Dù sở hữu ba ngàn mỹ nữ trong cung, Đường Huyền Tông vẫn không thể rời mắt khỏi Dương Quý Phi. Ở cạnh nàng, đấng quân vương có cảm giác ấm áp, lãng mạn đến lạ lùng. Nhan sắc khuynh nước khuynh thành của đại mỹ nhân khiến vị vua già mê đắm không dứt.
Ông hoàng nâng niu nàng như nâng niu báu vật và từng xúc động thốt lên: “Trẫm có được Dương Quý Phi như có được ngọc quý”. Bạch Cư Dị trong
Trường hận ca cũng viết:
Ba nghìn cung nữ bao người
Mà lòng yêu dấu riêng nơi một nàng .
Mô tả vẻ đẹp “tu hoa” của Dương Ngọc Hoàn, Lý Bạch có bài Thanh bình điệu
Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung,
Xuân phong phật hạm, lộ hoa nùng.
Nhược chi quần ngọc sơn đầu kiến,
Hội hướng Đao đài nguyệt hạ phùng.
(Thoáng bóng mây hoa, nhớ bóng hồng.
Gió xuân dìu dặt giọt sương trong.
Ví chăng non ngọc không nhìn thấy,
Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông - Ngô Tất Tố dịch).
Thời nhà Đường, nét phú thái đầy đặn của Dương Quý Phi được xem là vẻ đẹp chuẩn mực của người phụ nữ. Theo ghi chép của sử sách Trung Quốc, trong số vô vàn những tuyệt chiêu làm đẹp được đại mỹ nhân áp dụng, không thể không nhắc tới lệ chi – tức trái vải.
Đỗ Mục có bài thơ nổi tiếng Quá hoa thanh cung:
Trường An hồi vọng tú thành đồi ,
Sơn đính thiên môn thứ đệ khai.
Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu,
Vô nhân tri thị lệ chi lai!
(Trường An trông tựa gấm hoa thêu
Nghìn cửa trên nên đã mở đều
Ngựa ruổi bụi hồng, phi mỉm miệng
Ai hay vải tiến đã về triều! - Lê Nguyễn Lưu dịch – Theo Thivien.net)
Vậy cũng đủ thấy người đẹp Ngọc Hoàn mê mẩn trái vải tới mức nào. Tương truyền, ngay từ thuở bé, Dương Quý Phi đã rất thích ăn loại quả này. Sau khi nhập cung, sở thích thuở xưa của nàng vẫn không thay đổi. Nhưng vải chỉ trồng được ở vùng phía Nam, lại không thể bảo quản lâu ngày. Cứ đến mùa vải, Đường Huyền Tông lại sai người, ngựa lặn lội đường xá xa xôi, tới phương Nam để chở về kinh đô Trường An, dâng lên người đẹp. Thú ăn vải của Dương Quý Phi được sách vở bàn tới bấy lâu nhưng vì sao người đẹp lại mê mẩn loại quả có vị ngọt ngào thơm ngon này đến vậy – đó là bí mật chưa hẳn ai cũng biết.
Theo sử liệu, Dương Quý Phi sở dĩ rất thích ăn vải bởi người đẹp nhận ra công hiệu giải độc, dưỡng dung nhan của loại quả ngọt thơm này. Trong trái vải chứa hàm lượng đường cao, có tác dụng bổ sung năng lượng, tăng cường dinh dưỡng. Người phụ nữ ăn vải sẽ giúp ngực nở, vòng ba căng tràn. Đó chính là vẻ đẹp “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” đạt tới độ chuẩn mực thời bấy giờ.
Thêm nữa, ăn vải khiến cơ thể toát nhiều mồ hôi, giúp giải trừ độc tố trong người. Loại quả này chứa hàm lượng protein và vitamin phong phú nên có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, khiến da dẻ hồng hào, nhẵn nhụi; trị chứng hôi miệng…Đó quả là những công dụng tuyệt vời để giữ gìn dung nhan ở người phụ nữ.
Tuy nhiên, tục ngữ Trung Quốc cũng có câu: “Nhất chích lệ chi tam bả hỏa”. Ăn nhiều vải dễ bị nóng trong, nặng thì lở miệng, chảy máu mũi… Dương Quý Phi cũng chẳng ngoại lệ. Để đối phó với những nhược điểm trên, nàng tích cực thu thập kinh nghiệm dân gian để phòng ngừa.
Theo ghi chép của “Khai nguyên thiên bảo di sự”, Dương Quý Phi có hai bí quyết giải nhiệt nhuận phế cực nổi tiếng thời bấy giờ, một là ngậm “ngọc ngư”, hai là uống sương đọng trên hoa. “Ngọc ngư” được nhắc tới ở đây ý chỉ miếng ngọc được mài giũa thành hình con cá. Theo sử sách, hằng ngày, người đẹp đều ngậm một miếng ngọc trong miệng, vừa để giải khát, lại có tác dụng thanh nhiệt giải độc, rất tốt cho phổi.