Chính sách ngoại giao bất nhất của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Lợi ích kinh tế hay cách thức vận hành quân đội của Trung Quốc là hai nguyên nhân chính dẫn tới sự mâu thuẫn trong chính sách ngoại giao của nước này.

Quyết định của Bắc Kinh trong việc áp đặt Khu vực Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên phần lớn diện tích ở Biển Hoa Đông đã khiến căng thẳng ở khu vực ngày càng thêm trầm trọng.
Chưa kể, nó còn làm tiêu tan hi vọng của Nhật Bản trong việc cải thiện mối quan hệ vốn đã bị “đóng băng” trong một thời gian dài với Trung Quốc.
Dư luận quốc tế nhìn nhận, ADIZ của Bắc Kinh là nước cờ không mấy nhất quán trong chiến lược ngoại giao của nước này với các quốc gia láng giềng.
Quan hệ Trung-ASEAN
Đơn cử, chính quyền Bắc Kinh gần đây nỗ lực tạo dựng niềm tin với các nước trong khu vực ASEAN thông qua thiện ý xây dựng hình ảnh một đối tác hòa bình trong bối cảnh các nước này đang dần mất sự tin tưởng vào gã khổng lồ nước Mỹ.
Tuy nhiên, sau sự kiện siêu bão Hayan đổ bộ vào Philippines hồi tháng 11 vừa qua, dư luận quốc tế chỉ trích thái độ chần chừ của Trung Quốc trong công tác viện trợ quốc gia Đông Nam Á này.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (thứ 5 từ trái sang) cùng các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh trước thềm Hội nghị ASEAN-Trung Quốc lần thứ 16 diễn ra ở Brunei.
Thậm chí, nhiều chuyên gia phân tích còn không ngần ngại chia sẻ rằng, công sức xây dựng hình ảnh một đối tác thân thiện của Trung Quốc ở khu vực này coi như đã đổ xuống sông, xuống biển.
Theo một diễn biến khác, sau khi tuyên bố lập ra ADIZ, Trung Quốc cũng cử tàu sân bay Liêu Ninh tới Biển Đông trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền lãnh hải trong vùng này vẫn chưa đến hồi kết.
"Tuần trăng mật" Trung-Hàn sớm kết thúc
Thay vào đó, chính động thái lập ADIZ đã làm “tổn thương” tới tình bạn mới có được với Hàn Quốc. Trước đó, cả hai nước này cùng “bắt tay nhau” thể hiện sự bất bình trước những phát ngôn của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về vấn đề lịch sử.
Thấy được sự cải thiện này, một số chuyên gia còn thốt lên rằng, quan hệ Trung-Hàn đã có nhiều bước chuyển biển đáng kể từ sau Chiến Tranh Lạnh. Điều này vô tình khiến Nhật lâm vào cảnh cô lập, còn Mỹ lại càng thêm đau đầu về những rạn nứt giữa hai đồng minh quan trọng nhất của họ ở Đông Bắc Á.
Chủ tịch Tập Cập Bình và Thủ tướng Hàn Park Geun-hye gặp gỡ bên lề sự kiện APEC.
Chẳng những vậy, hồi tháng 6, nữ Tổng thống Hàn Park Geun-hye đã phá vỡ truyền thống ngoại giao lâu nay khi bà thực hiện chuyến thăm mang tính bước ngoặt tới Trung Quốc, trước khi đến thăm Nhật.
Tuy nhiên, tình bạn này cũng không trụ được quá lâu dưới tác động của một số nhân tố như: tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, tranh chấp lãnh thổ, hay sự mất lòng tin lẫn nhau chủ yếu về vấn đề an ninh.
Quan hệ Trung-Nhật
Trên một bình diện khác, trước khi ADIZ được công bố, mối quan hệ Trung-Nhật cũng có nhiều tín hiệu khả quan hơn trong thời gian gần đây. Đơn cử, Bắc Kinh đã đón tiếp một phái đoàn gồm 100 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Nhật, hay mở ra một diễn đàn (với sự tham dự của các nhà báo và cựu quan chức cao cấp của hai nước) để phá vỡ tảng băng ngăn cách quan hệ hai nước.
Chủ tịch Tập và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Đáp lại, Nhật Bản cũng phát đi những tín hiệu một cách kín đáo. Vào tháng 7, Thủ tướng Abe đã hoãn chuyến thăm tới ngôi đền Yasukuni tranh cãi. Ngoài ra, ông cũng trao phần thưởng danh dự cho một sinh viên Trung Quốc trước nghĩa cử cứu sống một đứa trẻ.
Chưa kể, vào tháng trước, Nhật cũng đối đãi hết sức thân tình một phái đoàn các lãnh đạo doanh nghiệp tới từ Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng giống như ASEAN, thiện chí cải thiện quan hệ của hai nước này đã sụp đổ sau tuyên bố ADIZ.
Lý giải sự mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trước và sau khi lập ra ADIZ
Sự mâu thuẫn trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc có thể do nhiều yếu tố như dụng ý kéo sự chú ý của dư luận ra khỏi tình hình bất ổn xã hội trong nước hay sự cạnh tranh giữa các phe phái chính trị. Tuy nhiên, nó cũng được lý giải bởi vai trò đặc biệt của Quân đội Trung Quốc.
Theo đó, quân đội nước này luôn được coi là “Quân đội của Đảng” (không phải của Nhà nước). Lực lượng này đảm bảo sức ảnh hưởng đặc biệt theo cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc vận hành đất nước. Về mặt này, việc thuần hóa quân đội được coi là ưu tiên chính trị hàng đầu đối với bất kỳ lãnh đạo nào trong Đảng.
Lợi ích kinh tế cũng là nhân tố ảnh hưởng không nhỏ tới các quyết định của quân đội nước này thông qua mô hình các doanh nghiệp quân đội.
Masahiro Yumino, chuyên gia phân tích các vấn đề về Trung Quốc ở Đại học Waseda, tiết lộ rằng, kể từ thông báo về ADIZ, giá trị các cố phiếu của các tập đoàn quốc phòng ở nước này đã tăng vọt lên.
Thanh Nga (theo DP)

Bình luận(0)