Quý nhân phù trợ Lý Công Uẩn là ai?

Google News

(Kiến Thức) - Nếu không có quý nhân phù trợ, Lý Công Uẩn có lẽ đã chết dưới độc thủ của vua Lê Long Đĩnh. Người đó là ai?

Kế khích tướng

Lý Công Uẩn và Lý Nhân Nghĩa là hai người đã lớn lên bên nhau từ nhỏ, tình thân như anh em. Lý Công Uẩn là con nuôi sư Khánh Văn còn Nhân Nghĩa là học trò của nhà sư. Khi trưởng thành, Lý Công Uẩn được sư Vạn Hạnh và sư Khánh Văn tiến cử làm võ quan trong triều Lê Đại Hành. Lý Nhân Nghĩa, vì có khuyết tật bẩm sinh, cũng được sư Khánh Văn nhờ người giới thiệu vào làm thái giám trong hoàng cung. Từ đó hai người Công Uẩn và Nhân Nghĩa ít khi gặp nhau.

 Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn). Tranh minh họa. Nguồn: Internet. 

Điều trái khoáy là tình thế đã khiến 2 người anh em thân thiết đó gần như đứng ở hai trận tuyến đối nghịch. Trong khi Lý Nhân Nghĩa hầu hạ hoàng tử Long Đĩnh thì Lý Công Uẩn lại phò trợ hoàng tử Long Việt.

Tháng 3/1005, Lê Đại Hành băng hà, theo di chiếu, Thái tử Long Việt kế vị ngai vàng. Tuy nhiên, các hoàng tử khác đều ngấp nghé tranh giành ngôi báu gây nên cảnh nồi da nấu thịt. Tháng 10 cùng năm, sau khi giết hoàng tử Ngân Tích, Long Việt lên ngôi vua. Nhưng chỉ 3 ngày sau, chính Long Việt lại bị người em cùng mẹ là Long Đĩnh giết chết để đoạt ngai vàng.

Sách Các quan thái giám trong lịch sử Việt Nam kể rằng, khi Long Việt bị giết, người thân tín đều chạy trốn hết, duy chỉ có Lý Công Uẩn cứ ôm lấy xác Long Việt mà khóc lóc thảm thiết. Lê Long Đĩnh trông cảnh ấy thì khó chịu lắm, mặt sa sầm. Đứng hầu bên cạnh Long Đĩnh, Lý Nhân Nghĩa lấy làm lo cho Công Uẩn. Tình thế này, nếu không nghĩ ra mưu gì thì chỉ chốc lát tính mạng Công Uẩn sẽ nguy mất.

Tượng đài Lý Thái Tổ tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh: Người Đưa Tin.

Trong lúc cấp bách, một ý nghĩ lóe lên, Nhân Nghĩa đột nhiên cười rộ. Long Đĩnh giật mình quay sang gắt hỏi: “Nhà ngươi có gì mà cười to thế?”. Nghĩa lại cười to hơn rồi vỗ tay nói: “Tâu chúa thượng, bầy chuột hèn hạ, mới lúc nãy còn xúm xít nịnh hót, nay thấy chủ chết đều bỏ chạy, không đáng cười lắm sao?”. 

Chưa lên ngôi đã được gọi là chúa thượng, Long Đĩnh khoái chí, cơn giận giảm đi mấy phần. Nhận thấy gương mặt Long Đĩnh đã giãn bớt vẻ căng thẳng, Nhân Nghĩa bồi tiếp: “Tâu chúa thượng, thần xem ra chỉ có kẻ liều lĩnh kia là đáng mặt con người”. Long Đĩnh tuy hung bạo song nghe lời Nhân Nghĩa cũng thấy quả đúng Công Uẩn là một bề tôi trung thành đáng nể nên nói: “Phải rồi, đấy mới là bậc trung thần nghĩa sĩ đáng cho ta trọng thưởng”.

Sử sách không chép rõ Long Đĩnh trọng thưởng gì cho Công Uẩn nhưng khi tự lên làm vua, Long Đĩnh đã thăng Công Uẩn lên chức Tứ Sương quân Phó chỉ huy sứ. Gần 3 năm sau, lại thăng lên làm Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ - chỉ huy quân cấm vệ. 

Cò giả cò thật

Lê Long Đĩnh làm vua mấy năm nhưng bạo ngược khiến dân tình oán hận, các quan lại cũng nơm nớp lo sợ. Một ngày kia, cây gạo ở làng Diên Uẩn đất Kinh Bắc bỗng nhiên bị sét đánh tạo thành những hình thù kỳ lạ. Những người hiểu chữ nghĩa bèn luận ra thành một bài vè: “Thụ căn diểu diểu, mộc biểu thanh thanh, Hòa đao mộc lạc, thập bát tử thành”. Theo ý thơ mà chiết tự thì nhà Lê sắp mất, họ Lý sẽ lên thay. Bài vè nhanh chóng được phổ biến trong dân chúng.

 Tranh minh họa Lê Long Đĩnh. Nguồn: Internet.

Nghe dân gian truyền tai nhau, Long Đĩnh sợ thiên hạ nhân đó mà loạn, mới ngầm sai lính thân cận bí mật tìm người mang họ Lý giết đi. Nhân Nghĩa hầu hạ bên cạnh Long Đĩnh, sớm biết việc ấy nên rất long lắng cho số phận Công Uẩn và chính mình vì cả hai cùng mang họ Lý. Thức trắng một đêm, cuối cùng Nhân Nghĩa nghĩ được một kế hay.

Sáng sau, Nghĩa vào chầu vua rất sớm. Lúc đứng chầu bên Long Đĩnh, Nghĩa làm bộ thỉnh thoảng cười một mình, có lúc cười thành tiếng, cốt ý cho Đĩnh nghe thấy. Lấy làm lạ, Long Đĩnh mới hỏi: “Có gì mà nhà người vui thế?”

Lý Nhân Nghĩa ra vẻ lúng túng chối là không có gì, khiến Long Đĩnh càng tò mò ép phải nói. Nhân Nghĩa bèn quỳ xuống tâu: “Tâu bệ hạ, đêm qua thần nằm mơ buồn cười lắm, bây giờ nhớ lại vẫn không nhịn được cười”. Long Đĩnh lại càng tò mò nên giục: “Cho phép ngươi kể cho ta nghe”. Nhân Nghĩa làm bộ sợ sệt: “Bệ hạ có tha tội, thần mới dám kể. Dạ, đêm qua thần mơ thấy y như cảnh ngày còn bé tí. Nhà thần ở gần khu rừng trám, trên cây rất nhiều tổ cò. Có tổ nằm trên cành cây rất thấp, đưa tay là với được. Nhưng thần vào rừng, thấy động, lũ cò ào ào bay đi, trắng lốp cả khoảng trời. Mãi sau thần mới nghĩa ra cách, làm một con cò mồi bằng gỗ, cho đậu lên tay, tiến vào rừng. Lần này cò cũng động cánh mà không bay đi vì thấy có con cò đậu ở bàn tay thần. Thế là thần lần lượt đến từng tổ, tóm lấy từng con, nhốt đầy lồng mà cả rừng cò vẫn đậu nguyên trong tổ. Bệ hạ bảo như thế có thích không? Từ việc cò, thần lại nghĩ đến việc hôm qua bệ hạ muốn trừ tuyệt họ Lý…”

Bị cuốn hút, Long Đĩnh hỏi ngay: “Thế thì sao?”. Nhân Nghĩa tâu tiếp: “Dạ, thần nghĩ, có hột mận thật cũng có hột mận giả. Có họ Lý thật cũng có họ Lý giả. Như thần đây mang họ Lý là họ của người thầy dạy học, chứ dòng máu thần thuộc tông tộc khác. Hay như quan Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn mang họ Lý là của cha nuôi, còn cha đẻ lại họ khác. Vậy thì thần, hay Lý Công Uẩn chẳng phải là con cò gỗ để bệ hạ vào rừng bắt cò thật sao?” Long Đĩnh luôn miệng khen hay và bảo: “Ta muốn triệt họ Lý nhưng cũng e thiên hạ náo loạn. Có họ Lý giả ở ngay cạnh ta, còn ai dám dị nghị nữa”. 

Có lời nói của Nhân Nghĩa, không những Long Đĩnh không lo lắng về Lý Công Uẩn mà còn coi ông là tâm phúc số một. Mặc dù chức Điện tiền chỉ huy sứ chỉ là quan chức bậc trung trong triều nhưng quyền uy của Công Uẩn thì chỉ sau vua vì Long Đĩnh không tin ai ngoài người chỉ huy lực lượng bảo vệ mình. Đây là tiền đề quan trọng để Công Uẩn có thể nắm lấy thiên hạ sau này. Vậy là Lý Nhân Nghĩa đã hai lần dùng trí cứu Công Uẩn thoát chết. Và hơn thế, với lợi thế hầu hạ bên cạnh Long Đĩnh, Nhân Nghĩa biết đâu lại chẳng luôn “tỉ tê” nói tốt cho Công Uẩn để vua tin dùng. Nhân Nghĩa chính là một vì phúc tinh, một quý nhân phù trợ cho Lý Công Uẩn vậy.

Vũ Tiến Đức

Bình luận(0)