồng Anh người mảnh khảnh, có đôi mắt tròn xoe, luôn là tâm điểm chú ý của đám con trai cùng trường. Cái tên này cũng được chiếc loa phóng thanh mời nghe điện thoại nhiều nhất. Đa phần trong số ấy là của các bạn trai người Hà Nội mà ít ai nghĩ rằng, có hôm Hồng Anh đã phải nhịn ăn vì tiếng loa ấy.
 
Không ai nói ra nhưng cánh sinh viên chúng tôi ai cũng sợ phải nghe điện thoại. Bởi một lần nghe là phải mất 1 nghìn đồng, mỗi ngày nghe 5 cuộc là coi như “đi đứt” một bữa cơm bụi thịnh soạn thời ấy. Không nghe thì không được, lo nhỡ ở nhà có chuyện gì đó, nghe thì nhiều khi chỉ là những câu chuyện lãng nhách của bạn bè gọi hỏi mượn cuốn giáo trình.
 
Sau đó một thời gian, chính Hồng Anh đã nghĩ ra cách đối phó với các cuộc điện thoại “rác” vào ký túc xá bằng cách thông báo cho người nhà và một số bạn bè thân “nick-name” là Anh Hồng. Chỉ khi nghe loa gọi “Mời sinh viên Anh Hồng…” thì mới ra nghe điện, còn gọi theo cách cũ thì coi như bỏ qua.

Hồi ấy, điện thoại di động còn là mặt hàng xa xỉ. Máy đắt, cước phí đắt (gọi vùng 1: 3.500 đồng/phút; vùng 2: 5000 đồng/phút) nên chỉ có các cậu ấm, cô chiêu con nhà phú gia mới có. Vì thế, việc liên lạc của sinh viên chủ yếu qua thư từ hoặc phụ thuộc vào chiếc điện thoại bàn của Ban Quản lý ký túc xá.
 
Năm 1999, lần đầu tiên trong lớp tôi có người dùng điện thoại di động. Khi Thế Dũng cầm chiếc Siemens “cục gạch”, cả lớp đã phải trầm trồ. Năm 2000, Tuấn Anh sắm được chiếc Motorola Star Tax nhỏ xíu, thêm một lần nữa khiến những người xung quanh ngưỡng mộ.
 
Năm 2001, hầu hết bạn bè đã phản đối khi Việt Cường gom tiền học bổng và đi vay váo thêm để mua chiếc điện thoại Sagem gần 2 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó, chính chúng tôi lại là những người nhờ Cường cho… nghe ké vì nếu nghe qua điện thoại của KTX thì sẽ mất tiền. Khi ấy, đi đâu Cường cũng phải mang theo cục sạc pin, bởi chỉ sau 4 tiếng là máy đã tắt ngóm.
 
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, chiếc điện thoại Sagem của Cường đã nhanh chóng trở thành chiếc đồng hồ báo thức bởi không có tiền duy trì tài khoản. Chính Cường lại là người rất chăm chỉ ra phòng điện thoại KTX nhất, bởi cô bạn gái người Hà Nội ngày nào cũng gọi vào. Mỗi lần nghe loa gọi tên Cường, chúng bạn lại trêu: “Di động đâu rồi Cường ơi…”!
 
Giờ nhìn quanh, hầu như ai cũng có điện thoại. Các bạn sinh viên còn sắm cả smartphone đắt tiền, hoặc cùng lúc xài 2-3 máy. Sẽ khó ai có thể hình dung ra tiếng loa mời nghe điện thoại ở ký túc xá. Tiếng loa của sự chờ đợi, hồi hộp, yêu thương, giận hờn, trách cứ… đã trôi vào dĩ vãng, nhưng nó sẽ mãi là kỷ niệm đẹp trong mỗi chúng tôi.
Đ.A

Bình luận(0)