Xét lại vị trí lịch sử của các vua chúa Việt

Google News

(Kiến Thức) - Giới nghiên cứu sử học Việt Nam gần đây đưa ra nhiều góc nhìn khác về vai trò của một số vị vua trong lịch sử dân tộc.

Lê Long Đĩnh có thật là vị vua dâm loạn, tàn ác?
Trong chính sử Việt Nam, Lê Long Đĩnh được mô tả là người bạo - ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa. Ông nổi danh vì những thú vui tàn ác như tra tấn tù binh bằng các cách thức mạn rợ, lấy mía để trên đầu nhà sư mà róc cho tóe máu… Do sống dâm dục quá độ, Lê Long Đĩnh mắc bệnh không ngồi được, đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là “Ngọa-triều".
Trên báo Thanh Niên, tác giả Hoàng Hải Vân cho rằng khó tin được Lê Long Đĩnh là người "dâm dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được" (ngọa triều) vì trong suốt thời gian ngắn 4 năm cầm quyền ông đã tự mình làm tướng đi chinh phạt đến 5 lần và trận chiến cuối cùng mà Lê Long Đĩnh tham dự trước khi ông chết là 2 tháng (trận vua đem quân đi đánh châu Hoan Đường, Thạch Hà vào mùa thu tháng 7 năm Kỷ Dậu 1009). Cầm quân đánh giặc liên miên như vậy phải là một người cường tráng.
Không chỉ vậy, nhiều nguồn sử liệu khẳng định, Lê Long Đĩnh là ông vua đầu tiên cử người đi lấy kinh Đại Tạng cho Phật giáo và sư Vạn Hạnh, thiền sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu cũng như các cao tăng khác thời đó đều được Lê Long Đĩnh rất trọng vọng... Và một ông vua đề cao Phật pháp như vậy có thể nào "lấy mía để trên đầu nhà sư mà róc"?
Trước khi chết ở độ tuổi 24, Lê Long Đĩnh còn chăm lo việc đào kênh, mở mang đường xá và đến tận nơi xem xét rồi xuống chiếu đóng thuyền bè đi lại cho dân. Một ông vua suốt ngày ham mê tửu sắc không đi lại được đến mức phải "ngọa triều", ông vua đó có thể làm được những chuyện ý nghĩa như vậy không?
Vua Gia Long: Tội đồ hay vĩ nhân lịch sử?
Trên Tạp chí Sông Hương, tác giả Trần Cao Sơn đã đưa ra nhận định rằng, những lỗi lầm của va Gia Long - Nguyễn Ánh là rất lớn và đáng lên án, nhưng vẫn có thể coi ông là một vĩ nhân lịch sử, một thực thể tất yếu của lịch sử Đại Việt. Trong danh mục những minh vương dựng nghiệp lớn, có cả tên ông.
Theo tác giả, triều Nguyễn tồn tại gần 150 năm, kể từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Gia Long - năm 1802, đã tạo dựng một đế chế tập quyền trên toàn bộ lãnh thổ, mà trước đó chưa hề có. Trải qua một thế kỷ rưỡi tồn tại, vinh hoa và tủi nhục, Triều đại Nguyễn là một thực thể cấu thành trong lịch sử Đại Việt. Những cái do triều đình nhà Nguyễn mang lại cũng rất có ý nghĩa, đó là chấm dứt cuộc nội chiến, tranh giành quyền lực, xương trắng máu đào liên miên mấy thế kỷ, kiến tạo bộ máy quản lý hành chính trung ương tập quyền thống nhất mà Quang Trung - Nguyễn Huệ đã dày công vun đắp gây dựng trước đó. Dân tộc đã phải trải qua những năm tháng bi hùng với nhiều điều nuối tiếc, đáng bàn đáng. Song lịch sử là lịch sử, đó là một hiện thực khách quan.
Vua Gia Long.
Chúng ta tự hào vì chúng ta có Nguyễn Huệ Quang Trung, thì đồng thời chúng ta cũng không thể lãng quên Nguyễn Ánh hoặc tuỳ tiện đánh giá về con người này. Hai thế lực, hai trận tuyến, là kẻ thù không đội trời chung. Nhưng hai con người này đều là thực thể Việt Nam. Mỗi người trong họ đã tạo cho người còn lại một môi trường của sự thử sức, lòng can đảm và sự khôn ngoan để đoạt chiến thắng từ tay đối phương. Đây là hai mặt trong một thể thống nhất biện chứng; mỗi người đều là căn cứ để đánh giá và nhìn nhận người kia.
Tài năng thiên bẩm của Nguyễn Ánh là không thể phủ nhận. 15 tuổi (1777) cầm quân, xông pha trận mạc, quyết định những chiến thắng quan trọng và là linh hồn của các thế lực Đàng Trong. 18 tuổi (1780), qua những năm tháng thử lửa, ông đã chính thức được tôn vinh làm Chúa Nguyễn - Nguyễn Vương. Sài gòn - Gia Định trở thành thủ đô trong thánh địa của triều đại ông.
Trong lịch sử vương quyền, chưa một vị vua nào như Nguyễn Ánh, trước khi ngồi trên ngai vàng, cuộc đời và sự nghiệp lại nhiều gian lao và thách đố đến như vậy, cũng chưa thấy ai đầy lòng kiên nhẫn để mưu nghiệp lớn như ông. Hơn 20 năm lăn lộn, cận kề cái chết, nhưng ông vẫn vươn lên giành được thắng lợi cuối cùng. Mệnh trời đã mỉm cười với ông. Ông đã chiến thắng.
Nhà Mạc là một vương triều chính thức của Việt Nam?
Trên báo Thanh Niên, PGS-TS Tạ Ngọc Liễn cho biết, qua các cuộc hội thảo khoa học, các công trình nghiên cứu về nhà Mạc, giới sử học Việt Nam đã đi tới thống nhất ý kiến đánh giá, khẳng định vai trò tích cực của nhà Mạc trong tiến trình lịch sử dân tộc, sự phát triển khá mạnh mẽ của xã hội Việt Nam.
Trong những năm tháng trước khi cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều (tức là chiến tranh giữa nhà Lê và nhà Mạc) diễn ra ngày càng dữ dội (sau 1545), trên các vùng đất nhà Mạc cai quản, do sản xuất nông nghiệp được triều đình chú trọng, nên mùa màng bội thu.
 Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn.
Thủ công nghiệp trong dân gian thời Mạc rất thịnh vượng, xuất hiện nhiều làng nghề thủ công, trong đó có nghề làm đồ gốm, nghề chạm khắc đá, nghề dệt tơ lụa... Đặc biệt là nghề làm đồ gốm với những sản phẩm nổi tiếng chân đèn, lư hương... cùng nhiều loại hình phong phú khác, trở thành gốm xuất khẩu được nhiều nước ưa thích.
Tiếp tục truyền thống từ triều Lê coi trọng khoa cử, triều Mạc Đăng Dung chủ trương: “Dùng văn giáo mà rèn luyện nhân tài, sửa trường học để mở rộng nền giáo dục, ban học quy để cổ vũ lòng hăng hái…”. Triều Mạc tổ chức được tất cả 22 khoa thi (khoa thi đầu tiên năm 1529, thời Mạc Đăng Dung, khoa cuối cùng năm 1592, đời Mạc Mậu Hợp), lấy đỗ 485 tiến sĩ, trong đó có 13 trạng nguyên. Xuất thân khoa bảng dưới triều Mạc, có nhiều nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Hà Nhậm Đại, Hoàng Sĩ Khải... Kiến trúc chùa, quán (Đạo giáo), đình và nghệ thuật tạc tượng thời Mạc cũng đạt đến đỉnh cao.
"Như vậy, rõ ràng nhà Mạc là một vương triều chính thức, tồn tại 65 năm, có vai trò, vị trí lịch sử như các vương triều Lê, Nguyễn... Trị vì đất nước không dài nhưng triều Mạc đã có nhiều chính sách tốt nhằm đưa đất nước phát triển…", PGS-TS Tạ Ngọc Liễn khẳng định.
Thanh Bình

Bình luận(0)