Khủng hoảng Châu Âu: Khi lính cứu hỏa đốt nhà…

Google News

(Kiến Thức) - Chẩn đoán nhầm, biện pháp không phù hợp… chính sách “khắc khổ” mà Anh-Đức-Pháp áp đặt cho các “bệnh nhân” Châu Âu khiến cho suy thoái kinh tế trầm trọng thêm.

 
Khủng hoảng Châu Âu sẽ ra sao, khi lính cứu hỏa "tự châm lửa đốt nhà"?

Tuần báo Le Nouvel Observateur bắt mạch thực trạng hiện nay dưới dòng tựa hóm hỉnh “Khủng hoảng: lính cứu hỏa đốt nhà”.
Tình hình Châu Âu chưa bao giờ trở nên bi quan như hiện nay. Châu Âu lún sâu vào suy thoái kinh tế, với hơn 20 triệu người thất nghiệp.
Tuần báo Le Nouvel Observateur đăng một sơ đồ tóm tắt năm quốc gia nằm trong diện “báo động đỏ” - gồm Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy và Hy Lạp.
“Con hổ” Irland đang lâm trọng bệnh với tình trạng thất nghiệp hàng loạt và tăng trưởng chậm chạp. Tỉ lệ thâm hụt ngân sách quý 1 năm 2013 là 7,3%, cao nhất trong Liên minh Châu Âu. Tình hình ở Bồ Đào Nha cũng chẳng khả quan hơn. Khủng hoảng kinh tế sẽ còn tiếp tục, với dự đoán tăng trưởng GDP năm 2013 của nước này sẽ là -2,3%. Tăng trưởng của Tây Ban Nha dường như chỉ là ảo giác mặc dù tỉ lệ xuất khẩu cao hơn nhờ chính sách giảm lương trong nước để tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, số lượng người thất nghiệp sẽ còn tăng và trở thành gánh nặng cho nền kinh tế vốn đã ọp ẹp của Tây Ban Nha. Hơn 6 triệu người mất việc từ năm 2007 và chỉ riêng từ 18 tháng trở lại đây, đã có thêm 1,7 triệu người mất việc làm. Italy cũng khiến cho Liên minh Châu Âu lo lắng với số nợ công khổng lồ và lãi suất trái phiếu chính phủ lên tới 4,48%. Đối với Hy Lạp, Le Nouvel Observateur là “không có tương lai”. Tỉ lệ thất nghiệp tại đây lên tới 62,5% vào tháng Hai vừa qua. Với 380 tỷ euro được Liên minh Châu Âu rót vào kể từ khi xảy ra khủng hoảng, Hy Lạp vẫn chưa nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.
Liều thuốc “khắc khổ” của Liên minh Châu Âu mang lại kết quả là có thêm hàng triệu người thất nghiệp. Nhà kinh tế đoạt giải Nobel, Joseph Stiglitz, nhận định: “Châu Âu phải chấm dứt nỗi ám ảnh thâm hụt ngân sách và phải thay đổi chiến lược”. Đồng tình với ý kiến trên, nhà kinh tế Daniel Cohen cho rằng: “Nếu một lúc nào đó, người ta có thể tạm ngừng các kế hoạch khắc khổ, người ta sẽ thấy là tăng trưởng có thể quay trở lại với Châu Âu”. Tuy nhiên, ông không lạc quan và nhận xét: “Khi Châu Âu vẫn còn miệt mài làm cái điều ngược lại và chống đối một chính sách chung, căng thẳng chỉ có thể leo thang".
Tác giả bài báo cảnh tỉnh những người nhầm tưởng khủng hoảng đã lùi lại phía sau rằng “Mùa hè năm nay sẽ rất nóng bỏng”.
Văn Bình (theo Le Nouvel Observateur)

Bình luận(0)