Những khóa 'bồi dưỡng văn hóa' định kỳ cho thái giám dưới thời Minh Thành Tổ chính là cơ sở cho sự ra đời của trường học dành riêng cho thái giám dưới thời nhà Minh.
Nơi đào tạo thái giám
Mặc dù triều Minh sau này nổi tiếng là “vương quốc của thái giám”, Chu Nguyên Chương - người sáng lập ra triều đại này - ngay từ đầu đã rất đề phòng những kẻ “không thể không có nhưng lại cực kỳ nguy hiểm này”. Vào năm Hồng Vũ thứ 17, tức năm 1384, Chu Nguyên Chương đã cho treo một tấm bia, viết rõ: “Nội thần (thái giám) không được tham dự việc chính sự, những kẻ chống lại sẽ bị chém đầu”. Thế nhưng, sự đề phòng của Chu Nguyên Chương không duy trì được lâu.
|
Ảnh minh họa.
|
Sau khi ông vua khai quốc triều Minh băng hà, hiệu lực của tấm bia cũng không còn mấy hiệu lực nữa. Con trai của Chu Nguyên Chương là Minh Thành tổ Chu Đệ trong thời gian cai trị của mình đã bắt đầu sử dụng bọn thái giám để làm một số công việc liên quan tới sách vở, văn tịch, điển chương…
Làm những công việc này mà không biết chữ thì không được, biết chữ mà không hiểu rõ nghĩa cũng không được. Vì thế, Chu Đệ bắt đầu nghĩ tới việc bồi dưỡng văn hóa cho thái giám để họ giúp việc cho mình được đắc lực hơn. Những khóa “bồi dưỡng văn hóa” định kỳ cho thái giám dưới thời Minh Thành Tổ chính là cơ sở cho sự ra đời của trường học dành riêng cho thái giám dưới thời nhà Minh.
Trường học thái giám đầu tiên được thành lập dưới thời Minh Tuyên Tông Chu Thiêm Cơ với tên gọi là “Nội thư đường”. Theo cuốn sách “Tiêu hiên tùy lục” in vào thời nhà Thanh thì học sinh của Nội thư đường là tất cả thái giám trong hậu cung, độ tuổi nhập học vào khoảng trên dưới 10 tuổi và số lượng học sinh vào khoảng 2 - 3 trăm người. Sau đó, dường như Nội thư đường bắt đầu được mở rộng, tuyển thêm cả những thái giám ở bên ngoài cung. Bởi lẽ, theo một vị thầy giáo của trường này ghi chép lại thì dưới tay mình có khoảng 800 - 900 học sinh.
Mặc dù là trường dạy cho thái giám, tuy nhiên, từ đội ngũ giảng viên của trường này có thể thấy, Nội thư đường không kém gì so với trường quốc học dành cho các hoàng tử và con cháu quan lại. Toàn bộ thầy dạy ở Nội thư đường đều là học sĩ viện hàn lâm. Sử sách ghi chép rằng, người đầu tiên được mời tới dạy ở Nội thư đường chính là đại học sĩ Trần Sơn, ngoài ra, còn có 4 vị hàn lâm học sĩ khác được cử tới làm “trợ giảng”.
Trần Sơn hoàn toàn chẳng phải kẻ tầm thường. Ông đỗ tiến sĩ dưới thời Chu Nguyên Chương, tham gia biên soạn cuốn “Vĩnh Lạc Đại Điển” đồ sộ và từng là thầy dạy chuyên trách cho các hoàng thái tôn. Trần Sơn được hoàng đế ưu ái tới mức có lần ông bị ngã ngựa, chân bị trầy một chút, thế nhưng Minh Nhân Tông còn tự tay bó thuốc cho ông. Một đại thần được sủng ái như Trần Sơn mà được cử tới dạy tại Nội thư đường thì cũng đủ biết các hoàng đế triều Minh coi trọng ngôi trường này đến thế nào.
Với thầy giáo toàn là viện sĩ hàn lâm, vậy, các thái giám được học gì ở Nội thư đường? Sử sách chép rằng, hầu hết các sách của Nho học từ Bách gia tính, Tam thiên tự, Hiếu Kinh, Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử … đều được giảng dạy tại đây. Tuy nhiên, đây chỉ là những loại sách thuộc loại “vỡ lòng” cho thái giám. Những tài liệu khó hơn được các giáo viên căn cứ vào trình độ cũng như khả năng tiếp thu của các thái giám để giảng dạy.
Tại Nội thư đường, các tài liệu được sử dụng để giảng dạy được gọi bằng cùng một tên là: “Nội lệnh”. Tuy nhiên, nhiều ghi chép nói rằng, cuốn sách mà các học viên thái giám thích được học nhất chẳng phải là “Luận ngữ” hay những tài liệu cao siêu khác mà chính là cuốn “Tam Quốc chí diễn nghĩa”.
Những hình phạt tàn khốc
Cũng giống như các trường Nho học thông thường khác, học sinh khi nhập học phải thực hiện đầy đủ các nghi lễ. Đầu tiên là phải hành lễ trước tranh của các thánh nhân, người ta gọi đây là “tôn thánh” (tôn trọng thánh nhân). Tiếp theo đó là “tôn sư” (tôn trọng thầy giáo). Khổng Tử khi nhận học trò đòi thịt sấy khô, còn ở trường dành cho thái giám, lễ mà các học trò mang đến trình diện thầy bao gồm: nến, khăn tay và trầm hương. Còn học phí thì đương nhiên là do triều đình chu cấp.
Ngoài yếu tố lễ nghĩa, Nội thư đường cũng thích sự phô trương. Theo lời nhiều thầy giáo ở ngôi trường này kể lại thì một ngày trước khi tới trường dạy, quản lý trường học sẽ gửi một giấy mời tới tận nhà rất trang trọng. Tới hôm vào trường dạy, sẽ có hơn 40 học sinh đứng chờ ở cổng Thừa Thiên (cổng vào hoàng cung) để đón tiếp.
Sau khi đón được thầy giáo, tới Đoan Môn thì đặt bàn tiệc, “cán bộ lớp” cùng với “hiệu trưởng” sẽ cùng biếu cho thầy giáo phong bì, tổng cộng có 9 chiếc. “Cán bộ lớp” ở Nội thư đường được chọn ra trong số các học sinh của trường, còn “hiệu trưởng” chính là một thái giám được phong chức đề đốc đảm nhiệm việc quản lý trường.
Nội thư đường khách khí với các thầy giáo nhưng đối với học viên thì không khách khí chút nào, nếu không muốn nói là áp dụng chế độ cai quản rất khắc nghiệt. Theo sách “Tiêu hiên tùy lục”, học sinh một khi không thuộc bài hoặc viết chữ sai nét hoặc làm bẩn và hỏng sách thì các thầy giáo vốn là viện sĩ viện hàn lâm sẽ không xử phạt mà giao cho “hiệu trưởng” xử lý. Việc xử lý sẽ căn cứ trên mức độ nặng nhẹ cũng như tình tiết của việc phạm lỗi.
Lỗi nhẹ thì sẽ xử phạt bằng cách cho bạn học dùng thước sắt đánh vào tay. Nặng hơn một chút thì sẽ bắt quỳ trước tranh của đức Khổng Tử. Nặng hơn một chút nữa thì độ khó khăn của hình phạt cũng sẽ tăng thêm. Lúc này, người bị phạt không phải quỳ nữa mà đứng thẳng, người cúi gập xuống, hai tay nắm vào hai chân và chân không được cong.
Về cơ bản thì hình phạt này giống như một động tác thể dục. Tuy nhiên, nếu tập thể dục thì tay, chân và người có thể động cựa được còn hình phạt ở Nội thư đường thì người chịu phạt nhất định không được cựa, cựa sẽ bị đánh hoặc phải làm lại từ đầu.
Khi bị phạt như vậy, người bị phạt sẽ đứng bao lâu? Điều này lại còn tùy vào từng tình huống. Nếu hôm đó, “hiệu trưởng” khách khí một chút, hoặc người phạm lỗi có quan hệ tốt với “hiệu trưởng” thì có thể chỉ phải bị phạt nửa nén hương. Còn nếu bị nặng hơn thì có thể bị phạt cả nén hương, thậm chí là phạt nửa ngày. Cứ thử tưởng tượng, phải làm động tác cúi gập người, đầu luôn chúi xuống đất, hai tay lại bị dính chặt vào hai chân, không được cựa quậy nửa bước, quả thực là một trạng thái vô cùng khó chịu.
Tác dụng phụ của hình phạt tai quái này chính là khi nửa nén hương hoặc một nén hương cháy hết thì người bị phạt hoặc ngã ngửa ra bất tỉnh hoặc nôn thốc nôn tháo rồi đổ bệnh tới cả tháng trời. Phương Tuấn Sư - tác giả của “Tiêu hiên tùy lục”, khi chép về những hình phạt trong Nội thư đường cũng phải thốt lên rằng: “Thật không có hình phạt nào tàn khốc hơn loại hình phạt này”.
Với sự đào tạo khắc nghiệt như vậy, các thái giám được đào tạo từ Nội thư đường đa phần đều khá lanh lợi. Vì vậy, ngoài việc cung cấp thái giám phục vụ cho hậu cung, đôi khi, Nội thư đường cũng cung cấp nhân lực cho các cơ quan đơn vị của triều đình. Chẳng hạn như các nha môn thiếu người viết chữ có thể viết báo cáo gửi tới Nội thư đường, đề nghị giới thiệu cho mình một người. Sau khi được triều đình chấp thuận, Nội thư đường sẽ chọn lựa các thái giám viết chữ đẹp để sắp xếp tới làm việc tại các nha môn.