Sự cố mới nhất xảy ra lúc 10h35 (giờ địa phương) ngày 6/5 khi máy bay mang số hiệu VN780 xuất phát từ Melbourne (Úc) đến TP HCM gặp trục trặc kỹ thuật khi đang trên đường băng chạy đà chuẩn bị cất cánh. Sau khi tổ bay đình chỉ cất cánh theo quy trình, máy bay được đưa về sân đỗ. Toàn bộ 180 hành khách cùng 13 phi hành đoàn, hành lý, hàng hóa đều an toàn. Trong 180 hành khách của chuyến bay có 21 hành khách hạng thương gia và 155 hành khách hạng phổ thông cùng 4 trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
Sau khi sự cố xảy ra, Vietnam Airlines đã phối hợp với các
hãng hàng không khác để chuyển hành khách sang các chuyến bay cùng ngày để nối chuyến về TP HCM. Số hành khách còn lại sẽ được bố trí trên chuyến Sydney - TP HCM của Vietnam Airlines vào ngày mai.
Chiếc máy bay gặp sự cố là loại máy bay Airbus A330, được Vietnam Airlines đưa vào khai thác năm 2009. Kỳ kiểm tra kỹ thuật gần nhất của máy bay là ngày 2/5/2014. Cơ trưởng của chuyến bay là ông Nguyễn Hải Anh, có tổng giờ bay 14.474 giờ cho cả hai loại máy bay B777 và A330.
Đây không phải là lần đầu tiên máy bay của Vietnam Airlines gặp sự cố kỹ thuật trên hành trình bay. Liên tiếp trong thời gian vừa qua, những sự cố về rơi lốp máy bay, rụng ốp bảo vệ khiến hành khách của Vietnam Airlines nhiều phen hú vía.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Trước đó, ngày 26/3,
chuyến bay mang số hiệu VNA397 khi thực hiện hành trình bay Đà Lạt - TP HCM đã bị rơi ốp bảo vệ quạt làm mát phanh tàu bay. Sự cố này được các nhân viên kỹ thuật tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) phát hiện khi máy bay Airbus A321 mang số hiệu trên vừa kết thúc chặng bay. Khi có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất thì chiếc ốp bảo vệ quạt làm mát phanh ở bánh của nó vẫn đang nằm gần đường cất hạ cánh 09 tại sân bay Liên Khương (Đà Lạt).
Sau sự cố này, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản báo cáo nhanh về sự cố tới Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và một tổ công tác kiểm tra xác minh vụ việc đã được thành lập ngay sau đó. Theo đại diện Phòng tiêu chuẩn an toàn bay của Cục Hàng không Việt Nam, rất có thể nguyên nhân của sự cố này liên quan đến con người hoặc do quá trình bảo dưỡng chứ không phải là lỗi của nhà sản xuất máy bay.
Một sự cố tương tự xảy ra vào ngày 6/2, chuyến bay charter (khách thuê nguyên máy bay) từ Cam Ranh đi Côn Minh (Trung Quốc) được phát hiện mòn lốp ngay trước giờ khởi hành. Do ở sân bay Cam Ranh không có sẵn phụ tùng, hãng phải chuyển lốp từ TP HCM ra và chuyến đi Trung Quốc chậm 7 tiếng đồng hồ so với kế hoạch.
Ngày 21/10/2013, chuyến bay mang số hiệu VN1673 cũng của Vietnam Airlines cất cánh từ Hải Phòng sau khi hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng mới phát hiện ra lốp bị rơi. Chiếc lốp nặng tới 15 kg của máy bay ATR-72 được tìm thấy tại khu vực giáp ranh sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Cục Hàng không Việt Nam sau đó kết luận lốp rơi có thể do kẹt vòng bi hoặc nứt ngầm.
|
Một trong 2 chiếc lốp càng trước (bên trái) của máy bay ATR-72 bị rơi lúc nào không biết. Ảnh: Tiền phong. |
Ngay sau sự cố này, toàn bộ đội tàu bay ATR-72 được dừng khai thác để kiểm tra trục càng trước ngay khi hoàn tất các hành trình đang thực hiện.
Nói về sự cố rơi lốp máy bay lần này của Vietnam Airlines, nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, trường hợp rơi lốp máy bay là đặc biệt hy hữu, cũng may là rơi 1 lốp chứ rơi 2 lốp thì có thể gây tai nạn chết người.
Ngoài những sự cố trên, máy bay của
Vietnam Airlines đã có lần phải hạ cánh bằng bụng xuống sân bay Buôn Ma Thuột do không thể bung càng. Sự cố xảy ra máy bay King Air 200 (9 chỗ ngồi) mang số hiệu VN-B594 của Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO), công ty con của Vietnam Airlines trong chuyến bay chiều 25/11/2013. Nhận được tín hiệu xin phép hạ cánh bằng bụng, đài kiểm soát không lưu, Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột và các đơn vị liên quan triển khai phương án, lực lượng khẩn nguy, đưa xe cứu hỏa ra sát đường băng đảm bảo cho máy bay hạ cánh an toàn.
|
Chiếc máy bay mang số hiệu VN-B594 xảy ra sự cố tiếp đất bằng bụng. |
Theo đại diện VASCO, đây là chuyến bay chuyển trường (làm nhiệm vụ bay hiệu chuẩn), xuất phát từ Đà Lạt, hạ cánh tại Buôn Ma Thuột. Sân bay Buôn Ma Thuột đã phải đóng cửa từ 16h20 đến 19h cùng ngày để các chuyên viên triển khai phương án ứng cứu, đưa máy bay ra khỏi đường băng và xịt rửa vệ sinh đường hạ cất cánh. Nhiều chuyến bay đến Buôn Ma Thuột đang chuẩn bị
hạ cánh đã phải quay về TP HCM và Hà Nội.