Cái may mắn của Bảo Đại là đã có được bên mình những người phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Họ không giống các cung tần mỹ nữ trong cung cấm ngày xưa, chỉ biết nhốt mình trong phòng tối. Lý Lệ Hà, Mông Điệp hay Phi Ánh đều là những người đàn bà đã giúp được nhà Vua rất nhiều trong giai đoạn nguy nan.
Những ngày tháng cơ cực của “lão Vua” và "gái nhảy" nơi đất khách
Khi
Bảo Đại sang Trùng Khánh, Lý Lệ Hà đi du lịch qua Thượng Hải và tìm gặp Bảo Đại ở Hồng Kông. Lý Lệ Hà đã kể như sau: “Đến đất Hồng Kông giàu có, mình bị ngợp, lo sợ quá, bởi không có nhiều tiền. Lão và mình thuê một khách sạn tồi tàn. Ở nơi đất khách càng buồn, lão và mình ăn uống kham khổ, chiều tối ra đường phố, nhìn ngắm cái giàu sang người thiên hạ.
Có một đôi lần thấy lão quá sầu, mình dắt lão vào cái bar nho nhỏ, loay hoay tìm một cái bàn ở gốc tối tăm, kín đáo. Thế mà, chưa kịp ngồi, làm sao mà ban nhạc bar lại nhận ra cái bộ mặt rầu rĩ của anh vua xa nước. Tức thì một bài "Valse Royale" bài nhảy nghênh giá, theo phong tục phương Tây cất lên.
Ban nhạc sống vô cùng trang trọng chơi bài đó; đồng thời ông chủ khách sạn bước ra cúi rạp đầu, cung nghinh vị phế Vương. Lão và mình cố giấu vẻ luống cuống, cố gắng lấy bộ thản nhiên vương giả giả tạo, nhưng vẫn không bỏ cái bàn ở góc tối tăm sau khi lão và mình, cố gắng gượng nhảy hết điệu cũ cung đình ấy.
Ngồi mấy phút, mình kéo lão rời phòng nhảy. Ra đường, mình toát mồ hôi lạnh, xót món tiền vừa phải xổ ra trả giá chai sâm banh thượng hạng và tiền thừa trong đĩa "đức Vua" "rộng thưởng" cho ban nhạc.
Đói quá, trong túi mình không còn lấy một xu, lão thì chẳng bao giờ có một tí tiền. Thì từ thời xưa cũng vậy, chưa có một ông Vua nào có tiền trong túi. Nhưng khủng khiếp nhất là sự kiện đã xảy ra:
Nhịn đói, đội rét, bò được về tầng thứ 13 của khách sạn thì lão và mình hết thở. Tuy mệt, theo thói quen, cứ đi đâu về là linh tính báo mình phải mở ngay tủ áo, rút ở một góc kín chiếc giày cao gót của mình ra xem. Ôi chao, trời nghiêng đất lệch! Cái gót giày tám phân rỗng, trong đó mình giấu tất cả tế nhuyễn riêng tây, vàng , kim cương đã biến hết cả rồi.
Mình bỏ rơi chiếc giày xuống thảm, ngã lăn ra đệm đi văng, ngất xỉu đi. Lúc sau, mở mắt ra, mình thấy lão đang gục xuống vai mình. Lạ hơn nữa là lão khóc. Ôi, lão khóc thật sự, một điều không bao giờ mình chờ đợi ở con người lầm lì, chai đá ấy.
Cũng kể từ tai nạn ấy, lão càng buồn phiền hơn trước. Lão ghé tai mình :
- Vụ này, tôi đoán, không phải là điệp viên Pháp lấy cắp đâu. Mà chính tụi Pháp thuê điệp viên Intelligence Service của Anh làm đấy. Mục đích: "Bần cùng hóa" một ông vua khốn khổ để rồi phải tìm đường quay về với chúng".
Đây là lần đầu tiên, lão vua lầm lì tỏ ra sáng trí và nói hơi nhiều như vậy
Một buổi tối trời rét cực kỳ , hai đứa mình theo thường lệ, lang thang mãi mỏi nhừ chân. Lão Vua dừng gót trước tủ kính sáng choang của một hiệu bán đủ loại đàn. Lão ngắm nghía với cặp mắt thèm thuồng rồi ngần ngừ nói:
- Ước chi có tiền mua cây đàn gảy chơi cho đỡ buồn.
Thật là tội nghiệp. Mình đành phải vét hết túi trong đến túi ngoài, liều mua cây guitare loại đẹp nhất. Từ bữa đó, lão từ chối không ra phố, nằm miết hoặc ngồi lì bên cửa sổ khách sạn, gảy đàn.
Mình thật không ngờ lão có tài âm nhạc, không những chơi các bài bản cổ, kim danh tiếng của Tây Phương, mà còn chơi cả Nam bằng, Nam ai xứ Huế”.
Người đẹp mang bầu từ Hồng Kông sang Sài Gòn kiện tụng
Dù đã có Lệ Hà hết lòng chia sẻ như thế nhưng cuộc sống của Bảo Đại ở Hông Kông vẫn trụy lạc đến mức Daniel Grandcléme đã ghi nhận như sau: “Một tờ báo ở Nam Bộ, tờ Duy Tân đã đăng một tin giật gân, đầu đề chạy suốt trên tám cột báo: “Một cô gái người Hoa tên là Trần Nỷ – được biết nhiều hơn với cái tên Jenny Wong – từ Hongkong sang Sài Gòn, đi tìm những người có vai vế trong hội đồng hoàng tộc để báo cho biết cô đã có mang với Bảo Đại và đứa trẻ sau này ra đời sẽ được chính thức hoá như thế nào trong hội đồng hoàng tộc?”.
Một báo cáo của cơ quan điều tra phản gián Pháp (SDECE) gửi ngày 30/5/1949, cho biết Lý Lệ Hà nguyên là người tình của Bảo Đại đã rời Hà Nội đi Côn Minh tháng 6/1946 rồi sau đó đi Thượng Hải để gặp Bảo Đại. Cuối 1946, cô về sống ở Hà Nội. Về Việt Nam cô mở tiệm cà phê gần Nam Định. Sau đó, cô đã bị các lực lượng Pháp bắt trong một trận càn ở gần Nam Định.
Cô luôn luôn bị tình nghi: Pháp, rồi sau này là cả Ngô Đình Diệm, ai cũng nghi cô, đến mức Bảo Đại khi gặp lại đã nói giọng giễu cợt: “Liệu bây giờ em còn có ý định giết anh không?”.
Vua "cưa" phụ nữ có con từ sân quần vợt
Người tình kế tiếp của Bảo Đại là bà
Bùi Mộng Điệp, SN 1924, người Bắc Ninh, đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”. Năm 17 tuổi bà đã lọt vào mắt xanh của một bác sĩ tiếng tăm ở Hà Nội và có với nhau một đứa con trai tên Jean.
Mộng Điệp đã quan hệ với cựu hoàng tháng 9/1945, chỉ mấy ngày sau khi ông ra thủ đô.
Trong câu chuyện trên sân quần vợt, các đối thủ trẻ của ông đã kể chuyện với ông về cô bạn gái tuyệt thế giai nhân của họ. Thế là ông đi gặp nàng ngay buổi tối hôm đó tại nhà nàng và ở lại đây. Mộng Điệp sau đó cũng lặn lội sang Hongkong mang thêm tiền cho ông tiêu xài.
Sau năm 1949, Mộng Điệp luôn luôn bên cạnh Bảo Đại ở Đà Lạt rồi đến Ban Mê Thuột. Khi tháp tùng cựu hoàng sang Pháp về sống ở Cannes, bà cũng tậu một biệt thự riêng gần lâu đài Thorenc của hoàng gia.
Mộng Điệp đảm đang, tháo vát. Có lần Bảo Đại đi săn bị lạc trong rừng, bà cưỡi voi đi tìm. Bà nuôi một đàn voi 40 con để phục vụ cho việc đi săn của cựu hoàng. Bà cũng biết lái xe ôtô.
Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, so với Nam Phương Hoàng Hậu, Mộng Điệp có phần khéo léo hơn và khá có uy với ông hoàng. Một trong những chi tiết chứng minh sự khôn ngoan của bà thể hiện ở cách “chăm sóc” vua Bảo Đại.
Vốn biết Bảo Đại có một tâm hồn rất nghệ sĩ và lãng mạn nên thay bằng lối tiếp xúc trang trọng xa cách, Mộng Điệp thường rất biết cách tạo không khí thân mật và ấm áp khi ở bên cạnh chồng. Bà thường trải chiếu hoa cạp điều hoặc thảm để nhà vua ngồi ăn cơm trên sàn nhà thay vì ngồi trịnh trọng trên bàn, có kẻ hầu người hạ theo lễ nghi của triều đình. Vì thế Bảo Đại luôn tìm được cảm giác thanh nhàn và ấm cúng bên người tình.
Không chỉ chú ý chăm lo cho vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, từ khi trở thành thứ phi của Bảo Đại, Bùi Mộng Điệp thường xuyên đi về Huế thăm bà Từ Cung, thân mẫu Bảo Đại, tranh thủ tình cảm của bà.
Mộng Điệp khéo cư xử nên được Hoàng thái hậu rất yêu quý. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ bà được đức Từ Cung yêu quý còn bởi xuất thân của bà có nhiều nét tương đồng với đức Từ Cung. Hơn nữa, Mộng Điệp lại sùng đạo Phật, biết chăm lo thờ phụng tổ tiên trong khi chính cung hoàng hậu vốn theo công giáo nên lơ là việc này.
Nhờ cảm tình của đức Từ Cung mà Mộng Điệp được bà Hoàng thái hậu "ban mũ áo" sau khi làm lễ trước bàn thờ tổ tiên trong Đại Nội, chính thức công nhận là thứ phi. Tuy nhiên, dù được hoàng tộc thừa nhận, bản thân và các con đều được đưa vào tôn phổ nhưng Bùi Mộng Điệp và các con bà vẫn không được phong tước hiệu nào.
Năm 1953, bà được Bảo Đại giao nhiệm vụ mang cặp ấn kiếm và một số báu vật của triều Nguyễn qua Pháp giao cho Hoàng hậu Nam Phương và ở lại luôn bên đó.
Ngày 26/6/2011 tại Pháp, bà Mộng Điệp, thứ phi của vua Bảo Đại đã qua đời, thọ 87 tuổi. Dù có 3 người con với Bảo Đại, nhưng những năm cuối đời, bà phải sống cô quạnh nơi đất khách.
Mỗi đêm một người tình, không thể thiếu đàn bà trong giấc ngủ
Người tình thứ ba của cựu hoàng, một thiếu nữ con nhà lành, giàu có và nguồn gốc danh giá. Tên nàng là Phi Ánh. Bảo Đại cũng rất yêu bà, mua cho bà một biệt thự, có với nàng hai đứa con, một trai một gái. Suốt thời gian ở Đà Lạt, Phi Ánh rất được Bảo Đại ưu ái. Nhưng khác với Bùi Mộng Điệp, Phi Ánh không dự những buổi tiếp tân, không được gần gũi với bà Thái hậu, không lên Buôn Ma Thuột để cùng đi săn thú với Bảo Đại như Mộng Điệp.
Thời gian sống ở Đà Lạt, Bảo Đại quan hệ với cả ba bà, Nam Phương, Mộng Điệp và Phi Ánh (mỗi bà có một dinh thự riêng) và hàng tá cô gái khác. Ông không bao giờ ngủ một mình. Nếu không Mộng Điệp thì Phi Ánh hoặc một cô gái khác nằm bên. Bản liệt kê các nhân tình của ông khá dài. Ít ai ngủ với ông quá một hay hai đêm. Người ta nói đó là quy tắc do Thái hậu Từ Cung đặt ra. Các cô gái ra khỏi dinh qua một cầu thang nhỏ bên cửa ngách, tránh cửa chính.
Khi
Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại, bà Phi Ánh bị tịch thu nhà cửa, gia đình ly tán, bà phải đi bước nữa và cuối cùng sống cô đơn và chết tại Sài Gòn.