Phiến quân, binh sĩ Syria “bắt tay” đối phó Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Là kẻ thù trong cuộc nội chiến đẫm máu Syria, nhưng các chiến binh nổi dậy và binh sĩ chính phủ Assad lại có chung lập trường phản đối kế hoạch can thiệp quân sự của Mỹ.

 Xe tăng quân đội chính phủ Assad.
Trong hàng ngũ quân nổi dậy, không phải chiến binh nào cũng mong Mỹ can thiệp vào Syria. Một bộ phận không nhỏ các chiến binh tin rằng, các cuộc tấn công của Mỹ sẽ không thể thay đổi bất cứ điều gì. Đối với quân nổi dậy, các cuộc tấn công của Mỹ không chỉ là quá ít mà còn quá muộn. Một cuộc tấn công bị trì hoãn quá lâu chẳng còn khả năng giải quyết được gì ngoài việc phá hủy nốt những tòa nhà rỗng tuếch hay xác những chiếc xe tăng, chiến đấu cơ đã bị hạ.
Telegraph dẫn lời một chiến binh quân nổi dậy nhấn mạnh: “Người Mỹ sẽ chỉ tấn công phá hủy bề mặt Syria, làm tiêu hao 5% sức mạnh của chế độ và giữ thể hiện. Điều đó chẳng giúp ích gì cho chúng ta”.
Đối với chính phủ và quân đội Syria, sự can thiệp quân sự của Mỹ chính là hành động xâm lược hòng lật đổ chế độ núp dưới những lời nói dối họ tuyên bố với cả thế giới rằng, Tổng thống Assad phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công hóa học ngày 21/8.
Trước nguy cơ bị Mỹ tấn công, những binh sĩ Syria tỏ ra thách thức: “Nếu họ phóng tên lửa, chúng tôi sẽ phá hủy chúng”, một chiến binh Syria tay giương cao khẩu súng trường Kalashnikov tuyên bố. Người lính này thậm chí cam đoan, họ có vũ khí bí mật để vô hiệu hóa các tên lửa hành trình của Mỹ.
Theo Telegraph, với tất cả lòng can đảm, các binh sĩ cũng như người dân Syria đang chuẩn bị đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Có báo cáo cho biết, một hệ thống radar quân sự đã bị tháo dỡ khỏi sân bay quốc tế Damascus. Theo đó, các xe tăng, máy bay chiến đấu và tên lửa cũng được ngụy trang, giấu kín.
Các trụ sở của Bộ Quốc phòng và Tình báo đã sơ tán sạch sẽ, gọn gàng. Tất cả máy tính, thiết bị và tài liệu quan trọng đã được di chuyển đến nơi an toàn. Bộ thông tin đã thiết lập một mạng lưới truyền hình vệ tinh mới trong trường hợp Đài phát thanh truyền nhà nước bị tấn công.
Trên núi Qassioun, đỉnh núi nhìn về phía Damascus, chỉ thấy lác đác một số binh sĩ. Đó là một điều kỳ lạ vì nơi đây được cho là căn cứ quân sự kếch xù và là các cứ điểm bố trí pháo binh quan trọng từng oanh tạc các vùng ngoại ô như Daraya và Ghouta.
Một chỉ huy quân đội tại căn cứ Qassioun cho biết, người Mỹ có thể tấn công ngọn núi nhưng binh sĩ và các hệ thống vũ khí quan trọng được đặt ở tận sâu trong lòng núi – nơi các tên lửa hành trình không thể xâm nhập.
Tầng lớp trung lưu và doanh nhân ở thủ đô Damascus hoặc ít nhất nhiều người trong số họ đã không chọn biện pháp chạy trốn khỏi cuộc tấn công của Mỹ bất chấp những hậu quả khôn lường. Nhiều người quan ngại, nếu cuộc tấn công của Mỹ đủ khả năng phá hủy áp đảo những phi đội chiến đấu cơ, sân bay và các trang thiết bị, hệ thống vũ khí của quân đội Assad, nó sẽ mở đường cho các nhóm nổi dậy cực đoan có liên kết với khủng bố al-Qaeda tiến vào thủ đô Damascus và lật đổ toàn bộ chế độ Assad.
Trong khi đó, những tín đồ Kitô giáo và người Sunni cũng như tộc người Alawite ủng hộ Tổng thống Assad quan ngại Syria có thể bị tàn phá và hủy hoại bởi một cuộc tấn công Hồi giáo với sự hỗ trợ của tên lửa Mỹ.
Tuy nhiên, phần lớn công dân Syria tin rằng, cuộc tấn công của Mỹ sẽ chẳng thay đổi hiện trạng là bao. Các trụ sở đầu não, các cơ quan chỉ huy có thể trở thành mục tiêu tấn công nhưng chẳng còn lại bất cứ ai, bất cứ thứ gì ở bên trong.
Một chỉ huy quân đội trẻ Syria cáo buộc: “Mỹ sẽ đứng về phía các chiến binh al-Qaeda chống lại chúng tôi ư? Làm sao Mỹ có thể chống lại một quốc gia thế tục có chủ quyền và ủng hộ những kẻ Hồi giáo thánh chiến không ngại giết hại dã man các tù binh chiến tranh và ném xác họ xuống giếng?”.
Bạch Dương (Theo Telegraph)

Bình luận(0)