“Săn” tuyết ở đại ngàn Phia Oắc

Google News

(Kiến Thức) - Không chỉ Sa Pa, Lào Cai hay Mẫu Sơn, Lạng Sơn mới có tuyết mà ở đại ngàn Phia Oắc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cũng có băng, tuyết. 

Những bông tuyết trắng muốt phủ kín mái nhà, kín cành cây, kín cả đại ngàn Phia Oắc...

Về chốn bồng lai

Trước khi lên Cao Bằng, tôi nhận được cuộc điện thoại thông báo của anh Nông Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình. Anh Trường hỉ hả khoe mấy ngày nay lạnh buốt, trên đỉnh núi Phia Oắc bắt đầu có hiện tượng băng giá và kèm theo đó là những bông tuyết trắng muốt cũng bắt đầu rơi. Tôi hơi ngạc nhiên vì mấy năm nay mới chỉ nghe các phương tiện truyền thông và cả đám thanh niên phượt rủ nhau lên Sa Pa, Lào Cai hay Mẫu Sơn, Lạng Sơn để chiêm ngưỡng cảnh tuyết rơi chứ chưa nghe ai nói Cao Bằng có tuyết rơi. Cái máu phiêu diêu cùng mây ngàn gió núi lại trào dâng, vậy là tôi lại có lí do để băng qua bầu không khí lạnh như băng đến với đại ngàn Phia Oắc đi tìm những bông tuyết.

Từ TP Hà Giang, chúng tôi đi tắt sang huyện Nguyên Bình. Mấy hôm trời mưa rả rích càng làm cho cái lạnh như cứa sâu vào da thịt khiến người tím tái, đau buốt. Những chiếc áo bông dày cộp cũng trở nên phong phanh trước không khí giá buốt chốn vùng cao biên ải. Nhưng điều đó chưa thấm tháp vào đâu nếu so với cái lạnh trên đỉnh núi Phia Oắc. Càng lên cao sương mù càng vây hãm cứ như thể giăng lưới mỗi ai đi ngang qua cộng thêm đó là cái lạnh càng ngấm sâu vào người khiến chúng tôi run lẩy bẩy, đôi chân tê cứng. Chúng tôi tấp xe sang một bên đường rồi xé mấy tờ giấy để đốt sưởi ấm một lúc mới tiếp tục hành trình.

Chỉ mất chừng 1 tiếng vừa đi vừa ngắm cảnh chúng tôi đã lên đến đỉnh núi Phia Oắc, bỏ lại sau lưng màn sương mù dày đặc đang ôm trọn cánh rừng. Anh Mông Thế Minh, một cán bộ trực Trạm phát sóng Đài Tiếng nói Việt Nam ra đầu đường đón chúng tôi rồi dẫn ra một mô đất cạnh cột tháp cao vút và chỉ tay xuống dưới chân núi mà khoe rằng: "Ở trên đỉnh núi Phia Oắc nhìn xuống chẳng khác nào đang đứng trên chín tầng mây, mây bồng bềnh ôm lấy đại ngàn Phia Oắc quanh năm suốt tháng. Lên trên này nếu không có cơ may được ngắm cảnh tuyết rơi thì cũng đã mắt với cảnh tiên hiếm nơi nào có được".

Băng phủ dày trên đỉnh Phia Oắc (ảnh nhân vật cung cấp). 

Tuyết rơi trắng rừng

Chúng tôi đến Phia Oắc khi cái lạnh dần tan, những bông tuyết đã không còn đậu trên những cành cây, trên mái nhà mà chỉ còn chút băng đang dần tan. Cái lạnh làm cho hơi nước trên khắp đại ngàn Phia Oắc đóng băng, băng bao phủ trên những cành cây, ngọn cỏ, mái nhà...

Anh Mông Thế Minh cho biết: "Tuyết rơi ở Phia Oắc từ đêm 30/12/2012 đến ngày 01/01/2013 mới tan. Đây là đợt tuyết rơi đầu tiên trong mùa đông 2012 - 2013. Gần như năm nào ở Phia Oắc cũng có tuyết. Cách đây vài năm đường lên Phia Oắc rất khó đi, nếu muốn lên đỉnh núi xem cảnh tuyết rơi thì phải "cuốc bộ" non nửa ngày trời. Năm 2007, Nhà nước đã mở một con đường dài khoảng 4km dẫn từ chân núi lên đến mỏm núi cao nhất của đỉnh Phia Oắc để xây dựng Trạm phát sóng Đài Tiếng nói Việt Nam khiến cho việc di chuyển lên - xuống núi rất dễ dàng, thuận tiện".

Dẫn chúng tôi đi quanh Trạm tiếp sóng, anh Minh trần tình: "Anh em trực trạm ở trên núi cách xa khu dân cư, mỗi độ đông về anh em trực trạm lại háo hức lôi chiếc điện thoại trong túi ra chụp ảnh kỷ niệm và gửi về cho gia đình xem. Hơn thế nữa, khi tuyết rơi, có ai đó biết thì tìm đến tham quan gặp gỡ người dưới xuôi. Mỗi khi có khách du lịch dưới xuôi lên đỉnh Phia Oắc là anh em trực trạm vui lắm, được bắt tay, được cười nói, được nghe kể về vô vàn những câu chuyện trên trời dưới bể khiến cho anh em trực trạm quên đi cái không khí tẻ nhạt ở chốn rừng sâu núi thẳm".

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh Minh đó là mùa đông năm 2007, lúc đó anh vừa mới rời thành phố lên Phia Oắc nhận nhiệm vụ trực trạm. Lần đầu tiên lên núi, anh cảm thấy cuộc sống buồn tẻ, chán ngán. Mùa đông năm đó tuyết rơi trắng rừng, anh ngồi bó gối trong nhà nhìn tuyết rơi mà nhớ nhà, nhớ thành phố, nhớ những ngày lang thang cùng đám bạn quây quần bên nồi lẩu, miệng thổi phù phù và ngâm nga chén rượu. Thế nhưng, ở lâu dần thành quen, những lúc buồn, anh Minh cùng đồng nghiệp lại đàn hát, lại ngâm nga chén rượu ấm nóng và chụp ảnh tuyết rơi... Cứ như thế, anh em trực trạm đã vượt qua bốn mùa đông khắc nghiệt và đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đến với bà con miền Tây Bắc.

Anh Minh tiếc nuối: "Chỉ tiếc là các phóng viên lên Phia Oắc hơi chậm, nếu không thì sẽ được chứng kiến cảnh tuyết rơi giống như ở Sa Pa và Mẫu Sơn. Thôi hẹn lần sau, khi nào có tuyết tôi sẽ gọi ngay cho anh em phóng viên lên đưa tin viết bài".

Những ngọn cỏ cũng dược phủ một lớp băng dày (ảnh nhân vật cung cấp). 

Ít người biết

Còn nhớ cách đây một năm khi chúng tôi hỏi về vấn đề khai thác du lịch trên đỉnh núi Phia Oắc, anh Nông Văn Trường đã xuýt xoa chẹp miệng mà rằng: "Phia Oắc giống như nàng công chúa ngủ quên trong rừng". Nói vậy là bởi phong cảnh ở Phia Oắc đẹp không kém gì Sa Pa, hay Mẫu Sơn, thế nhưng huyện lại không có đủ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng cho du lịch, chẳng hạn như nhà nghỉ, khách sạn... Khách du lịch lên Phia Oắc không có chỗ nghỉ ngơi, họ phải rong xe hàng chục cây số quay trởi lại thị trấn Nguyên Bình mới có nhà nghỉ. 

Theo anh Trường thì điều hy vọng nhất cho việc phát triển du lịch ở Nguyên Bình là Dự án xây dựng khu du lịch Phia Oắc. Dự án này được UBND huyện lập năm 2011. Cuối năm 2011, dự án đã được Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Sở Tài chính thông qua và đang đợi UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt.

"Từ đầu thế kỷ XIX thực dân Pháp đã xây dựng những khu nghỉ dưỡng cao cấp dành cho binh lính và sĩ quan trên đỉnh núi Phia Oắc. Hiện một số biệt thự cổ của người Pháp vẫn còn được lưu giữ và là điểm đến không thể bỏ qua khi khách du lịch đến tham quan. Sắp tới nếu Dự án xây dựng khu du lịch Phia Oắc được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt, huyện sẽ cho xây dựng một khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ngay dưới chân núi Phia Oắc nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước".

Anh Nông Văn Trường (Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình)
Quách Dương

Bình luận(0)