Kỳ nhân luận Sát Thát khiến giặc phương Bắc cứng họng

Google News

(Kiến Thức) - Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai, Trần Khắc Chung đã có công lớn khi đi sứ vào trại giặc. 

Ngờ đâu xe muối lại có ngựa Kỳ
Tháng Chạp năm Giáp Thân (1284), Nguyên Thế Tổ sai Thái tử là Thoát Hoan cùng với bọn Toa Đô và Ô Mã Nhi đem 50 vạn quân Mông Cổ, giả tiếng mượn đường đi qua nước Nam sang đánh Chiêm Thành. Quân Nguyên chia làm hai đạo: một đạo do Toa Đô làm tướng đem 10 vạn quân từ Quảng Châu đi theo đường biển sang đánh Chiêm Thành; một đạo do Thoát Hoan đem đại binh đến ải Nam Quan đánh vào vùng Lạng Sơn. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn liền sai quân đi chống giữ các mặt. Năm Thuận Bảo thứ 7 (1286), quân Nguyên kéo quân tới đóng tại bến Đông Bộ Đầu. Hưng Đạo Vương lập trại cạnh Nam Ngạn để phòng giữ. 
Để trận đánh chắc thắng, vua Trần Nhân Tông muốn sai người thám thính thế lực của quân địch thực hư thế nào, nhưng chưa tìm được người đủ tài năng và dũng cảm để đảm đương nhiệm vụ này. Trong lúc đang ra sức dò tìm người đủ khả năng thì Chi hậu cục thủ là Đỗ Khắc Chung tình nguyện xin đi. Vua Trần Nhân Tông ban khen "Ngờ đâu xe muối mà lại có ngựa Kỳ, ngựa Ký như thế", rồi giao cho Đỗ Khắc Chung sang trại binh nhà Nguyên.
 Ảnh minh họa.
Đối đáp trôi chảy 
Khi ấy các tướng sĩ hừng hực ý chí quyết tâm đánh giặc. Người nào cũng thích vào cánh tay hai chữ "Sát Thát", nghĩa là giết giặc Mông Cổ.
Đỗ Khắc Chung đem thư đến trại giặc, tướng nhà Nguyên tỏ thái độ không bằng lòng về việc quân ta ai cũng thích hai chữ Sát Thát. Đỗ Khắc Chung bình tĩnh đáp lại rằng: "Con chó tự nó cắn người lạ, chứ có phải do chủ nó xui đâu! Vì lòng công phẫn, quân sĩ tự thích chữ Sát Thát, chứ thực quốc chủ tôi không hề biết tới việc đó. Ngay tôi đây, là một cận thần, nếu có lệnh trên, thì tại sao riêng một mình tôi không thích chữ?". Đỗ Khắc Chung bèn giơ cánh tay cho tướng nhà Nguyên xem, rồi nói tiếp: "Hiền tướng không theo chính sách của Hàn Tín bình nước Yên? Vua tôi cho đưa thư tín muốn cùng thông hiếu, nếu không thông hiếu, ấy là cái lỗi của hiền tướng! Kẻ anh hùng không nên lấy cường lực áp bức người khác. Ta thường nói: Muông thú đến lúc cùng thời cắn lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là loài người".
Sau khi Đỗ Khắc Chung từ biệt ra về, tướng nhà Nguyên quay lại bảo với các thuộc hạ: "Con người ấy đang lúc bị uy chế mà lời lẽ tự nhiên, bình tĩnh, ứng đối trôi chảy, thực không nhục đến quân mệnh! Nước họ còn có người giỏi như thế, chưa dễ đã mưu đồ được!". Rồi muốn cho người đuổi theo Đỗ Khắc Chung nhưng không kịp
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, Đỗ Khắc Chung làm quan đến chức Đại hành khiển và được nhà vua ban quốc tính Trần Khắc Chung.
Qua bốn đời vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông, ông đã trải qua những chức vụ quan trọng như Đại hành khiển, Tể tướng, Thượng thư, Ngự sử đại phu, Quan nội hầu... Trong sách sử, ông còn được biết đến là người được giao trọng trách sang Chiêm Thành giải cứu công chúa Trần Huyền Trân sau cái chết của vua Chế Mân.
Tuấn Trinh

Bình luận(0)