Giải mã bộ luật “để đời” của Thành Cát Tư Hãn (1)

Google News

Là một bộ luật rộng lớn, nhiều chi tiết với những nội dung luân lý tâm linh khác thường, Yasa còn hơn cả một thứ luật pháp.

Nó chính là công cụ đầy sức mạnh mà Thành Cát Tư Hãn dùng để duy trì trật tự chính trị và quân sự, một chỉ dẫn đạo đức, tư tưởng cho xã hội để xây dựng đế quốc Mông Cổ một thời hùng mạnh.
Kỳ 1: Một bộ luật quân sự
Thành Cát Tư Hãn, hay còn gọi là Khả Hãn hay Thiết Mộc Chân, trước khi qua đời đã kêu gọi thần dân trung thành với Yasa - một bộ luật dựa trên các tục lệ và truyền thống xa xưa của Mông Cổ. Vì cho tới nay không còn bản lưu nào còn lại, Yasa luôn bị bao phủ trong vòng bí ẩn và cả tranh cãi. Người ta chỉ biết về nó nhờ ghi chép của các học giả đời sau, bên cạnh những ảnh hưởng văn hóa vẫn còn sót lại. Việc Thành Cát Tư Hãn có thể sáng tạo ra một bộ luật phức tạp và toàn diện như vậy cách đây gần một ngàn năm dường như trái ngược với hình ảnh bấy lâu nay của ông là một nhà lãnh đạo thất học và tàn bạo.
 Chân dung Thiết Mộc Chân - Thành Cát Tư Hãn.
Thành Cát Tư Hãn, được đặt tên là Thiết Mộc Chân, chào đời vào khoảng năm 1167 gần sông Onon, nằm dọc theo biên giới ngày nay giữa Mông Cổ và đông nam nước Nga. Cha ông là thủ lĩnh của Khất Nhan, một trong những bộ tộc sinh sống trên thảo nguyên vốn rất rời rạc của Mông Cổ. Năm 1198, Thiết Mộc Chân đã thể hiện kỹ năng quân sự hiếm thấy khi đánh bại vô số bộ tộc khác nhau và bắt binh sĩ của họ nhập vào đội quân ngày càng lớn mạnh của mình. Năm 1206, các thủ lĩnh Mông Cổ đã tôn Thiết Mộc Chân, khi đó 39 tuổi và đã cai trị toàn miền trung và miền đông Mông Cổ, lên làm Thành Cát Tư Hãn - có nghĩa là vua của cả thế giới.
Vào thời điểm đó, vị Đại Hãn đã hệ thống ra những nét cơ bản nhất của Yasa (theo tiếng Mông Cổ là “mệnh lệnh” hoặc “sắc lệnh”) rồi ngay lập tức đưa vào thi hành. Không ai dám coi thường Yasa, vì vi phạm những quy tắc của nó đồng nghĩa với không giữ được mạng sống.
Một phần không nhỏ của Yasa gắn với quân sự, trong đó nêu chi tiết các chiến thuật trên chiến trường cũng như công tác hậu cần, thành lập một cơ cấu chỉ huy chính thức - điều hoàn toàn có thể so sánh với những đội quân hiện đại. Theo Yasa, binh sĩ trong quân đội được chia thành các nhóm theo hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn và hàng chục nghìn người. Và đó chính là các đơn vị chỉ huy. Cách sắp xếp này giúp quân đội Mông Cổ dễ dàng được huy động nhanh chóng khi cần thiết.
 Chiến mão và gươm của Thành Cát Tư Hãn.
Các thủ lĩnh phải chuẩn bị đầy đủ cho binh sĩ của mình trong mỗi cuộc chiến. Thậm chí họ còn là người trực tiếp trao binh khí cho lính trước trận đánh. Họ phải tự kiểm tra binh sĩ và những ai thiếu vũ khí sẽ bị trừng phạt. Trên chiến trường, trong khi tấn công hay rút lui, nếu một binh sĩ đánh rơi vũ khí, người đi sau phải cúi xuống nhặt để trả lại cho chủ nhân của nó. Nếu không làm vậy, người lính đi sau sẽ phải chết.
Tất cả đàn ông, trừ một số ngoại lệ rất ít, đều phải đi lính. Những người không đi lính phải làm việc cho đế chế mà không được hưởng gì. Phụ nữ phải đi theo các binh sĩ khi họ đang trên đường chiến đấu. Để cho các binh sĩ đều được luyện tập, hàng năm một cuộc đi săn lớn được tổ chức vào mùa đông. Chính vì thế, không ai được giết hươu, nai, thỏ rừng, lừa và một số loại chim từ tháng 3 cho đến tháng 10.
Binh sĩ nào đào ngũ hay không chăm sóc ngựa của mình sẽ bị xử tội chết. Các thủ lĩnh bại trận hoặc không nghe lệnh triệu hồi của Khả Hãn cũng không thể sống sót. Nếu không được ra lệnh, kẻ nào cướp bóc kẻ thù cũng phải chịu chung số phận. Nhưng nếu được phép, binh sĩ và tướng lĩnh có quyền ngang nhau sở hữu những gì mình cướp được. Quan trọng là mỗi khi trở về từ trận chiến, mọi binh sĩ phải mang về cho Đại Hãn những chiến lợi phẩm.
Nhờ trung thành với giáo lý của Yasa, các đội quân Mông Cổ đã thành công đến mức Thành Cát Tư Hãn được mệnh danh là một trong những nhà quân sự vĩ đại nhất trong kỷ nguyên của ông. Những binh sĩ được trang bị đầy đủ và kỷ luật, sở hữu vũ khí và áo giáp cùng với chiến thuật đi trước thời đại đã đả bại không biết bao nhiêu thành trì và các đội quân trên đường xâm chiếm thế giới của quân Mông Cổ. Thắng lợi quân sự của Thành Cát Tư Hãn đã tạo dựng nên một đế chế rộng lớn trải dài từ Siberia, phía nam đến Ấn Độ và Biển Aral, phía đông tới biển Nhật Bản, tương đương với vùng đất của 30 nước ngày nay.
(Còn nữa...)
Theo Báo Tin tức

Bình luận(0)