Nghịch lý phân luồng

Google News

Trời nóng, Bệnh viện Việt Nhật ở Hà Nội đã quá tải càng thêm quá tải. Từ sân cho đến các sảnh lúc nào cũng đầy người...

- Trời nóng, Bệnh viện Việt Nhật ở Hà Nội đã quá tải càng thêm quá tải. Từ sân cho đến các sảnh lúc nào cũng đầy người, người đứng, người nằm, người ngồi... Trông ai cũng giống nhau ở nét mặt lo lắng, mệt mỏi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nhưng có lẽ không gì khiếp bằng khu vực chờ thang máy. Có 5 thang máy nhưng luôn trong tình trạng quá tải. 1 thang máy riêng cho cấp cứu, 1 thang cho bệnh nhân và 3 cho cán bộ nhân viên. Mặc dù cái thang máy dành cho bệnh nhân to nhất nhưng lúc nào cũng quá tải. Thế nên mặc cho biển chỉ dẫn ghi "Dành riêng cho CBNV", nhiều người bệnh vẫn phải đi sai luồng, tức là "đi nhờ" thang máy của nhân viên bệnh viện.

Cái cảnh "đi nhờ" này cũng cực nhục lắm. Vì trong giờ hành chính, trong mỗi thang máy dành cho cán bộ lại có một nhân viên ngồi lù lù trong đó, chỉ làm mỗi việc là đuổi bệnh nhân ra, không cho đi sai luồng. Thỉnh thoảng nếu chịu khó năn nỉ, xin xỏ hoặc những trường hợp bệnh nhân nặng thì họ cũng linh động cho đi. Còn không, sẽ bị những bộ mặt lạnh như tiền, khó đăm đăm ấy từ chối thẳng thừng. Chỉ có tranh thủ ngoài giờ hành chính thì được đi thoải mái.

Vào trông người nhà trong đó, tôi thường đi thang bộ, dù phòng bệnh ở mãi tận trên tầng 6. Nhưng có lần phải đưa người bệnh đi chụp chiếu, phải dìu ra thang máy, thì thấy quá kinh khủng. Người ta xô đẩy chen chúc, chờ đợi rất lâu bên này, còn bên kia có tới tận 3 thang máy, người đi lại ít hơn mà lại không được vào.

Tôi nhớ hôm nọ xem ti vi có cái cảnh TPHCM phân luồng giao thông, bên làn đường dành cho xe máy thì tắc thôi là tắc, nghẹt thở vì tắc. Còn đường dành cho ô tô thì chỉ thấy lơ thơ vài cái phóng vèo vèo. Thế là ra làm sao?

Chỉ có thể thấy là những sự phân luồng này đấy bất hợp lý và không có tính khoa học một chút nào. Có lẽ người ta phân luồng theo cảm tính, tôi thích để bên này từng này mét, từng này làn đường thì để... chứ không căn cứ vào những nghiên cứu khoa học dựa trên thực tế. Tức là không căn cứ vào số lượng xe máy, ô tô thực tế vẫn lưu thông trên đoạn đường đó.

Phân luồng là để đi lại thuận tiện, vì vậy, yêu cầu đầu tiên là phải hợp lý. Không hợp lý thì sẽ thành nghịch lý.           
Minh Anh

Bình luận(0)