Tử hình bằng tiêm thuốc: Cái chết không chóng vánh

Google News

Khi tử hình bằng tiêm thuốc gặp trục trặc, tử tù sẽ đau đớn tột cùng.

- Trong số hơn 500 vụ tử hình bằng tiêm thuốc được tiến hành tại Mỹ từ năm 1982, chỉ 20 vụ gặp trục trặc. Tuy nhiên, khi trường hợp này xảy ra thì tử tù sẽ đau đớn tột cùng.

Bất tỉnh, liệt cơ, tim ngừng đập

Tử hình bằng tiêm thuốc được nhắc đến lần đầu tiên ở Mỹ vào cuối thế kỷ XIX, khi Ủy ban Tử hình của New York tìm kiếm một phương pháp nhân đạo hơn treo cổ. Tuy nhiên, đến năm 1977, phương pháp này mới được chấp nhận khi chuyên gia y tế người Oklahoma Jay Chapman giới thiệu 3 loại thuốc có thể dùng để xử tử. Năm 1982, Texas trở thành nơi đầu tiên sử dụng phương pháp này khi tử hình sát thủ 40 tuổi Charles Brooks. Từ đó, tử hình bằng tiêm thuốc trở nên phổ biến tại các nhà tù Mỹ.

Khi tử hình bằng tiêm thuốc, đầu tiên, các nhân viên thi hành án trói chặt tử tù vào băng ca rồi chuyển vào phòng thi hành án. Tiếp đó, họ đâm kim truyền vào tĩnh mạch ở cả 2 tay của tử tù, rồi bấm nút bơm 3 loại thuốc vào cơ thể tử tù lần lượt theo thứ tự: Sodium Thiopental, Pancuronium Bromide và Potassium Chloride.

Sodium Thiopental có tác dụng làm suy giảm hệ thần kinh trung ương, khiến tử tù hôn mê. Pancuronium Bromide là thuốc gây liệt cơ. Nó sẽ làm tử tù ngạt thở. Cuối cùng, Potassium Chloride có tác dụng làm tim ngừng đập và dẫn tới cái chết nhanh chóng. Nếu Sodium Thiopental không được tiêm đủ liều thì tử tù sẽ vẫn tỉnh táo và phải trải qua một cái chết đau đớn.

Tử tù được cố định vào băng ca trước khi tiêm thuốc.
Tử tù được cố định vào băng ca trước khi tiêm thuốc.

Hoãn thi hành án vì không thấy ven

Tử hình bằng tiêm thuốc mất thời gian hơn bất cứ phương pháp nào khác. Thông thường mỗi vụ thi hành án kéo dài 30 - 45 phút, tùy thuộc vào thủ tục tiến hành hoặc thao tác tìm ven.

Vấn đề thường gặp ở phương pháp tử hình này là khó khăn trong việc tìm ven trên người tử tù. Ngay cả những nhân viên y tế giàu kinh nghiệm nhất đôi lúc cũng gặp khó khăn với việc đưa kim tiêm vào tĩnh mạch tử tù.

Bên cạnh đó, áp lực ven cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Thông thường, bác sĩ sẽ phải khéo léo tính toán để đưa mũi tiêm vào tĩnh mạch với một lực vừa phải, cao hơn áp lực đẩy trong mạch máu một chút. Nếu quá tay, bác sĩ sẽ làm vỡ ven.

Cách đây 1 năm, vụ tử hình Bennie Demps bằng phương pháp tiêm thuốc ở bang Florida đã diễn ra không mấy suôn sẻ. "Anh ta phàn nàn về quy trình và nói rằng mình bị chảy rất nhiều máu", George Schaefer, luật sư của Bennie Demps nói. "Họ xé xác tôi rồi!" là những lời cuối cùng Demps hét lên trước khi chết.

Năm 2009, các nhân viên thi hành án ở Ohio mất đến 2 tiếng mà không tìm được tĩnh mạch trên cơ thể tử tù Romell Broom, khiến Thị trưởng phải ra lệnh hoãn thi hành án. Tử tù đã bị thương nặng vì việc này. Sau sự cố này, Ohio đã đưa vào sử dụng 1 phương pháp mới với chỉ 1 loại thuốc duy nhất. Theo đó, nhân viên y tế sẽ tiêm vào cơ thể tử tù một lượng lớn thuốc an thần (Sodium Thiopental) mà nhiều chuyên gia cho rằng không hề đau đớn và hiệu quả hơn cách thông thường.

Trong số hơn 500 vụ tử hình bằng tiêm thuốc được tiến hành tại Mỹ từ năm 1982, chỉ 20 vụ là có trục trặc. Tuy nhiên, khi trường hợp hãn hữu này xảy ra thì tử tù sẽ đau đớn tột cùng.

"Nhìn bề ngoài thì người tử tù trông khá là thoải mái và thư thái", BS Edward Brunner từ Đại học Y Northwestern nói, "Nhưng nếu thuốc ngủ hết tác dụng thì anh ta sẽ tỉnh táo và cảm nhận được hết những thứ đang diễn ra dù bị tê liệt toàn thân và ngạt thở".

Khi kẻ giết người hàng loạt John Wayne Gacy bị xử tử vào năm 1994, người ta phải tiến hành tiêm thuốc tới 2 lần bởi thuốc được chuẩn bị trước đó đã hóa đặc, làm tắc ống truyền vào ven trên cánh tay Gacy. Phải mất 18 phút hắn mới tử vong.

Nhiều người quy trách nhiệm cho những nhân viên thi hành án nhưng ông William Kunkle, công tố viên trong vụ án này đã nói: "Hắn ta vẫn có cái chết dễ dàng hơn nhiều so với nạn nhân của hắn. Và điều quan trọng là hắn đã phải dùng chính mạng sống của mình để chuộc lỗi".
 
Phương Thanh (Theo ABC, Times, NYTimes)
[links()]

Bình luận(0)