Vụ Ám sát Bazin làm chấn động Đông Dương
Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đã dần dần củng cố sự cai trị trên toàn cõi Đông Dương, buộc triều đình phải chấp nhận địa vị phụ thuộc vào chính quyền Bảo hộ. Nhiều phong trào đấu tranh yêu nước bị đàn áp dã man và dần dần đi đến bế tắc, thất bại.
Đến thập niên 1920, nhiều đảng phái đi theo đường lối đấu tranh ôn hòa hình thành ở Đông Dương. Riêng Việt Nam Quốc dân Đảng (thành lập ngày 25/12/1927) chủ trương dùng bạo lực đánh đuổi người Pháp. Đường lối hoạt động của Quốc dân Đảng đề ra có hai phần: "Giai đoạn phá hoại" và "Giai đoạn kiến thiết".
Kế hoạch ám sát trùm mộ phu Alfred François Bazin chính là hoạt động tiêu biểu trong “giai đoan phá hoại” của Quốc dân Đảng.
Bazin là một người Pháp sang Đông Dương làm cai mộ phu ở Bắc Kỳ để gửi người đi làm thuê ở các đồn điền cây công nghiệp của người Pháp ở Đông Dương và các thuộc địa Pháp khác. Hắn có tiếng là tuyển người bằng mánh khóe lừa lọc nên bị nhiều người oán giận, nhất là trong giới thợ thuyền. Dù vậy, chính quyền thực dân vẫn làm ngơ cho Bazin thả sức lộng hành, khiến dư luận càng thêm phẫn nộ.
Nhân tình hình này, Ủy viên Thành bộ Hà Nội của Việt Nam Quốc dân Đảng là Nguyễn Văn Viên đưa ra kế giết Bazin để gây thanh thế cho Đảng. Lãnh tụ Đảng là Nguyễn Thái Học không đồng tình nên Nguyễn Văn Viên cùng hai chiến hữu khác, Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Đức Lung tự ý ra tay.
Vào đêm Giao thừa Tết Mậu Tý (9/2/1929), ba đảng viên trên chờ sẵn ở trước nhà số 110 Phố Huế của Germaine Carcelle, tình nhân của Bazin. Khi Bazin bước ra thì Nguyễn Đức Lung tiến tới giao cho Bazin một phong thư, trong chứa bản án tử hình. Ngay sau đó Nguyễn Văn Lâm cầm súng bắn hai phát vào Bazin, khiến hắn gục chết ngay tại chỗ.
Vụ ám sát đã làm rúng động dư luận Việt Nam thời bấy giờ. Sự kiện này được xem như một thông điệp chính trị của Việt Nam Quốc dân Đảng gửi đến chính quyền thực dân để cảnh cáo về chính sách bất công ở thuộc địa, đồng thời tạo thanh thế cho Việt Nam Quốc dân Đảng.
Sau vụ ám sát, chính quyền thực dân đã mở các cuộc càn quét gắt gao, khiến tổ chức và nhân sự của Việt Nam Quốc dân Đảng bị thiệt hại nặng. Tuy vậy, tổ chức này vẫn kiên trì hoạt động và xúc tiến tổ chức cuộc tổng khởi nghĩa ở Yên Bái chỉ một năm sau đó.
Ẩn số trong cái chết của Hùm thiêng Yên Thế
Hoàng Hoa Thám, còn gọi là Đề Thám hay Hùm thiêng Yên Thế (1858 - 1913) là nhà lãnh đạo lỗi lạc của cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống lại thực dân Pháp, bắt đầu từ năm 1885.
Bằng chiến thuật du kích tài tình, các toán quân dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hoa Thám đã gây cho thực dân Pháp những tổn thất nặng nề.
Về phía đối địch, thực dân Pháp tập trung lực lượng, không từ một thủ đoạn nào để trấn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế, từ việc mua chuộc và chiêu hàng đến bao vây, càn quét.
Sau hơn 2 thập kỷ đấu tranh bền bỉ, nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám suy yếu dần. Cái chết của Hùm thiêng Yên Thế vào năm 1913 đã dánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của cuộc khởi nghĩa.
|
Cụ Hoàng Hoa Thám. |
Theo các nguồn sử liệu chính thức, Hoàng Hoa Thám đã trúng bẫy “trá hàng” của kẻ thù và bị ám sát đầy đau đớn. Theo đó, trong những ngày cuối cùng, lực lượng nghĩa quân ngày càng mỏng, Đề Thám chỉ còn vài thủ hạ bảo vệ bên cạnh và liên tục phải di chuyển.
Khi ông tới vùng Hồ Lẩy, người Pháp đã bố trí 3 người đến trá hàng để tiếp cận nghĩa quân với lời hứa sẽ bày cách chế tạo vũ khí hiện đại. Hoàng Hoa Thám đã trúng kế. Tại một ngôi lều chạy loạn ở khu vực Hố Nấy, ông cùng hai thuộc hạ thân tín bị chuốc rượu say rồi giết hại vào sáng mùng 5 Tết Quý Sửu (10/2/1913). Thủ cấp của ông và thuộc hạ đã bị thực dân Pháp bêu ra trước bàn dân thiên hạ để thị uy.
Tuy vậy, cũng có ý kiến nghi ngờ về cái chết của Hoàng Hoa Thám và đưa ra giả thuyết cho rằng ông không bị ám sát mà đã chạy trốn và sống ẩn dật những ngày cuối đời trong dân chúng, và cuối cùng chết vì bệnh tật.
Theo Lý Đào, một cận vệ cũ của Hoàng Hoa Thám và thường cắt tóc cho Đề Thám, đầu ông có một đường gồ chạy từ trán lên đỉnh đầu, trên khuôn mặt có bộ râu ba chòm, nhưng cái đầu bị bêu không có đường gồ, cằm không có râu
Người dân làng Lèo, một ngôi làng thuộc vùng khởi nghĩa thì cho rằng, thủ cấp bị bêu là của sư ông trụ trì ở chùa Lèo, vì sư ông có dung mạo khá giống với Hoàng Hoa Thám và không thấy xuất hiện từ hôm đó, có lẽ bị giết để thế chỗ.
Tiếng bom Sa Diện thức tỉnh tinh thần dân tộc
Phạm Hồng Thái (1896 - 1924) tên thật là Phạm Thành Tích, vốn là một nhà hoạt động trong Phong trào Đông Du. Ông cùng với một nhóm thanh niên có tâm huyết đã theo Vương Thúc Oánh (thành viên Việt Nam Quang phục Hội) vượt biên qua Xiêm rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc) vào khoảng cuối năm 1918.
Đến tháng 4/1924, ông gia nhập Tâm Tâm Xã, một tổ chức có chủ trương đấu tranh bạo động do Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn thành lập.
Tháng 6/1924 toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin có một chuyến công du sang Nhật để điều đình việc trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam. Trên đường từ Nhật về Đông Dương, Merlin dừng lại thăm khu tô giới của Pháp ở Quảng Châu và định dự tiệc đêm 18/6.
Nhân vụ việc này, tổ chức Tâm tâm xã lên kế hoạch giết chết Merlin này để gây thanh thế. Phạm Hồng Thái đã nhận nhiệm vụ thực hiện sứ mạng với sự hỗ trợ của Lê Hồng Sơn.
Ngày 19/6/1924, sau khi viết bảng cáo trạng tố cáo tội ác của thực dân Pháp đến nhân dân toàn thế giới, Phạm Hồng Thái giả dạng phóng viên xâm nhập khách sạn Victoria tại tô giới Sa Diện ở Quảng Châu để thực hiện kế hoạch.
Trong bữa tiệc, ông đã quăng một quả bom nhỏ vào giữa bàn tiệc. Tuy nhiên vụ mưu sát không thành, Merlin chỉ bị thương nhẹ và thoát chết. Dù vậy có năm doanh nhân Pháp đã thiệt mạng vì quả bom.
Phạm Hồng Thái đã trốn thoát được khỏi khách sạn. Tuy vậy, trước sự truy nã gắt gao của kẻ thù, nhà cách mạng 28 tuổi đời đã phải gieo mình xuống dòng sông Châu Giang tự tử.
Sự kiện này được mệnh danh là "Tiếng bom Sa Diện", đã làm chấn động dư luận khu vực. Tiếng bom của Phạm Hồng Thái đã trở thành sự cổ vũ mạnh mẽ lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam.
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU