Dân nghèo lắm rồi, đừng thu thêm nữa!

Google News

(Kiến Thức) - "Thu phí phương tiện vào nội đô nhiều nước đã làm nhưng đó là khi đời sống của người ta rất cao", TS Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.

(Kienthuc.net.vn) - TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải khẳng định: "Thu nhập người dân hơn gấp mấy chục lần ta. Giờ không thể quy hoạch kém, không đầu tư phát triển giao thông đô thị, rồi lại đè dân ra mà thu tiền để giải quyết hậu quả được".
Đóng phí trong sự ấm ức
Bộ GTVT vừa đề xuất triển khai đề án thu phí xe vào trung tâm Hà Nội và TPHCM từ năm 2013 - 2017 nhằm giảm tình trạng ùn tắc, kiểm soát và từng bước hạn chế xe cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm các thành phố. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
Trước đây, Bộ GTVT đã bàn đến chuyện này rồi. Lúc đó tôi cũng đã nêu quan điểm không nên thu phí để hạn chế xe cá nhân. Vì phương tiện công cộng của mình mới chỉ có xe buýt. Mỗi năm xe buýt chỉ đáp ứng được từ 6 - 10% nhu cầu đi lại của nhân dân. Hơn 90% người dân không biết di chuyển bằng phương tiện gì buộc phải mua xe cá nhân để mưu sinh. 
Hạn chế xe cá nhân thì dân đi bằng gì. Bộ GTVT không trả lời được nên không thực hiện. Tiếp đến, ta học một số nước là thu phí phương tiện vào đô thị trong giờ cao điểm. Các nước họ làm được. Pháp đã giảm được 15% lượng người vào trung tâm vào giờ cao điểm. Nhưng cái này thì ta chưa học được đâu.
Cái hay thì ta phải học hỏi chứ, sao lại chưa học được ạ?
Ta phải xét các điều kiện cần và đủ. Giảm phương tiện cá nhân để giao thông thông thoáng là cần, nhưng điều kiện đủ là các phương tiện khác phải phát triển tương xứng để người dân lựa chọn để đi, thay thế phương tiện cá nhân. Thì ta lại chưa có điều kiện này. Thứ nữa là đời sống nhân dân của ta đang rất khó khăn. Có những gia đình cũng đi xe máy đấy, nhưng mỗi ngày cũng chỉ kiếm được vài ba chục ngàn đồng. Có đến 60 - 70% số người sử dụng xe máy làm phương tiện mưu sinh có thu nhập rất thấp. Thu phí thì sẽ gây khó khăn cho dân, đảo lộn cuộc sống của họ.
Nghĩa là không nên thu phí phương tiện vào giờ cao điểm khi đi vào nội đô?
Tôi nghĩ là cần phải có lộ trình hợp lý để từng bước phù hợp với điều kiện chung của xã hội. Khi giao thông công cộng được đầu tư mở rộng, khi hạ tầng giao thông, đường thông hè thoáng thì mới nên tính đến thu phí. Với số lượng 40 - 45 vạn ô tô hiện nay ở Hà Nội, TPHCM là 50 vạn, cùng với hàng triệu chiếc xe máy, nếu làm tốt giao thông công cộng và hạ tầng thì chưa đến mức áp dụng biện pháp kinh tế với người dân.
Giả sử vẫn thu phí thì ông có đóng không?
Tôi vẫn chấp hành, tôi nghĩ người dân nào cũng sẽ chấp hành. Nhưng đóng phí trong ấm ức vì đời sống quá thấp.
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải. 
Cái tài của người lãnh đạo!
Nhưng ở góc độ quản lý, nếu không thu phí, thì sẽ không có tiền đầu tư, không giải quyết được ùn tắc?
Ý đó vừa đúng vừa sai. Việc đầu tư cho giao thông công cộng bao nhiêu là do nhà nước hoạch định. Nhưng việc đầu tư đó có hợp lý hay không thì nhiều lần tôi cũng nói rằng đầu tư đó chưa đáng bao nhiêu cả. Mình đầu tư cho giao thông công cộng quá thấp so với thế giới. Chúng ta làm cảng, làm sân bay, làm đường cao tốc... nhưng tiền tập trung cho giao thông đô thị thì cực kỳ thấp. Tôi nói ví dụ như tuyến tàu điện ngầm Nhổn - Ga Hà Nội, nói 5 - 7 năm nay rồi những chưa triển khai gì cả. Rồi tuyến tàu điện trên cao từ Hà Đông đi Cát Linh cũng chưa được triển khai. Chưa thấy đổi mới gì cả.
Có lẽ là vì bài toán kinh tế?
Ở Bắc Kinh, người ta làm 27km tàu điện ngầm mà chỉ trong 5 năm. Ta thì chục năm vẫn chỉ có nói thôi. Vẫn biết kinh tế khó khăn, nhưng đầu tư vào đâu là cái tài của người lãnh đạo. Tôi có 40 năm nghiên cứu giao thông đô thị thì so với các nước, đầu tư cho giao thông đô thị ở nước mình là kém nhất.
Cụ thể của "cái tài" ấy là như thế nào, thưa ông?
Về nguyên tắc, để chống ùn tắc thì thành phố từ 2 triệu dân trở lên thì dứt khoát phải có tàu điện ngầm. Hà Nội bây giờ 7 - 8 triệu dân mà chưa có một mét tàu điện ngầm nào, chưa có một mét đường sắt đô thị nào. TPHCM cũng thế. Sẽ đến lúc, không có chỗ mà đỗ xe buýt nữa. Cách đây 20 năm tôi đề nghị các ngã tư lớn ở Hà Nội phải có cầu vượt. Đến 2011 thực hiện thì mới thấy nó tốt và triển khai. Thế đấy, vấn đề vẫn là tầm nhìn thôi!
Đừng đổ lỗi cho ý thức
Nhiều người phàn nàn về ý thức người tham gia giao thông kém là tác nhân dẫn đến ùn tắc, chứ không phải số lượng mật độ xe tham gia giao thông. Điều đó theo ông có đúng?
Đừng nói thế. Cái quan trọng số một là hạ tầng giao thông nó mới dẫn đến những hệ quả đó. Đường phải rộng, hè phải thoáng thì tự khắc người dân sẽ điều chỉnh. Chứ giả sử tôi đang đứng trong cái hàng ùn tắc này mà vợ tôi đang ốm hoặc chuẩn bị sinh con, thì liệu tôi có bình tĩnh đi theo thứ tự được không. Tôi phải vượt lên vỉa hè mà đi chứ. Đó là bản năng con người cơ mà. 
Nghĩa là mấu chốt vẫn là hạ tầng?
Đúng, nếu nó tốt, giao thông công cộng tốt, thì tự nhiên người ta sẽ có ý thức thôi.
Vậy theo ông thì vì sao lãnh đạo lại chưa quan tâm đến phát triển giao thông đô thị?
Đó là cái tầm nhìn. Đừng đổ lỗi cho ít tiền. Nó là bài toán đầu tư. Hà Nội và TP HCM tạo ra gần 30% GDP cho cả nước, tạo ra 40 - 50% ngân sách, thì phải đầu tư cho nó chứ. Không có thành phố nào trên thế giới có 7 - 8 triệu dân mà lại chỉ có 1.000 xe buýt cả. Trong khu vực thì Băng Cốc, Kualalumpur, Singapore đều đã có tàu điện ngầm rồi. Xe buýt là phương tiện chỉ hợp với thành phố có 30 - 50 vạn dân mà thôi.
Vậy trở lại với việc thu phí phương tiện vào nội đô, biết đâu từ đó sẽ có tiền để làm tàu điện ngầm?
Lãnh đạo ngành giao thông chưa hiểu rõ vai trò của giao thông đô thị thì mới đầu tư nhỏ giọt manh mún như thế này. Chứ còn đừng có bảo không có tiền. Cách đây 20 năm thì nói câu đó được. Chứ hiện nay thì đừng. Cầu Nhật Tân ta làm 1 tỷ đồng/m. Ta đã làm những công trình với chi phí rất lớn, thì không có nghĩa là không có tiền.
Vậy thì vai trò của các nhà khoa học như ông đâu?
Chúng tôi nói nhưng họ không nghe thì biết làm thế nào? Họ không quan tâm và không nghe các nhà khoa học tham mưu tư vấn đâu. Nếu nghe thì chỉ trong 3 năm nữa là chúng ta sẽ có tàu điện ngầm. Các nhà khoa học rất bức xúc. Đầu tư cho giao thông đô thị không đúng hướng, không hợp lý nên mới ùn tắc. Từ đó nghĩ ra chính sách khác như thu phí. Mà dân thì nghèo lắm rồi!
Xin cảm ơn ông!
Một công chức đi làm đúng giờ thì hiệu quả sẽ nhân lên, một sinh viên đi học đúng giờ thì sẽ tiếp thu được nhiều hơn. Mỗi phút giây giao thông tiết kiệm được cho người dân chính là những hiệu quả mà giao thông đô thị mang lại. Tiết kiệm thời gian và sức khoẻ. TPHCM mỗi năm đóng góp GDP là khoảng 600 nghìn tỷ đồng. Nếu nhờ thời gian tiết kiệm được mang lại hiệu quả thì chỉ cần 1% trong đó thôi đã là hàng trăm tỷ rồi.
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)